Ngừa kẹt xe bằng quy hoạch đô thị

27/11/2023 - 06:21

PNO - Hồi tháng 7/2023, tại hội nghị quán triệt, triển khai Chỉ thị số 23-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới”, lãnh đạo UBND TPHCM thừa nhận: TPHCM có nguy cơ ùn tắc giao thông mọi ngày trong tuần, bởi ngày thường thì quá tải ở khu trung tâm, 2 ngày cuối tuần thì ùn tắc ở các cửa ngõ.

Dù chính quyền TPHCM đã có nhiều nỗ lực, nhưng đường sá ở khu trung tâm thành phố hiếm khi thông thoáng. Đó là vì khu trung tâm hiện hữu không ngừng thu hút đầu tư, phát triển dịch vụ khiến người, xe đổ về đây rất lớn. Không chỉ vậy, rất nhiều xe cộ từ các tỉnh chỉ muốn ngang qua TPHCM để chạy tiếp đi nơi khác nhưng bất đắc dĩ phải chạy dồn về trung tâm TPHCM, gọi là chạy xuyên tâm bởi không có lựa chọn khác. 

Theo dữ liệu quan trắc do Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị TPHCM công bố mới đây, vận tốc trung bình của xe cộ ở nội thành là 33,8km/giờ, vận tốc trung bình ở khu vực phía tây (quận 6, Bình Tân, Tân Phú, huyện Bình Chánh) khoảng 31,8km/giờ, khu vực trung tâm (quận 1, 3, 5, 6, 10, Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Thạnh) khoảng 33,3km/giờ, khu vực phía nam (quận 4, 7, 8, huyện Bình Chánh, Cần Giờ, Nhà Bè) khoảng 33,6km/giờ, khu vực phía đông (TP Thủ Đức) là 41,5km/giờ.

Từ hơn chục năm trước, Đảng bộ, chính quyền TPHCM đã có chủ trương di dời các trường học, bệnh viện, nhà máy, cơ quan hành chính ra khỏi trung tâm để giảm mật độ lưu thông xe cộ ở nội thành. Nhưng không hiểu sao, khi việc di dời này đang khởi động chậm chạp thì khu trung tâm không ngừng mọc thêm nhiều chung cư cao tầng, trung tâm thương mại mới. Trung tâm là nơi tập trung những khu vui chơi hấp dẫn nhất, những hàng quán sang trọng nhất, những trường học, bệnh viện tốt nhất nên sức hút chưa bao giờ giảm.

Cho đến nay, TPHCM vẫn chỉ có 1 trung tâm rõ nét là vùng lõi đô thị lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn và phụ cận. Nếu cứ duy trì cách phát triển này, thì dù có đề ra bao nhiêu giải pháp hành chính, kỹ thuật, cũng không thể hạn chế xe vào nội thành.

Chính quyền TPHCM đã có định hướng hình thành các khu đô thị mới nhưng dường như các nhà đầu tư chỉ quan tâm xây mới các khu nhà ở, khu dân cư ở ngoại thành theo làn sóng đầu cơ mà không gắn với việc làm, hạ tầng cơ sở và dịch vụ trọng yếu nên không hình thành các trung tâm mới đúng nghĩa.

Việc phát triển kiểu phân tán đó đã khiến người dân ở chỗ này nhưng đi làm chỗ kia, đi chữa bệnh ở chỗ nọ, phát sinh “giao thông con lắc” - là tình trạng mà các nước phát triển luôn tránh. Do đó, để giảm nhu cầu chạy xe vào nội thành, chính quyền TPHCM phải đầu tư lớn để hình thành nhiều trung tâm mới có đầy đủ hạ tầng dịch vụ, có sức hút ngang ngửa với trung tâm hiện hữu.

Muốn hình thành các trung tâm mới theo quy hoạch, cần có các chính sách ưu đãi, thu hút nhà đầu tư. Ngoài ra, cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống đường vành đai để vừa hạn chế xe chạy xuyên tâm, vừa tạo động lực phát triển cho các khu đô thị mới. Quỹ đất trong khu trung tâm cần được khai thác hiệu quả ở cả 3 tầng không gian: mặt đất, ngầm và trên cao. Song song đó là giải pháp “vừa kéo, vừa đẩy”, tức một mặt tổ chức hiệu quả giao thông công cộng, mặt khác từng bước hạn chế việc sử dụng xe cá nhân.

Chính quyền thành phố cần hạn chế việc xây mới cao ốc, trung tâm thương mại, khu dịch vụ ở trung tâm hiện hữu, từng bước di dời cao ốc văn phòng, chung cư cao tầng, trường học, bệnh viện, khu công nghiệp ra các khu đô thị ở ngoại ô, ngoại thành.

Nếu không có quy hoạch đô thị đúng đắn, thiếu các giải pháp tổng thể về đầu tư hạ tầng giao thông, hệ thống vận tải công cộng thì không thể làm giảm mật độ xe cộ ở nội thành. 

Phương Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI