Ngư dân liên kết kiện doanh nghiệp làm cá chết, đòi 14 tỷ

20/05/2016 - 09:33

PNO - Các doanh nghiệp không đồng tình với số tiền 14 tỷ cũng như chỉ nhận trách nhiệm “hỗ trợ” mà không phải là “bồi thường”.

Ngu dan lien ket kien doanh nghiep lam ca chet, doi 14 ty
Nguồn nước sông Chà Và bị ô nhiễm nặng khiến cá bè của nông dân chết hàng loạt vào tháng 9/2015. Ảnh: Đông Hà

Ngày 19/5, Tòa án Nhân dân TP. Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) cho biết đã nhận đơn của 33 hộ dân xã Long Sơn kiện đòi 14 doanh nghiệp gây ô nhiễm sông Chà Và làm cá nuôi của họ bị chết bồi thường 14 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, chánh án TAND TP Vũng Tàu, quá trình nhận đơn từ ngày 10/5, đến nay tòa đã ra quyết định thụ lý bốn vụ kiện của các hộ dân Nguyễn Văn Út (đòi 245 triệu đồng), Phạm Văn Bé (đòi 76 triệu đồng), Trịnh Kỳ Hòa (đòi 549 triệu đồng) và Lê Văn Mười (đòi 265 triệu đồng), sau khi các hộ này nộp tạm ứng tiền án phí.

Để thụ lý và giải quyết nhanh chóng vụ kiện, TAND TP Vũng Tàu đã cử một phó chánh án phụ trách vụ kiện trên.

Trước đó, chiều 9/5, 33 hộ dân huyện Tân Thành nuôi cá lồng bè trên sông Chà Và đã ký đơn và hợp đồng thuê 11 tổ chức hành nghề luật sư bảo vệ quyền lợi của mình trong vụ kiện đòi 14 cơ sở chế biến hải sản ở xã Tân Hải, huyện Tân Thành xả thải khiến cá chết.

Các doanh nghiệp xả thải bị kiện gồm: Doanh nghiệp tư nhân Trọng Đức, Công ty TNHH Hòa Thắng, Công ty TNHH Phước An, Doanh nghiệp tư nhân Tân Thành, Doanh nghiệp tư nhân chế biến bột cá Phúc Lộc, Công ty TNHH Nghê Huỳnh, Doanh nghiệp tư nhân Đông Hải, Doanh nghiệp tư nhân Trung Sơn, Doanh nghiệp tư nhân Thương Thương, Doanh nghiệp tư nhân Đại Quang, Doanh nghiệp tư nhân Gia Hòa, Doanh nghiệp tư nhân Mỹ Sương, Chi nhánh Doanh nghiệp tư nhân Thành Đạt.

Tổng số tiền mà các hộ dân yêu cầu đòi bồi thường là 18,1 tỉ đồng.

Luật sư Hoàng Long Hà, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết các văn phòng sẽ tự bỏ chi phí giúp người dân tham gia quá trình tố tụng và chỉ nhận mức phí 5% tượng trưng trên giá trị nếu người dân thắng kiện.

Vào khoảng tháng 9/2015, làng nuôi cá bè trên sông Chà Và của bà con ngư dân Long Sơn chết bốn đợt với khoảng 140 tấn cá.

Sau khi cá chết, UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đã chỉ đạo các ngành chức năng điều tra nguyên nhân, đồng thời thống kê thiệt hại của các hộ dân.

Nguyên nhân được xác định là do 14 doanh nghiệp chế biến hải sản ở xã Tân Hải (huyện Tân Thành) đã xả nước thải ô nhiễm ra sông Chà Và làm cá nuôi của dân chết hàng loạt.

Lực lượng chức năng xác định, tỉ lệ những doanh nghiệp này gây ô nhiễm sông Chà Và là hơn 76%, do đó, buộc các doanh nghiệp phải có trách nhiệm bồi thường cho người dân gần 14 tỉ đồng.

Tuy nhiên sau nhiều lần làm việc, các doanh nghiệp không đồng tình với số tiền trên cũng như chỉ nhận trách nhiệm “hỗ trợ” mà không phải là “bồi thường”.

Vì vậy, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã chỉ đạo các ngành, đoàn luật sư hỗ trợ, hướng dẫn, cung cấp chứng cứ để người dân kiện các doanh nghiệp ra tòa đòi bồi thường.

Để tạm ngăn nước độc đổ ra sông Chà Và, Trạm quản lý - khai thác công trình thủy lợi huyện Tân Thành cắt cử nhân viên, lập chốt canh giữ ở khu vực cống xả số 6.

Một nhân viên của trạm cho biết, việc lập chốt được thực hiện từ cuối mùa mưa năm 2015. 4 nhân viên của trạm thay phiên nhau túc trực cả ngày lẫn đêm để ngăn chặn tình trạng người lạ lén mở cống xả.

Cũng theo nhân viên này, cống số 6 xuống cấp nên khi đóng chặt nước thải vẫn có thể tràn ra ngoài khi thủy triều rút và ngược lại.

Về vấn đề xả thải qua cống số 6 của 14 công ty chế biến hải sản ở xã Tân Hải, ông Nguyễn Thái Sinh, Chánh Thanh tra Sở TN-MT Bà Rịa - Vũng Tàu cho hay, Sở đã phối hợp các ngành liên quan tổ chức cắt điện, nước sản xuất đối với 14 công ty.

Theo ông Sinh, trước đây lực lượng chức năng từng đình chỉ sản xuất những công ty gây ô nhiễm và buộc họ cải tạo môi trường.

“Khi họ cải tạo và được phép hoạt động trở lại thì tiếp tục vi phạm. Vậy nên chúng tôi cần có biện pháp mạnh, quyết liệt hơn. Về hồ nước thải, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang đề nghị Viện Môi trường và tài nguyên khảo sát, đánh giá để thực hiện cải tạo, làm nước trong trở lại”, Chánh thanh tra Sở TN-MT nói.

Ngọc Diệp (Tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI