Ngừa YouTube độc hại: Cha mẹ phải “gác cửa”, không còn cách nào khác!

31/03/2021 - 17:55

PNO - Theo một nghiên cứu của Mỹ, trẻ thường xuyên sử dụng thiết bị điện tử sẽ giảm tính tò mò, kiểm soát bản thân kém, tinh thần bất ổn và giảm khả năng hoàn thành công việc.

Trẻ tiếp xúc thường xuyên với những nội dung không lành mạnh trên mạng xã hội dễ hình thành nhận thức và hành vi sai lệch, thậm chí rối loạn tâm lý… 

“Món” độc tràn lan

Em Đ.M.N., một học sinh lớp Bảy tại TP.HCM, được chẩn đoán rối loạn thách thức chống đối xã hội.

Ở trường, em thường xuyên đánh bạn và có hành vi hung hăng, vô lễ với giáo viên. Nhà trường nhiều lần cảnh cáo sẽ đình chỉ việc học, nhưng em không bận tâm. Ba mẹ la mắng hay năn nỉ, dỗ dành, N. cũng phớt lờ. Em khẳng định mình sẽ trở thành youtuber, không cần học vẫn nổi tiếng và kiếm được nhiều tiền. 

Thần tượng của N. là Khá Bảnh, kể cả khi Khá Bảnh bị bắt đi tù, N. vẫn một mực bênh vực thần tượng. Ba mẹ N. hoàn toàn bất lực trước suy nghĩ và hành động em.

Cha mẹ “thả lỏng” là con sẽ xem YouTube vô tội vạ - Ảnh mang tính minh họa: Shutterstock
Cha mẹ “thả lỏng” là con sẽ xem YouTube vô tội vạ - Ảnh mang tính minh họa: Shutterstock

Thực tế cho thấy, công nghệ càng phát triển việc nuôi dạy con cái càng bị thách thức. Ngày nay các youtuber, facebooker… có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến trẻ. Nếu cha mẹ lơ là việc kiểm soát những nội dung mà con cái tiếp xúc trên mạng xã hội, lâu dài sẽ để lại những hậu quả khó lường.

Việc tháo gỡ một bài viết hay đóng cửa một kênh YouTube vi phạm là trách nhiệm của cơ quan nhà nước, nhưng không phải giải pháp triệt để trong việc giáo dục con cái.

Thế giới mạng xã hội sôi động cho phép những trò chơi điện tử, phim hoạt hình, những clip… nội dung không phù hợp và phản giáo dục liên tục ra đời. Từ các kênh phim hoạt hình lồng ghép hình ảnh khiêu dâm, đến những trò game bạo lực và cả những kênh dưới danh nghĩa giáo dục, khám phá, nhưng sử dụng ngôn ngữ phi văn hóa… Việc hậu kiểm của các cơ quan chức năng lâu nay không thể theo kịp.

Anh Nguyễn Hoàng Cương (TP.Thủ Đức, TP.HCM) từng sốc vì bị con trai chửi. Anh khẳng định từ trước đến nay con trai anh rất ngoan, chưa bao giờ cãi lời ba. Về sau, anh Cương phát hiện, con anh thường xuyên xem những video chơi game trên YouTube.

Anh thử ngồi xem cùng con 15 phút thì phát hoảng vì nhân vật trong clip liên tục chửi bậy. Anh giải thích cho con hiểu những video này sử dụng ngôn từ không phù hợp, nhưng thằng bé khăng khăng cho là bình thường. Thậm chí bé còn khoe: “Bạn bè con cũng như vậy”.

Trẻ em vốn hiếu kỳ, thích bắt chước, dễ bị thu hút và học theo rất nhanh. Khi trẻ bị dẫn dắt bởi những hành vi không phù hợp, không chỉ dẫn đến sự lệch lạc, mà việc sử dụng các thiết bị điện tử trong nhiều giờ, nhiều ngày còn ảnh hưởng đến quá trình phát triển và gây ra các nguy cơ rối loạn sức khỏe tâm thần.

Theo một nghiên cứu của Mỹ, trẻ thường xuyên sử dụng thiết bị điện tử sẽ giảm tính tò mò, kiểm soát bản thân kém, tinh thần bất ổn và giảm khả năng hoàn thành công việc.

Những trẻ dành thời gian bảy tiếng đồng hồ một ngày để lên mạng có nguy cơ bị rối loạn tâm lý như: stress, lo âu, trầm cảm cao gấp hai lần so với những trẻ chỉ xem thiết bị điện tử một giờ mỗi ngày. Đối với trẻ độ tuổi mẫu giáo, việc xem thiết bị điện tử quá nhiều có nguy cơ mất bình tĩnh cao gấp đôi trẻ xem một giờ mỗi ngày. 

Ngoài ra, sức khỏe thể chất của trẻ cũng bị ảnh hưởng. Tác hại của sóng điện từ lên não gây mất ngủ, khó tập trung, giảm khả năng học tập hay các bệnh về mắt do khúc xạ của ánh sáng từ các thiết bị này.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Kiểm soát và định hướng thế nào?

Cha mẹ nên đưa ra giới hạn thời lượng sử dụng thiết bị điện tử phù hợp, đồng thời kiểm soát chặt chẽ nội dung và thời gian sao cho trẻ không cảm thấy bị cấm đoán nhưng không ảnh hưởng đến quá trình phát triển của con.

Theo khuyến cáo từ các chuyên gia thuộc Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ, trẻ từ 2-5 tuổi không nên xem thiết bị điện tử quá một giờ một ngày và không quá hai giờ một ngày đối với trẻ đang độ tuổi đi học. 

Đối với trẻ mầm non và đầu tiểu học, cha mẹ nên ngồi xem cùng con, hoặc chọn chương trình phù hợp cho con. Cha mẹ cũng nên hướng dẫn con chọn các chương trình tích cực, bổ ích.

Mặt khác, ngoài những video có nội dung không phù hợp, thì cũng có nhiều kênh YouTube cung cấp những kiến thức bổ ích, giúp trẻ khám phá và học hỏi điều mới lạ, nhưng cha mẹ phải chắt lọc và hướng dẫn hỗ trợ con mở rộng vốn kiến thức. 

Chuyên viên tâm lý Linh Giang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI