Ngư dân thất bát, hậu cần nghề cá cũng lao đao

04/10/2024 - 06:17

PNO - Ở miền Trung, nhiều ngư dân không còn thiết tha đi biển, kéo theo các làng nghề đóng sửa tàu, vá lưới, cung cấp xăng dầu cho ngư dân từng sầm uất, nhộn nhịp cũng dần đìu hiu.

Làng đóng tàu im tiếng gõ, đục

Nhìn những chiếc tàu cá cũ kỹ, phai màu bị bỏ quên bên bờ sông Vách Nam, ông Võ Văn Tín - 56 tuổi, ở xã Thạch Long, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh - ngán ngẩm. Ông nói, nghề đi biển không hấp dẫn nên ngư dân không còn mặn mà, làng nghề đóng tàu bên dòng Vách Nam cũng đìu hiu. Không có đơn hàng mới, phần lớn máy móc, dụng cụ đóng tàu đều được phủ kín bạt, nhiều cơ sở đóng tàu đóng cửa hẳn, chuyển sang nghề khác.

Thu nhập của phụ nữ làm nghề vá lưới ở xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An bấp bênh do tàu ra khơi ngày một ít đi ẢNH: PHAN NGỌC
Thu nhập của phụ nữ làm nghề vá lưới ở xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An bấp bênh do tàu ra khơi ngày một ít đi - Ảnh: Phan Ngọc

Thời vàng son, làng nghề này có hàng chục cơ sở đóng tàu, tạo việc làm ổn định cho hàng trăm nhân công; tiếng đục đẽo, cưa cắt quanh năm không lúc nào ngừng. Hiện tại, những cơ sở đóng tàu còn trụ lại cũng chủ yếu sửa chữa, sơn mới tàu thuyền, rất hiếm có đơn hàng đóng tàu mới. Cơ sở đóng tàu của ông Tín từng có 10 công nhân nhưng nay phần lớn đã bỏ nghề, đi xuất khẩu lao động. Mỗi khi có đơn hàng, ông phải thuê nhân công. Công việc không đều nên phần lớn thợ đóng tàu trong độ tuổi lao động lần lượt rời quê mưu sinh, chỉ còn lại một số ít thợ lớn tuổi.

Cùng cảnh ngộ, làng nghề Trung Kiên, xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An từng đóng thuyền cho triều đình, đóng tàu phục vụ cho đường Hồ Chí Minh trên biển thời kháng chiến chống Mỹ nay cũng có nguy cơ rã nghề bởi ngư dân không còn muốn vươn khơi. Ông Nguyễn Gia In - Chủ nhiệm Hợp tác xã Làng nghề đóng tàu Trung Kiên - cho biết, hợp tác xã được thành lập từ năm 2003 với 39 thành viên và hơn 300 nhân công, mỗi năm đóng khoảng 100 chiếc tàu công suất lớn cho ngư dân vươn khơi. Nhưng từ năm 2018 đến nay, hợp tác xã luôn trong tình trạng đói việc vì không có đơn hàng.

Ông Ngô Đức Trật (thôn An Dương, xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế) chạy khắp nơi tìm kiếm thuyền viên - ẢNH: THUẬN HÓA
Ông Ngô Đức Trật (thôn An Dương, xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế) chạy khắp nơi tìm kiếm thuyền viên - Ảnh: Thuận Hóa

Ông Hoàng Văn Lệ là một trong số ít chủ cơ sở đóng tàu vẫn có đơn đặt hàng với gần 20 công nhân đang làm việc. Cơ sở đóng tàu của ông từng đóng mỗi năm hơn 20 tàu cá công suất 300 - 1.000CV, tạo việc làm cho 60 công nhân với mức lương 13-17 triệu đồng/tháng nhưng 5 năm qua, mỗi năm chỉ nhận được 3-4 đơn hàng đóng tàu mới nên phải cắt giảm nhân công. “Khoảng chục năm trước, thợ mộc ở đây không khi nào rỗi việc nhưng giờ đa phần bỏ nghề. Nguyên nhân chính là do nghề đi biển liên tục thua lỗ, ngư dân bỏ nghề nhiều. Cũng vì yêu nghề, muốn giữ lại nghề cha truyền con nối mấy trăm năm nên tôi gắng bám trụ lại, chứ thấy không mấy khả quan” - ông Lệ ngậm ngùi.

Ông Bùi Văn Thành - Chủ tịch UBND xã Nghi Thiết - cho biết, nghề đóng tàu ở làng Trung Kiên đã có từ hơn 700 năm trước. Năm 2014, Trung Kiên được vinh danh là làng nghề tiêu biểu của Việt Nam và được tặng danh hiệu đơn vị kinh tế làng nghề tiêu biểu của cả nước. Nhưng từ 33 cơ sở đóng tàu, làng nghề nay chỉ còn 4 cơ sở hoạt động. Nhiều gia đình chuyển sang sản xuất tủ, giường, bàn ghế, khung cửa, cầu thang hoặc bỏ luôn nghề mộc.

“Sống mòn” ở làng chài một thời sầm uất

Nghề đi biển những năm qua thất bát không chỉ khiến nhiều ngư dân bỏ nghề mà hàng ngàn người làm dịch vụ hậu cần nghề cá cũng phải bỏ nghề theo. Chị Phùng Thị Dung - 32 tuổi, ở xã Diễn Bích, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An - cho biết, cơ sở sản xuất đá lạnh của chị từng rất nhộn nhịp, mỗi ngày sản xuất và cung cấp hơn 500 cây đá cho tàu thuyền vươn khơi bám biển nhưng nhiều năm qua, mỗi ngày chỉ còn sản xuất khoảng 100 cây đá.

Nhiều tàu cá ở xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế nằm bờ nhiều tháng do không tìm được lao động đi biển - ẢNH: THUẬN HÓA
Nhiều tàu cá ở xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế nằm bờ nhiều tháng do không tìm được lao động đi biển - Ảnh: Thuận Hóa

Xã Diễn Bích nằm sát biển, lúc nghề cá thịnh, toàn xã có hơn 250 tàu đánh cá, là “cần câu cơm” của hơn 1.000 ngư dân và khoảng 2.000 người làm dịch vụ hậu cần nghề cá trên bờ. Ông Nguyễn Viết Mãn - Chủ tịch UBND xã Diễn Bích - cho biết, người dân ở đây xưa nay sống bằng nghề bám biển; ruộng vườn không có nên đàn ông đi biển đánh cá, phụ nữ ở nhà buôn bán hải sản, vá lưới. Những năm gần đây, nghề đánh bắt hải sản bết bát đã đẩy nhiều gia đình vào cảnh khốn đốn. Nhiều hộ phải “sống mòn” bằng nghề làm muối hoặc đi xuất khẩu lao động.

“Trung bình 1 người đi biển cần có 2 người làm dịch vụ hậu cần nghề cá như bán xăng dầu, đá lạnh, sửa chữa tàu thuyền, buôn bán hải sản, vá lưới… Hiện tại, toàn xã chỉ còn 110 tàu cá hoạt động, giảm hơn một nửa. Xã hiện có hơn 1.500 người đi làm ăn xa quê, chủ yếu là đi lao động ở nước ngoài”.

Ông Nguyễn Viết Mãn

Xã Quỳnh Long từng có đội ngũ tàu cá nhiều nhất huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, có các tổ dịch vụ vá lưới từng phát triển mạnh, tạo việc làm cho hàng trăm phụ nữ lớn tuổi. Chị Trần Thị Oanh - chủ một tổ dịch vụ vá lưới ở xã Quỳnh Long - cho biết, nghề vá lưới tuy có thu nhập không cao nhưng tạo nhiều việc làm cho phụ nữ lớn tuổi. Họ có thể tranh thủ thời gian rảnh để làm, vừa kiếm thêm thu nhập vừa chăm sóc con cháu. Hơn 5 năm trước, 20 chị em trong tổ vá lưới của chị Oanh phải tranh thủ làm cả đêm cho kịp các đơn hàng, còn nay mỗi tháng chỉ có việc trong 15 ngày.

Ông Trần Xuân Nhuệ - Trưởng phòng Khai thác thủy sản, Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư tỉnh Nghệ An - cho biết, toàn tỉnh có gần 16.000 người làm ngư nghiệp nhưng nay chỉ còn 11.500 người bám trụ với nghề. Còn ông Bùi Tuấn Sơn - Giám đốc Ban quản lý các cảng cá Hà Tĩnh - cho hay, toàn tỉnh có hơn 2.500 tàu cá nhưng hiện tại, gần 30% tàu cá nằm bờ do luồng lạch bồi lắng, nguồn lợi hải sản cạn kiệt. Ông Bùi Tuấn Sơn nói: “Tàu cá nằm bờ thì đương nhiên những người làm nghề bốc vác, cung cấp xăng dầu, đá lạnh, thực phẩm, vá lưới cũng không có việc để làm. Chúng tôi kiến nghị UBND tỉnh sớm có biện pháp nạo vét luồng lạch để tạo thuận lợi cho ngư dân vươn khơi, bám biển. Chỉ khi ngư dân làm ăn thuận lợi, phát đạt, những người làm dịch vụ hậu cần nghề cá mới có việc làm, thu nhập”.

Cảng vắng tàu vì luồng lạch bị bồi lấp

TP Đà Nẵng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định là 1 trong 5 trung tâm nghề cá lớn của cả nước. Những năm qua, bộ và chính quyền TP Đà Nẵng đã đầu tư hạ tầng nghề cá đồng bộ cảng cá Thọ Quang, nhằm biến cảng này thành trung tâm dịch vụ nghề cá của khu vực Trung và Nam Trung Bộ.
Cảng cá Thọ Quang tiếp nhận mỗi năm trên 15.000 lượt tàu thuyền về bốc dỡ hải sản, trong đó có 75 - 80% tàu cá các tỉnh, lượng hải sản được bốc dỡ đạt gần 45.000 tấn/năm. Từ đầu năm 2024 đến nay, có 6.041 lượt tàu cá cập cảng này, bốc dỡ 23.931 tấn hải sản.

Tuy có cảng lớn nhưng nghề đánh bắt hải sản ở TP Đà Nẵng cũng gặp khó khăn như các nơi. Toàn thành phố có 1.387 tàu cá, trong đó có 1.073 tàu đã đăng ký và được cập nhật vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia; có 579/589 tàu dài từ 15m trở lên đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Theo ông Huỳnh Kiểm - ngư dân TP Đà Nẵng - do hiệu quả kinh tế từ mỗi chuyến đi biển thấp, không tìm ra thuyền viên nên thay vì mỗi tàu lớn ra khơi với 14-15 người như trước, nay chỉ đi 4-5 người.

Tỉnh Quảng Ngãi có 4.232 tàu cá với 37.000 người lao động, trong đó có 3.094 tàu dài từ 15m trở lên. Những năm gần đây, nguồn lợi thủy sản suy giảm, giá nhiên liệu cao, lợi nhuận sau mỗi chuyến đi biển giảm nên thu nhập của thuyền viên thấp và không ổn định. Do đó, một số thuyền viên trẻ chuyển sang làm công nhân trong các khu công nghiệp, nhiều chủ tàu không muốn cho con nối nghiệp nên lực lượng lao động khai thác thủy sản ngày càng thiếu hụt.

Cảng cá Sa Huỳnh ở thị xã Đức Phổ là 1 trong 4 cảng cá lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi giờ đây vắng lặng hẳn. Nhiều năm trước, Hợp tác xã Viễn Đông Sa Huỳnh từng là nơi sửa chữa, đóng mới tàu thuyền sôi động nhưng nay, chỉ có vài chiếc tàu cũ nằm chờ sửa chữa, vài chiếc tàu khác đã mục nát, chờ bán phế liệu. Ông Nguyễn Hoài Nam - Giám đốc hợp tác xã này - cho biết, trước đây, mỗi ngày có vài chục chiếc, cao điểm có khoảng 60 chiếc tàu nằm chờ sửa chữa; thợ mộc, thợ sơn, thợ cơ khí làm không hết việc. Còn bây giờ, mỗi ngày, chỉ có vài công nhân, thợ máy đến làm, doanh thu của hợp tác xã giảm đi phân nửa so với trước; nhiều thợ mộc, thợ máy lần lượt rời quê đi tìm việc làm ở các tỉnh, chỉ còn thợ lớn tuổi nhưng việc cũng không nhiều.

Các tàu cá không về cảng Sa Huỳnh kéo theo các ngành nghề, dịch vụ khác trên bờ cũng bết bát. Các thương lái phải ra tận TP Đà Nẵng, tỉnh Quảng Bình hoặc vào tỉnh Bình Định để thu mua cá, chở về Sa Huỳnh chế biến, dẫn đến chi phí tăng. Chị Lê Thị Bích Nhung - chủ một cơ sở chuyên thu mua, chế biến hải sản ở tổ dân phố Thạch By 1, phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ - nói, mỗi lần tàu cá về, các chủ tàu gọi điện thoại cho chị ra Đà Nẵng thu mua: “Nếu luồng lạch ở cảng Sa Huỳnh không bị bồi lấp, tàu về thẳng đây thì việc thu mua cá, mực thuận lợi hơn nhiều. Chúng tôi mong chính quyền sớm đầu tư nạo vét luồng lạch để việc ra, vào cảng cá Sa Huỳnh thuận lợi hơn”.

Trong các cuộc tiếp xúc đại biểu Quốc hội, HĐND tỉnh, nhiều cử tri tỉnh Quảng Ngãi cũng đã đề xuất việc nạo vét, thông luồng cửa biển Sa Huỳnh. Các cử tri cũng kiến nghị Chính phủ sớm sửa đổi, bổ sung Nghị định số 67 ngày 7/7/2014 về một số chính sách phát triển thủy sản, trong đó có quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ để ngư dân tiếp tục được hưởng lãi suất ưu đãi đối với các khoản cho vay đóng mới, nâng cấp tàu khi gặp rủi ro.

Lê Đình Dũng

Gian nan tìm lao động nghề biển

Vài năm trở lại đây, thanh niên các làng ven biển tỉnh Thừa Thiên - Huế không còn mặn mà với việc “đi bạn” (đi biển). Họ chọn xuất khẩu lao động hoặc vào miền Nam làm công nhân khiến các chủ tàu không thể tìm đủ số thuyền viên để ra khơi.

Ông Trần Văn Phừn - ngư dân xã Phú Hải, huyện Phú Vang - cho biết, để kiếm đủ người cho mỗi chuyến ra khơi, các chủ tàu phải sang huyện khác, tỉnh khác. Thiếu hụt lao động là một trong những lý do khiến hàng chục tàu cá ở các xã Phú Thuận, Phú Hải, Phú Diên của huyện Phú Vang nằm bờ gần 10 tháng nay. Việc thiếu người đi biển là do các tàu cá đánh bắt không đạt sản lượng, thu nhập của thuyền viên quá thấp.

Bà Nguyễn Thị Oanh - Phó chủ tịch UBND xã Phú Thuận - thông tin, trước đây, xã có 54 tàu cá đánh bắt xa bờ nhưng hiện giờ chỉ còn 49 chiếc, cần khoảng 600 lao động nhưng chỉ kiếm được 70%. Ông Nguyễn Minh Hải - Chủ tịch UBND xã Phú Hải - cũng cho biết, xã đang thiếu lao động đi biển, UBND xã đã kiến nghị các cấp có thẩm quyền tạo điều kiện cho ngư dân vay vốn để cải hoán tàu thuyền lên công suất lớn hơn, có chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho người dân ven biển để có đủ lực lượng đi biển.

Theo ông Nguyễn Quang Vinh Bình - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên - Huế - tỉnh có 2.400 tàu cá, cần tới hàng ngàn người lao động. Các chủ tàu đang khó tìm được thuyền viên do đánh bắt không hiệu quả, thu nhập thấp. Giải pháp là cải hoán tàu thuyền, hiện đại hóa các khâu đánh bắt để nâng cao sản lượng.

Thuận Hóa

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI