Ngừa rủi ro, ngân hàng giảm thời hạn, mức vay

26/09/2024 - 07:23

PNO - Có trang trại chăn nuôi ở tỉnh Đồng Nai, 10 năm qua, bà Trần Ngọc Thu (TPHCM) liên tục được ngân hàng cho vay vốn lưu động với thời hạn 1 năm. Nhưng mới đây, ngân hàng thông báo chỉ cho bà vay với thời hạn 6 tháng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trang trại của bà Thu nuôi 6.000-7.000 con vịt, luôn cần vốn mua thức ăn, đầu tư nuôi đợt mới. Nếu chỉ được vay trong 6 tháng, bà phải vay “nóng” bên ngoài để có tiền đáo hạn mới được ngân hàng cho vay tiếp. Điều này khiến bà vừa tốn chi phí, vừa tốn hơn 1 tuần chờ hoàn tất thủ tục nên lợi nhuận từ chăn nuôi chẳng còn bao nhiêu.

Những năm 2022, 2023, mỗi lần vay vốn lưu động để sản xuất nấm, anh Nguyễn Thanh Tùng (huyện Bình Chánh, TPHCM) được Ngân hàng H. duyệt vay 2 tỉ đồng, lãi suất 9%/năm, kỳ hạn 12 tháng. Mới đây, ngân hàng này thông báo, trong lần vay tới, hạn mức cho vay chỉ còn 1,5 tỉ đồng, lý do là vì nợ xấu tăng nên ngân hàng cần giảm mức cho vay để kiểm soát rủi ro.

Ông Trương Quốc Hùng - Chủ nhiệm Hợp tác xã Sản xuất và Thương mại Tấn Thành (huyện Củ Chi, TPHCM) - so sánh, trong năm 2024, lãi suất cho vay của các ngân hàng giảm nhiều so với trước đó nhưng lại có xu hướng cho vay với kỳ hạn ngắn hơn. Ông nói: “Các hợp tác xã, doanh nghiệp thường muốn vay với thời hạn 9 tháng hoặc 12 tháng nhưng các ngân hàng chỉ khuyến khích vay trong 3-6 tháng, nếu vay bằng ngoại tệ thì chỉ trong 1 tháng thay vì 6 tháng như trước”.

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân - Trưởng bộ môn thị trường tài chính, Khoa Ngân hàng, Trường đại học Kinh tế TPHCM - cho rằng, những năm gần đây, thời tiết cực đoan nên cá nhân, tổ chức ở lĩnh vực nông nghiệp được ngân hàng xếp vào nhóm rủi ro cao, từ đó giảm thời hạn, mức vay, tăng giá trị tài sản đảm bảo. Thêm vào đó, do thời gian qua, các ngân hàng giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế; lãi suất sẽ được linh động tăng, giảm thường xuyên nên việc cho vay với lãi suất thấp trong thời hạn dài có thể khiến ngân hàng bị lỗ.

Ông phân tích: “Cho vay vốn lưu động chỉ trong 3-6 tháng là quá ngắn, người vay rất khó xoay vòng vốn đúng hạn. Nhưng cần thông cảm cho các ngân hàng bởi nhà quản lý vĩ mô chưa có chính sách nào đảm bảo an toàn cho họ nếu nợ xấu tăng mạnh. Cách làm tốt nhất vẫn là khách hàng tự tìm kiếm ngân hàng phù hợp với mình, có thể chấp nhận mức lãi suất cao hơn một chút để có thời hạn vay dài hơn”.

Ông Nguyễn Hữu Huân cho hay, nhiều nước có quỹ tín dụng nhân dân để hỗ trợ người dân vay vốn với lãi suất vay thấp, thời gian vay dài. Việt Nam cũng có các quỹ tín dụng nhân dân nhưng hoạt động chưa mạnh, ngân hàng chính sách xã hội cho vay với lãi suất thấp, không đòi thế chấp tài sản nhưng hạn mức cho vay còn khá thấp. Do đó, cần phát huy các quỹ tín dụng nhân dân và nâng mức vay tối đa của ngân hàng chính sách xã hội để hỗ trợ tốt hơn cho nền kinh tế.

Ông Nguyễn Thiện Giang - Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Á (VietABank) chi nhánh TPHCM - phân tích thêm, các ngân hàng thường xuyên sử dụng các công cụ và mô hình đánh giá để phân tích hành vi trả nợ của khách hàng theo từng nhóm kỳ hạn. Khi nhận thấy nhóm khách hàng nào đó có tỉ lệ nợ xấu cao hơn bình thường, các ngân hàng thường điều chỉnh chính sách cho vay để giảm rủi ro. Nhóm khách vay ngắn hạn thường vay vốn xoay vòng, chịu ảnh hưởng trực tiếp từ biến động kinh tế vĩ mô nên khả năng trả nợ cũng có thể thay đổi nhanh chóng. Việc dự báo khả năng trả nợ của nhóm khách vay ngắn hạn thường khó hơn so với khách vay trung và dài hạn.

Tính đến hết quý II/2024, tỉ lệ nợ xấu tại các ngân hàng là 4,56%, tăng gần 45.000 tỉ đồng so với cuối năm 2023, trong đó nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) có xu hướng tăng. Từ đầu năm 2024 đến nay, lãi suất huy động có xu hướng tăng, trong khi Ngân hàng Nhà nước yêu cầu lãi suất cho vay phải giữ nguyên hoặc giảm xuống khiến các ngân hàng không có lợi nhuận, phải điều chỉnh thời gian cho vay ngắn hơn để đảm bảo tính an toàn. Để các ngân hàng mạnh dạn cho vay đúng nhu cầu của mình, khách hàng phải chứng minh năng lực bằng lịch sử trả nợ tốt, có phương án sản xuất kinh doanh phù hợp, có nguồn thu nhập ổn định.

Phó giáo sư, tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính Ngân hàng)

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI