Ngừa sốt xuất huyết bằng những hành động nhỏ

10/07/2022 - 16:10

PNO - Sau năm ngày nhập viện, sức khỏe của cháu bé đã ổn và được cho xuất viện. Chuyện con bị sốt xuất huyết thì bạn tôi không bất ngờ, do gần đây nhà thường xuyên có muỗi. Điều khiến bạn khó hiểu là muỗi ở đâu ra khi nhà ở tít trên tầng 10 một tòa chung cư, luôn lộng gió.

Tôi sang chơi nhà bạn mới tá hỏa khi thấy nhà có hơn mười chậu cây lớn nhỏ, dưới chân đế các chậu đều đọng nước và có nhiều lăng quăng. Muỗi, đặc biệt là muỗi vằn gây sốt xuất huyết (SXH) sinh ra từ đây mà đôi khi chúng ta không để ý. Lại thêm nhà cửa thiếu gọn gàng, quần áo để bừa bãi ở những nơi ẩm thấp, có lọ hoa đọng nước lâu ngày… đều là nơi cho muỗi trú ngụ, sinh sôi.

Mùa mưa là cao điểm của dịch bệnh SXH. Năm nay, dịch bệnh này đang gióng lên hồi chuông báo động. Ngành y tế TPHCM đã nhiều lần cảnh báo về nguy cơ bùng phát mạnh dịch bệnh SXH. Số ca bệnh và tử vong hiện tăng theo chiều thẳng đứng so với năm 2019 (năm dịch bùng phát nhiều).

Cụ thể, tính từ đầu năm, toàn khu vực phía Nam đã có gần 56.000 ca SXH với 43 trường hợp tử vong. Trong đó, TPHCM chiếm 23.000 ca và 11 người tử vong. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM được xem là tuyến cuối đón bệnh nhân SXH chuyển nặng của TPHCM và các tỉnh, thành phía Nam đang đứng trước nguy cơ bị quá tải.

Ngăn ngừa sốt xuất huyết nôm na là diệt muỗi và không tạo môi trường cho muỗi sinh sản, có nghĩa là phải xóa bỏ các điểm rậm rạp, ẩm thấp, nước tù đọng
Ngăn ngừa sốt xuất huyết nôm na là diệt muỗi và không tạo môi trường cho muỗi sinh sản, có nghĩa là phải xóa bỏ các điểm rậm rạp, ẩm thấp, nước tù đọng

Ở TPHCM, từ đầu mùa mưa, các phương án “dập dịch” SXH đã được ngành y tế và chính quyền các cấp triển khai. Tuy nhiên, công tác này đòi hỏi rất nhiều sự chủ động của người dân trong vệ sinh từ chỗ ở cho đến nơi làm việc và môi trường xung quanh. “Dập dịch” SXH nôm na là diệt muỗi và không tạo môi trường cho muỗi sinh sản, có nghĩa là phải xóa bỏ các điểm rậm rạp, ẩm thấp, nước tù đọng. Việc tuy dễ nhưng có lẽ đòi hỏi phải thay đổi thói quen và sự có sự quan tâm thường xuyên, bắt đầu từ hành vi siêng dọn dẹp nhà cửa, không gian sống và làm việc. Thói quen vứt, đổ rác bừa bãi cũng cần được điều chỉnh. 

Tuy nhiên, trong một cuộc họp gần đây, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho hay, qua khảo sát công tác phòng, chống dịch bệnh SXH tại một số trường học cho thấy nhà trường chưa tạo được thói quen vệ sinh tốt cho học sinh. Học sinh vẫn vô tư vứt rác trước cổng trường. Ly nhựa, tô giấy, bịch ni-lông vẫn vứt vô tội vạ xuống đường, gốc cây, miệng hố ga… Chỉ cần mưa xuống, nước tù đọng đều có thể sinh ra lăng quăng.

Ngoài ra, ở nhiều khu dân cư, nhất là các dãy trọ lụp xụp, ẩm thấp ven kênh rạch, người dân còn quăng rác xuống kênh, ngăn dòng chảy, tạo thành những “ổ dịch” SXH lớn… 

Thiết nghĩ, trong nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh SXH bùng phát, mỗi người dân, mỗi gia đình cần có ý thức và phát huy tinh thần vì cộng đồng với những hành động và thói quen rất nhỏ nhưng tạo ra hiệu quả lớn. 

Đ.Hòa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI