Ngư dân không đơn độc

29/03/2013 - 11:12

PNO - Ngư dân ra khơi, bám biển ở Hoàng Sa, Trường Sa phải đương đầu với nhiều hiểm nguy để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Do vậy, bảo vệ ngư dân không chỉ là tình cảm mà còn là trách nhiệm

 Sau khi tàu tuần tra Trung Quốc ngang ngược dùng súng bắn cháy cabin tàu cá QNg 96382 TS của chủ tàu Bùi Văn Phải ở xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn, ngày 28/3, ngư dân Quảng Ngãi vẫn tiếp tục chuẩn bị lương thực, ngư cụ để nhổ neo ra Hoàng Sa.

Ngu dan khong don doc

Máy bay cảnh sát biển sẽ giúp bảo vệ ngư dân hiệu quả hơn. Ảnh: NGUYỄN HOÀI

Sát cánh cùng ngư dân

Nhằm giúp ngư dân yên tâm hành nghề khai thác hải sản trên vùng biển chủ quyền của Tổ quốc, ngày 28/3, tại TP Tam Kỳ, LĐLĐ tỉnh Quảng Nam đã trao tiền hỗ trợ cho các ngư dân khó khăn do thiên tai hay bị Trung Quốc bắt tàu khi đang đánh bắt ở Hoàng Sa, Trường Sa. 12 ngư dân ở các huyện Thăng Bình, Duy Xuyên, Núi Thành được hỗ trợ tiền, người ít nhất 90 triệu đồng, cao nhất 200 triệu đồng. Toàn bộ số tiền này được trích từ Quỹ Tấm lòng vàng Lao Động và chương trình Tấm lưới nghĩa tình do Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động.

Cùng ngày, Trung ương Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Ngân hàng TMCP Nam Á Chi nhánh Đà Nẵng và Tỉnh đoàn Quảng Ngãi đã đến thăm và hỗ trợ cho 9 ngư dân tàu cá QNg 96382 TS. Thuyền trưởng Phạm Quang Thanh và chủ tàu Bùi Văn Phải vinh dự nhận huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm vì có thành tích bám ngư trường, bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Ngân hàng TMCP Nam Á đã trao tặng 55 triệu đồng cho ông Bùi Văn Phải và 5 triệu đồng cho mỗi ngư dân đi trên tàu; Tỉnh đoàn Quảng Ngãi cũng trao tặng bằng khen và 20 triệu đồng cho thuyền trưởng Phạm Quang Thanh và chủ tàu Bùi Văn Phải. Dịp này, Hội LHTN Việt Nam quyết định trưng bày lá cờ Tổ quốc trên nóc tàu cá QNg 96382 TS tại Bảo tàng Tuổi trẻ Việt Nam và trao tặng cờ Tổ quốc cho chủ tàu cá.

Theo ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, ngư dân ra khơi, bám biển ở Hoàng Sa, Trường Sa phải đương đầu với mọi khó khăn, hiểm nguy để bảo vệ và khẳng định chủ quyền của Tổ quốc. Do vậy, bảo vệ ngư dân không chỉ là tình cảm mà còn là trách nhiệm. Ông Thắng lưu ý khi đi biển, bà con ngư dân cần phải tổ chức theo đoàn, đội để đoàn kết, giúp đỡ tương trợ lẫn nhau chống lại việc bị tàu Trung Quốc cản phá, quấy rối và uy hiếp. Hội Nghề cá Việt Nam đã đề nghị Bộ NN-PTNT nhanh chóng ra mắt Cục Kiểm ngư. “Chúng ta phải rất mềm dẻo nhưng cũng hết sức kiên quyết và phải có hành động cụ thể để ngư dân yên tâm bám biển” - Tổng Thư ký Hội Nghề cá Việt Nam Trần Cao Mưu quả quyết.

Giữ an toàn vùng biển Việt Nam

Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm, Cục trưởng Cục Cảnh sát biển Việt Nam, cho biết: Hiện nay, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam được trang bị các loại tàu hiện đại như: Tàu K206, tàu DN - 2000, tàu TT-200, tàu kéo cứu nạn 3.500 CV, tàu tuần tiễu cao tốc 120 và 400, máy bay tuần thám Casa 212-400, thiết bị tuần thám MS 600, radar các loại cùng các thiết bị trinh sát, thiết bị nghiệp vụ khác... Trong đó, tàu tuần tiễu cao tốc TT-200 hoạt động trong điều kiện sóng cấp 7 và 8, có thể chịu được cấp 9 và tầm hoạt động là 1.800 hải lý. Máy bay tuần thám Casa 212-400 được trang bị hệ thống tuần thám MS 6000 để trinh sát phát hiện, xử lý các thông tin phục vụ cho chỉ huy, xử lý các tình hình ở vùng biển Việt Nam trong mọi điều kiện thời tiết.

Đặc biệt, tàu cảnh sát biển đa năng DN 2000 là dạng tàu có thiết kế hiện đại đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn quốc tế; hoạt động trong các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam với tầm hoạt động không hạn chế, trong điều kiện gió cấp 12, thời gian hoạt động liên tục trên biển 40 ngày đêm, tầm hoạt động 5.000 hải lý. Theo Thiếu tướng Đạm, khi lực lượng kiểm ngư Việt Nam đi vào hoạt động, Cảnh sát biển Việt Nam sẽ phối hợp với lực lượng kiểm ngư để bảo đảm một môi trường tốt nhất cho ngư dân hoạt động.

Chiều 28/3, ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản kiêm Cục trưởng Cục Kiểm ngư, cho biết đang tiến hành các việc làm cần thiết để lực lượng kiểm ngư chính thức đi vào hoạt động trong thời gian sớm nhất. Cục Kiểm ngư bao gồm cơ quan cục ở Trung ương và 4 chi cục kiểm ngư vùng. Trước mắt, Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản vịnh Bắc Bộ thuộc Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Bộ NN-PTNT) sẽ được chuyển thành Chi cục Kiểm ngư vùng vịnh Bắc Bộ và đóng tại TP Hải Phòng. Tiếp đó sẽ dần hình thành các chi cục kiểm ngư tại các vùng còn lại. Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, cho hay mặc dù là lực lượng dân sự nhưng kiểm ngư sẽ phối hợp với các lực lượng hải quân, biên phòng, cảnh sát biển... để thực thi bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ ngư dân, góp phần bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia trên biển.

Theo Người Lao Động

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI