Ngư dân khốn đốn vì nạn bảo kê trên biển

24/08/2024 - 06:38

PNO - Ngư dân đánh bắt hải sản ở vùng biển tỉnh Cà Mau, Kiên Giang đang không thể an tâm làm nghề do bị bọn tội phạm chiếm ngư trường, đòi tiền bảo kê.

Vùng biển không yên tĩnh

Ông Nguyễn Văn Đẹp - 71 tuổi, ở ấp Kim Quy, xã Vân Khánh, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang - cho biết, gia đình ông làm nghề đi biển hơn 40 năm nay. Nhưng vài năm trở lại đây, muốn đi biển, ngư dân phải đóng tiền cho bọn bảo kê; nếu không đóng thì bị chúng cho người hành hung. Con trai, con rể ông đã bị chúng đánh, trong đó người con rể bị thương rất nặng. Gia đình ông đã làm đơn tố cáo gửi đến Công an huyện An Minh.

Anh Nguyễn Khánh Linh - 38 tuổi, ở cùng ấp - kể, bọn bảo kê có hơn 30 người, đi trên chiếc ghe lớn. Nếu ngư dân không chịu đóng tiền, chúng cho người xuống xuồng nhỏ, áp sát các ghe cào của ngư dân, yêu cầu đóng tiền hoặc cống nộp những sản vật đánh bắt được. Nếu không làm theo, chúng liền phá hỏng phương tiện, dùng “bom xăng” tự chế, súng tự chế bắn đạn chì, đạn cao su vào ghe. Anh em tài công đành phải ngậm ngùi đóng tiền bảo kê để không bị chúng làm phiền.

Trên vùng biển thuộc tỉnh Kiên Giang, xuất hiện các đối tượng bảo kê, cưỡng đoạt tài sản của ngư dân - ẢNH: PHÚ HỮU
Trên vùng biển thuộc tỉnh Kiên Giang, xuất hiện các đối tượng bảo kê, cưỡng đoạt tài sản của ngư dân - ẢNH: Phú Hữu

Theo anh Linh, vào khoảng 13g ngày 20/2/2024, trên vùng biển cách vàm Hương Mai (xã Khánh Tiến, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) khoảng 7 hải lý, anh đang lái ghe để 4 thuyền viên kéo lưới thì có 2 chiếc tàu màu xanh (không có biển số) và 1 chiếc ca nô vỏ composite màu xanh đậm cập vào, bắn đạn cao su và chọi vỏ ốc, chọi gạch làm vỡ kính cabin ghe anh, khiến 1 thuyền viên bị thương.

Anh Lê Thanh Hoài - tài công ở cùng xã Vân Khánh - cho biết, những ghe cào lụa, ghẹ, ốc… thường xuyên bị bọn bảo kê bắt nạt. Một số tài công đã đóng tiền bảo kê để được yên thân. Riêng anh không đóng, liền bị bọn chúng đánh, thương tích đầy mình. Anh đã trình báo vụ việc với công an xã.

Mới đây, ông Nguyễn Thái Bình - 49 tuổi, ở xã Khánh Hội, huyện U Minh - phải bán 2 ghe cào để mua lại 1 chiếc ghe nhỏ hơn, đi qua xứ khác nhằm tránh bọn bảo kê. Ông kể, mỗi ngày, bọn bảo kê thu 3 triệu đồng/ghe cào ra biển. Trước năm 2021, mỗi tháng, ngư dân còn kiếm được vài chục triệu đồng, nhưng từ khi bảo kê lộng hành, ngư dân càng làm càng lỗ.

Công an "ra tay"

Theo tìm hiểu của chúng tôi, do nạn bảo kê hoành hành, nhiều ngư dân không dám cập cảng nên nhiều cảng biển, vàm trên vùng biển từ huyện An Minh đến huyện Kiên Lương (tỉnh Kiên Giang) không có tàu thuyền đậu, cũng không có giao dịch mua bán.

Ngày 28/5/2024, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện An Minh đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “gây rối trật tự công cộng” xảy ra tại xã Vân Khánh, do các đối tượng Phạm Minh Quyết, Phạm Văn Xia, Thái Quốc Tịnh, Huỳnh Trí Khanh, Đinh Văn Lành, Đặng Văn Thắm (cùng ở huyện An Minh) và Lê Văn Tâm (ở huyện Hòn Đất) thực hiện.

Theo điều tra của công an, từ tháng 7/2023 đến nay, Quyết và đồng bọn đã cấu kết nhau bao chiếm mặt nước biển từ huyện An Minh đến huyện Kiên Lương. Khi người dân đến đánh bắt, thu mua hải sản, Quyết chỉ đạo đàn em đánh đuổi hoặc cho đánh bắt nhưng phải bán cho chúng với giá thấp; nếu ngư dân không đồng ý thì bọn chúng dùng hung khí rượt đuổi, ném đá gây thương tích.

Mở rộng điều tra, Công an tỉnh Kiên Giang xác định có sự tiếp tay của cán bộ nên đã ra quyết định khởi tố bổ sung tội đưa hối lộ đối với bị can Phạm Minh Quyết, đồng thời tống đạt quyết định khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam ông Trần Thanh Liêm - thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang - về tội nhận hối lộ. Đến nay, Công an tỉnh Kiên Giang đã khởi tố 12 đối tượng về các hành vi gây rối trật tự công cộng, hối lộ và nhận hối lộ.

Từ tháng 11/2023 đến tháng 1/2024, tỉnh Cà Mau xảy ra 13 vụ tàu cá của ngư dân bị tấn công khi đang khai thác hải sản, làm hư hại nhiều tài sản. Đến nay, Công an tỉnh Cà Mau đã thụ lý 12 vụ tranh chấp ngư trường với 20 đối tượng. Theo UBND tỉnh Cà Mau, trước đây, giữa nghề lưới kéo (cào) và nghề ốc bẫy mực có sự xung đột về đặc điểm khai thác (ghe cào đi vào vùng có ốc bẫy mực sẽ làm hư hỏng các dây ốc bẫy mực). Nhóm ghe ốc bẫy mực đã chiếm dụng ngư trường, sau đó thu tiền rồi cho nhóm ghe cào vào khai thác. Gần đây, có sự xuất hiện của các nhóm “xã hội đen” sẵn sàng dùng vũ lực, hung khí nguy hiểm để tranh giành ngư trường.

Vì vậy, UBND tỉnh Cà Mau kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, hướng dẫn, cho chủ trương hoặc sửa đổi, tham mưu sửa đổi quy định rõ hơn về nghề đặc thù của từng địa phương hoặc phân cấp, giao quyền cho địa phương có cơ chế quy định, qua đó kiểm soát tốt hơn ngư trường và hoạt động khai thác trên biển.

Phú Hữu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI