Ngủ máy lạnh tránh nóng, nhiều trẻ viêm phổi nặng

12/04/2021 - 07:17

PNO - Nắng nóng, nhiều trẻ “ghiền” được ở trong phòng máy lạnh cả ngày, dẫn đến mắc bệnh hô hấp như viêm mũi, viêm phế quản, viêm phổi…

Nhiều trẻ bị hô hấp do ngủ máy lạnh
Nhiều trẻ bị hô hấp do ngủ máy lạnh

Nhiều ca bệnh “trái mùa”

Khoa Hô hấp 1 Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM hiện có 134 trẻ nằm điều trị. Trong đó, có 15 trẻ chủ yếu dưới ba tuổi bị viêm phổi, viêm phế quản nặng phải theo dõi sát tại Phòng Cấp cứu. Qua khai thác bệnh sử, khoảng 90% trẻ được người lớn cho nằm phòng máy lạnh cả ngày. Đây có thể là một trong những nguyên nhân liên quan đến viêm đường hô hấp ở trẻ. Bác sĩ Nguyễn Hoàng Phong, Trưởng khoa Hô Hấp 1, cho hay dù vài tháng nữa mới vào “mùa” bệnh hô hấp, nhưng hiện tại khoa đang tiếp nhận nhiều ca bệnh “trái mùa”. Hầu hết trẻ mắc bệnh đều liên quan đến máy lạnh.

Nằm trong vòng tay mẹ, bé T.T.P. (bốn tháng tuổi, ở tỉnh An Giang) vẫn không thể có giấc ngủ ngon. Bé thở nặng nề dù được các bác sĩ gắn máy trợ thở. Vuốt bàn chân có kim truyền kháng sinh của con, chị Nhi xót xa: “Do thời tiết nóng quá nên tôi thường bật máy lạnh cho con dễ ngủ. Hai bé lớn chỉ nóng sốt, sổ mũi vài ngày rồi khỏi; còn bé P. ho liên tục, thở hắt, môi tím tái. Sau khi làm các xét nghiệm, bác sĩ ở tỉnh Cần Thơ chẩn đoán bé viêm phổi nặng nên chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM cấp cứu. Nhiều ngày rồi, bé chưa được bú mẹ mà được truyền sữa”.

Nghe chị Nhi kể, người nhà của các bệnh nhi khác ở Phòng Cấp cứu Khoa Hô hấp 1 giật mình “con tôi cũng nằm máy lạnh”. Chị Lê Thị Đài (24 tuổi, ở tỉnh Phú Yên) đang chăm con (bé Đ.T.Đ.T., tám tháng tuổi) do viêm phổi nặng, có dịch mủ trong phổi cũng vì ngủ máy lạnh kéo dài. 

Cũng có trường hợp, trẻ “ghiền” máy lạnh ở nhiệt độ từ 17 - 180C. Như bé T.K.H. (bảy tuổi, ở Q.10, TP.HCM) đang điều trị viêm phổi tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, mỗi khi ngủ hay học bài trong phòng đều hạ nhiệt độ máy lạnh xuống dưới 200C, cha mẹ giấu điều khiển máy lạnh thì bé cũng lén tìm ra. Bác sĩ Đinh Tấn Phương, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, cho biết gần như ngày nào khoa cũng tiếp nhận cấp cứu khoảng 5-6 ca bé viêm phổi, viêm tiểu phế quản phải sử dụng ô-xy hỗ trợ, trong đó có trẻ “lạm dụng” máy lạnh.

Bé T.T.P. bị viêm phổi nặng, được mẹ dỗ dành nhưng vẫn không thể có giấc ngủ ngon
Bé T.T.P. bị viêm phổi nặng, được mẹ dỗ dành nhưng vẫn không thể có giấc ngủ ngon

Cách cho trẻ nằm máy lạnh an toàn

Bác sĩ Phong nói, nếu sử dụng máy lạnh nên duy trì nhiệt độ phòng trung bình 26-270C. Bởi khi ngủ, thân nhiệt cơ thể giảm, cộng thêm nhiệt độ chênh lệch quá lớn với bên ngoài thì sức đề kháng giảm, tạo điều kiện cho vi-rút, vi khuẩn sinh sôi gây viêm đường hô hấp. Khi cho trẻ nằm máy lạnh từ 2-3 tiếng phải tắt khoảng 30-45 phút mới bật lại để hạn chế trẻ bị nhiễm lạnh. 

Sau khi sử dụng máy lạnh, nếu muốn bế bé ra ngoài, phải có vùng đệm để tránh sự chênh lệch nhiệt độ. Với nhà không có vùng đệm, nên tắt máy lạnh, chờ khoảng 20-30 phút để cơ thể trẻ tự điều chỉnh, thích nghi rồi mới cho trẻ ra ngoài. Không để trẻ đang lạnh đột ngột lại bị nóng dễ gây nguy cơ viêm đường hô hấp trên, thậm chí cả viêm phổi cấp tính.

Nếu từ ngoài đường về nhà, không được cho trẻ vào thẳng phòng máy lạnh, mà nên sử dụng phòng khách làm vùng đệm, để trẻ chơi 7-10 phút rồi mới cho phép vào phòng máy lạnh. Cha mẹ lưu ý, nếu da trẻ đột ngột bị đỏ ửng, nhất là ở hai má, có thể trẻ đã bị chênh lệch nhiệt độ gây tình trạng tăng lưu lượng máu, trẻ cũng rất dễ bị viêm đường hô hấp.

Sau khi sử dụng máy lạnh, phải mở cửa phòng, kéo rèm cho ánh nắng chiếu vào để phòng thoáng khí, hạn chế được vi khuẩn, nấm mốc gây bệnh. Vệ sinh máy lạnh định kỳ để tránh “làm ổ” cho vi khuẩn phát triển. Bên cạnh đó, nên tập cho trẻ thói quen uống nước, nhất là khi ở phòng máy lạnh để tránh mất nước.

Trường hợp trẻ uống ít nước, cha mẹ cũng có thể bù nước cho con qua trái cây, rau xanh… Khi trẻ hắt hơi, sổ mũi, ho kéo dài kèm theo sốt, biếng ăn, bỏ bú phải đưa ngay đến bệnh viện, tránh trở nặng dẫn đến khó thở, tím tái…

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI