Tàu cá nằm bờ, thuyền viên bỏ biển
Anh Trần Văn Duyên - 63 tuổi, chủ một tàu cá ở xã Phú Hải, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế - chia sẻ, trước dịch COVID-19 anh thuê người lái tàu cá của mình, rồi cho đứa con cả theo thuyền viên học lái. Nhưng mới đây, thuyền viên đã nghỉ việc.
Tàu cá của anh Duyên thuộc nhóm tàu có chiều dài từ 15 - 24m, bắt buộc phải có thuyền trưởng tàu cá hạng II, máy trưởng tàu cá hạng II theo quy định. “Do con tôi chưa có chứng chỉ nên con tàu trị giá hơn chục tỉ đồng đành nằm bờ, trong khi tôi không có thu nhập để trả nợ ngân hàng” - anh Duyên xót xa.
Xã Phú Hải hiện có gần 10 tàu cá phải nằm bờ vì vướng quy định về chứng chỉ theo Thông tư số 01/2022/TT-BNNPTNT ngày 18/1/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT). Tương tự, ở phường Thuận An (TP Huế) hiện cũng có hàng chục tàu nằm bờ, trong đó có nhiều tàu không tuyển được thuyền viên có chứng chỉ chức danh.
|
Tàu cá neo đậu tại cảng cá Tịnh Hòa (tỉnh Quảng Ngãi) - Ảnh: Đình Dũng |
Cũng thế, tại Hải Phòng, nhiều tháng nay, hàng trăm tàu cá không thể vươn khơi, trong khi các chủ tàu thì như ngồi trên đống lửa vì nợ ngân hàng. Tại cảng cá Mắt Rồng (xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng), hiện hàng trăm con tàu lớn nhỏ phải nằm bờ, vì nhiều thuyền viên không có chứng chỉ đã bỏ biển lên bờ làm công nhân.
Còn tại Quảng Ngãi, ông Nguyễn Văn An - chủ tàu cá QNg-98598TS - cho biết, tàu cá của ông có đủ giấy tờ theo yêu cầu để vươn khơi nhưng quy định về chứng chỉ của các thuyền viên khiến ông và nhiều ngư dân đang rất khó khăn.
Quy định cần phải khả thi và phù hợp
Theo Thông tư số 01/2022 của Bộ NN&PTNT, tàu cá có chiều dài từ 12 - 15m phải có thuyền trưởng và máy trưởng tàu cá hạng III; nhóm tàu cá dài từ 15 - 24m phải có thuyền trưởng và máy trưởng tàu cá hạng II; nhóm tàu cá dài trên 24m phải có thuyền trưởng tàu cá hạng I, thuyền trưởng tàu cá hạng II, máy trưởng tàu cá hạng I và thợ máy tàu cá. Nếu không có đủ các thuyền viên có chứng chỉ trên tàu, sẽ không được ra khơi.
Để “lấp khoảng trống”, chi cục thủy sản các địa phương thỉnh thoảng có phối hợp với các đơn vị đào tạo mở lớp đào tạo để cấp chứng chỉ thuyền viên cho địa phương mình. Các lớp này thường kéo dài 2 tuần. Tuy nhiên, theo 1 chủ tàu đánh cá ở Thừa Thiên - Huế: “Tôi nghĩ, chỉ nên yêu cầu chứng chỉ với thuyền trưởng. Còn thuyền viên chỉ là người giúp việc trong quá trình vận hành nên đòi hỏi chứng chỉ là không cần thiết”.
Ngư dân khác nói thẳng: “Việc đi học chứng chỉ chẳng qua là để đối phó. Nhiều chủ tàu phải nhờ người đi học để đối phó khi bị kiểm tra”. Ông Nguyễn Văn An - chủ tàu ở Quảng Ngãi - huỵch toẹt: “Nói thật là ngay cả những người có chứng chỉ cũng không rành việc sửa chữa máy bằng tôi. Họ lấy chứng chỉ để đối phó chứ máy hư không biết sửa”.
Ông Nguyễn Minh Hải - chủ tịch xã Phú Hải - nhận xét: “Thực tế của nghề đi biển, mỗi tàu cá cỡ lớn, trên 24m, chỉ cần 6-8 thuyền viên, mỗi chủ tàu đều đã là thuyền trưởng hạng I và họ hiểu rõ về tàu của họ. Các thuyền viên chỉ hỗ trợ quá trình vận hành. Nhưng với đòi hỏi của Thông tư số 01 nói trên, các chủ tàu không thể tìm đâu cho đủ đội ngũ thuyền viên”.
Theo ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch Hội Nghề cá TP Đà Nẵng - việc thiếu thuyền viên đi biển đang xảy ra trên cả nước. Ông Lĩnh trách: cho đến giờ, không có trường nào dạy nghề đánh cá, đánh bắt thủy sản. Ngay cả Trường đại học Thủy sản cũng chuyển thành Trường đại học Nha Trang và không có khoa đánh bắt thủy sản. Hiện nay, chỉ có các sở, ngành hoặc hiệp hội thỉnh thoảng tổ chức các lớp học ngắn ngày để cấp chứng chỉ thuyền viên. Toàn bộ ngành thủy sản không có nhân lực, không có đào tạo đại học, trung cấp, thậm chí đào tạo nghề cũng không có.
“Chúng ta đòi hỏi chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng nó cũng mang tính chất hàng hải chứ thực chất không phải là chứng chỉ của đánh bắt thủy sản. Nói điều này để thấy rằng, các cơ quan chức năng lâu nay dường như chỉ làm theo thời vụ chứ chưa có kế hoạch gì lâu dài, có lộ trình phù hợp” - ông Lĩnh nói.
Cũng theo ông Lĩnh, nghề biển ngày càng nhiều rủi ro. Các tàu cá của ta hiện nay chỉ có chức năng đánh bắt chứ chưa đảm bảo sinh hoạt cho thuyền viên, phòng ở không có. Ăn chia sau mỗi chuyến vươn khơi bấp bênh nên nhiều người không thiết tha. Nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân cũng nửa vời. Chẳng hạn, hỗ trợ đóng tàu nhưng chưa hỗ trợ thêm các hợp phần hoàn chỉnh như ngư lưới cụ. Bảo hiểm cũng chỉ bảo hiểm thân tàu chứ không bảo hiểm ngư lưới cụ...
Đất nước ta có bờ biển dài hơn 3.200km, vùng biển rộng hơn 1 triệu km2, có nhiều đảo và quần đảo, gần 92.000 tàu cá (số liệu năm 2022)… nên nghề đánh bắt có vai trò hết sức quan trọng. Nó không chỉ giúp hàng triệu người thuộc 29 tỉnh, thành giáp biển kiếm sống mà còn giúp phát triển kinh tế biển, hiện diện và góp phần khẳng định, giữ vững chủ quyền quốc gia trên biển.
Bởi thế, những quy định khi đưa ra cần phải khả thi và phù hợp với thực tiễn nhằm góp phần phát triển nghề đi biển. Nếu các thuyền viên tàu cá nhất định phải có chứng chỉ theo quy định thì cũng cần có những giải pháp quyết liệt để hỗ trợ ngư dân có được những chứng chỉ thực chất.
Nhóm phóng viên