Kính gửi chị Hạnh Dung,
Vợ chồng em bước sang tuổi 40. Công việc của cả hai đều nhiều, em vẫn nghĩ đó là điều may mắn vì cả hai đều có sự nghiệp phát triển. Vợ chồng em đang động viên nhau cố gắng dành dụm để đổi căn chung cư đã quá chật so với nhu cầu sinh hoạt hiện tại của vợ chồng và hai đứa nhỏ.
Từ trước đến nay, gia đình em vẫn yên ổn. Chồng em là người nghiêm túc, đàng hoàng, thương yêu vợ con. Mấy tháng trước, có một đợt công ty anh nhận dự án lớn, việc của anh nhiều nên phải làm thêm ở nhà; sau đó là giai đoạn dịch bệnh phải làm việc online, vợ chồng em quyết định dành một phòng cho anh làm việc.
Đó là phòng của các con và các con đều đồng ý, con trai ra ngủ phòng khách, con gái vào ngủ với mẹ, dành không gian cho ba làm việc, bày biện giấy tờ hồ sơ. Vì thường thức rất khuya để làm việc nên anh trải nệm ngủ luôn trong phòng, sáng hôm sau cũng dậy trễ.
Gần hai tháng đó cũng là lần đầu tiên vợ chồng em ngủ riêng từ sau ngày cưới. Sau đó, khi đi làm lại, mấy lần em nói anh chuyển về phòng của vợ chồng để trả phòng lại cho các con nhưng anh nói cứ để tạm một thời gian nữa do anh chưa xong việc.
Từ lúc vợ chồng không ngủ chung, em thấy tình cảm cũng nguội lạnh đi, em có chuyện gì muốn tâm sự với chồng cũng khó. Nhất là tuần trước, anh vô phòng hai vợ chồng nhưng đến nửa đêm thức giấc lại về phòng riêng, nói ngủ bên đó quen rồi.
Em thấy lo quá. Đọc trong các diễn đàn, em thấy cặp nào ngủ riêng sớm muộn gì cũng có chuyện. Có cách nào êm đẹp, hiệu quả để chấm dứt chuyện ngủ riêng này không?
Tú Anh (TP.HCM)
Em Tú Anh thân mến,
Nhiều cặp vợ chồng chọn cách ngủ riêng phòng hoặc chung phòng nhưng mỗi người một giường nhằm đảm bảo giấc ngủ ngon, ngủ sâu của mỗi người hay do vợ chồng có thời gian làm việc lệnh giờ, người này lục đục sẽ làm người kia mất ngủ…
Ngủ riêng có lợi ích nhất định nhưng cũng mất mát nhiều. Cái mất đầu tiên là sự gần gũi giữa vợ chồng. Có nhiều chuyện cần không gian riêng tư, cần kề vai áp má thì mới nói được. Không còn cảnh “lia thia quen chậu vợ chồng quen hơi”, khoảng cách vật lý chen vào giữa, trở thành khoảng cách tình cảm. Thông thường, nếu không vì lý do nào đó đặc biệt, tốt nhất vẫn là giữ nguyên giấc ngủ “đồng sàng”.
Vấn đề của em có thể giải quyết được với sự hỗ trợ của các con. Các con không thể ngủ mãi ở phòng khách hay vạ vật ở phòng ba mẹ. Em cứ bàn với các con xem có giải pháp nào không. Các con, nhất là con trai, có lẽ sẽ ủng hộ ba về lại phòng ba mẹ.
Có thể tổ chức lại không gian làm việc, nghỉ ngơi của gia đình, sao cho chồng em có chỗ làm việc ở nhà nhưng đừng đem công việc vào phòng ngủ. Có thể phải hy sinh bớt không gian phòng khách chẳng hạn. Chồng em có thể thức khuya làm việc nhưng về phòng để ngủ. Cách sắp xếp này cũng tốt hơn cho sức khỏe. Em nhẹ nhàng nói chuyện với chồng, chắc anh ấy sẽ đồng ý. Các con sẽ là đồng minh đắc lực động viên ba chuyển “hộ khẩu” về nơi cũ.
Sức mạnh của phụ nữ là “sức mạnh mềm”. Đó là sự yếu đuối, là nhu cầu được che chở, nương tựa. Có nhiều khi vì công việc, mình quên mất, mình cố “gồng” cho mạnh mẽ. Em cứ thể hiện mình cần chồng, mình nhớ chồng, mình không thể thiếu anh ấy… Đó là cách mềm mại nhẹ nhàng để đưa anh ấy trở về căn phòng lứa đôi. Đừng vội vàng kể chuyện ngủ riêng cho người khác biết, phần lớn người ngoài có cái nhìn định kiến kiểu “chắc có chuyện gì rồi đây…”.
Ngoài em, không ai có thể tác động đến chuyện này một cách ổn thỏa nhất bởi không chỉ là trở lại phòng, mà câu chuyện là sau đó rồi sao nữa. Hạnh phúc phải do tay mình vun đắp mỗi ngày. Cố gắng kiên nhẫn, em nhé!
HẠNH DUNG
|
Ngủ riêng tình cảm sẽ nguội lạnh? - Ảnh minh họa |
NẾU TÔI LÀ NGƯỜI TRONG CUỘC
Thanh Trinh (Thái Nguyên): Hạnh phúc không nằm ở việc chung giường
Nói ra có thể bạn không tin chứ thật ra vợ chồng tôi ngủ riêng từ hơn 15 năm nay, từ khi tôi sinh con đầu lòng. Lúc đó, vì muốn chồng ngon giấc để ban ngày còn đi làm nên tôi thuyết phục anh ngủ riêng. Sau này vì con nhỏ, chúng tôi lại ngủ riêng.
Tôi thấy việc này chẳng ảnh hưởng gì đến hạnh phúc của chúng tôi. Thì cũng chỉ là… ngủ sau một ngày dài mệt mỏi. Bao năm qua, chúng tôi vẫn nằm nói chuyện cùng nhau cho đến khi buồn ngủ thì ai về giường nấy. Thế nên tôi thấy mọi thứ vẫn bình thường. Hạnh phúc vợ chồng chắc chắn không nằm ở việc có ngủ chung với nhau hay không.
Chuyện của bạn cũng vậy. Chúng ta giữ nhà giữ cửa của mình bằng bàn tay của người phụ nữ. Vén khéo bếp núc, êm ấm cửa nhà, con cái ngoan ngoãn… chính là giá trị mà tất cả phụ nữ đều hướng đến. Điều chị cần quan tâm ở đây nên chăng là tình cảm, là sự đối đãi của anh với gia đình, chứ không phải sự suy diễn từ việc ngủ riêng. Có thể việc ngủ riêng cho anh cảm giác rộng rãi, thoải mái. Nếu không hài lòng, chị có thể gạt bỏ sự ngại ngần mà nhẹ nhàng tuyên bố “lập lại trật tự thế giới” để anh tỏ rõ tâm tư của chị.
Hồng Cung (Q.Gò Vấp, TP.HCM): Hãy tận dụng bản năng đàn bà
Tôi nhớ câu chuyện của người Mông, họ có chiếc giường nhỏ xíu được gọi là chiếc giường hạnh phúc. Chiếc giường ấy buộc hai người phải ôm lấy nhau thì mới nằm chung được. Chiếc giường ấy hóa giải những giận hờn lục đục vợ chồng. Họ quan niệm rằng vợ chồng phải có những chung đụng thì mới duy trì được cảm xúc yêu thương. Nên tôi học theo bài học ấy, là vợ chồng luôn luôn phải ngủ chung giường.
Tôi cương quyết vợ chồng không làm quá xa nhà, không đi công tác quá lâu, phòng ngủ luôn ấm áp, thơm tho. Tôi gìn giữ hôn nhân của mình từ phòng ngủ đến bếp, nhẹ nhàng mà cương quyết. Nên việc của bạn thật ra chỉ đơn giản là nói chồng về phòng ngủ, trả lại không gian cho con; rằng trong nhà phải chia rõ từng khu vực sinh hoạt riêng biệt. Đừng vội nghĩ chồng bạn đã đổi tính hoặc đang lạnh nhạt với mình… Cứ tự nhiên xem như đã qua khoảng thời gian mượn phòng của con, giờ đến lúc anh trả lại không gian cho con. Vậy thôi.
Tôi từng đọc được rằng đàn bà có “bản năng nương tựa”, thế nên bạn hãy mạnh mẽ thể hiện bản năng của mình: bản năng “tựa hơi” chồng, bản năng… sợ khi ngủ một mình. Bao nhiêu thứ là đặc quyền của đàn bà, hãy tận dụng, bạn ạ!
|
Thư chia sẻ cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn đọc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn
Tư vấn tâm lý - tình yêu - hôn nhân trực tiếp và miễn phí tại Phòng tư vấn Hạnh Dung, toà soạn Báo Phụ Nữ.
Thời gian: từ Thứ 2 tới Thứ 6 trong giờ hành chánh.