Tàu tiền tỷ, bán sắt vụn
Sau Tết Nguyên đán thường là thời điểm ngư dân tất bật chuẩn bị cho những chuyến đi biển đầu năm, thế nhưng đến nay phần nhiều tàu đánh cá của ngư dân Nghệ An vẫn nằm im trong bến. Anh Nguyễn Khánh Hoàng, trú xã Tiến Thuỷ, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An nói rằng qua Rằm tháng Giêng, sóng yên biển lặng, cũng là thời điểm thích hợp để các chủ tàu đánh cá gom đủ bạn tàu, chuẩn bị nhu yếu phẩm cần thiết sẵn sàng cho một mùa biển mới. Tuy nhiên, con tàu hơn 1.000 mã lực với 10 ngư dân của anh Hoàng chỉ vươn khơi một chuyến rồi cập bến nằm im suốt hơn 1 tháng qua.
“Ra khơi thì thua lỗ mà để tàu nằm bờ khi nắng nóng lên này thì nhanh hỏng lắm”, anh Hoàng nói. Cuối cùng, anh quyết định thanh lý tàu với giá rẻ để chuyển nghề. Tuy nhiên, hơn 1 tháng qua vẫn chưa bán được. Chung cảnh ngộ, song anh Hồ Hữu Tĩnh, trú xã Quỳnh Nghĩa, huyện Quỳnh Lưu không thể tiếp tục ở nhà ngồi chờ bán tàu, buộc phải vào miền Nam tìm việc làm thêm để chi tiêu, trả tiền lãi ngân hàng.
|
Tàu cá xa bờ của ngư dân huyện Quỳnh Lưu neo đậu chật kín bến ngay trong mùa biển lặng |
Con tàu 900 mã lực của anh Tĩnh được mua gần 7 tỷ đồng ít năm trước. Ba năm nay ra khơi không có lãi, các bạn thuyền lần lượt bỏ nghề đi tứ phương kiếm việc khác mưu sinh. Đầu năm 2022, ngư dân có hơn 20 năm bám biển này cũng quyết định bán tàu cá để đi làm phụ hồ. “Nhiều người rao bán tàu lắm, nhưng có ai mua đâu. Phần lớn giờ tàu chỉ có bán cho những người mua để lấy sắt vụn nên rất rẻ. Con tàu của tôi bán 2,2 tỷ nhưng chẳng ai hỏi, nay hạ xuống 1,5 tỷ chằng ai mua”, anh Tĩnh nói.
|
Tàu cá neo đậu chật các con lạch |
Phiêu bạt khắp nơi tìm kế sinh nhai
Ánh mắt đượm buồn nhìn về phía biển, chị Tình nói mùa này ngoài khơi trời yên, biển lặng, “nhẽ ra giờ này làm không hết việc mô”. Những năm trước, khi chồng và con trai ra khơi đánh cá, chị cũng bận tối mặt, ra cảng cá làm việc từ sáng đến tối mịt mới xong việc. Nay tàu cá nằm bờ, những người phụ nữ như chị Tình cũng hết việc.
Chị bảo rằng, tàu cá đã bán sắt vụn, chồng chị may mắn được nhận vào làm ở một tàu chở hàng, con trai cũng xin được một suất đi đánh cá gần bờ nên cũng bớt lo. “Tính ra mình cũng may vì còn có việc làm để xoay tiền trả nợ ngân hàng chứ ở nhà thì chết thôi. Nay nhiều người không ra khơi, không có tiền đành phải vay mượn khắp nơi, thậm chí bán đất để xoay tiền trả nợ”, chị Tình nói.
|
Thua lỗ kéo dài, nhiều ngư dân phải neo đậu tàu, kéo ngư cụ xuống hầm cá cất rồi lên bờ tìm việc mới |
Ngư dân Hồ Hữu Tĩnh cho biết, trong khi tàu cá vẫn đang nằm bờ, chờ tìm người mua ở quê thì anh và 9 bạn thuyền đều đã người vào Nam, kẻ ra Bắc làm việc mới. “Ở nhà thì biết làm chi được, tôi thấy anh em giới thiệu vào Phú Quốc làm phụ hồ không hết việc nên đã vào đây làm được 2 tháng rồi. Gắng làm kiếm tiền trả nợ, chờ đợi nếu điều kiện thuận lợi thì quay về quê trở lại với công việc sau”, anh Tĩnh nói.
Anh Ngọc cùng một số người khác chung tiền đóng con tàu trị giá 7,5 tỷ đồng. Mấy năm nay thua lỗ, cả nhóm quyết định rao bán rẻ tàu nhưng không có người mua. Chán nản, các thuyền viên lần lượt rời quê đi làm thuê.
Những ngày cuối tháng Ba, biển lặng, khu neo đậu tàu cá Lạch Vạn, huyện Diễn Châu, Nghệ An vẫn im ắng, không còn cảnh tàu ra, tàu vào tấp nập như trước. Kéo tấm bạt che lưới cụ trên con tàu hơn 500 CV nằm chỏng chơ nửa trên mặt đất, nửa dưới nước, anh Phạm Xuân Vũ, trú xã Diễn Bích thở dài: “Phải mang lưới, ngư cụ vào nhà thôi chứ đợt này khó khăn quá chưa biết lúc nào mới ra khơi lại”. Hiện anh Vũ cùng 7 bạn thuyền khác quyết định tạm dừng ra khơi một thời gian, lên bờ đi làm phụ hồ.
|
Những người phụ nữ làm tại các cảng cá cũng mất việc khi tàu thuyền nằm bờ |
Xã Diễn Bích nằm sát biển, không có tấc ruộng nào. Hơn một vạn người sống chen chúc trên diện tích chưa đầy 3km2. Toàn xã có hơn 200 tàu đánh cá, là “cần câu cơm” của hơn 1.000 lao động, nuôi sống phần lớn cư dân trong xã. Số còn lại, “sống mòn” bằng nghề làm muối và một số phải đi xuất khẩu lao động. Chủ tịch UBND xã Diễn Bích Nguyễn Viết Mãn cho biết, người dân ở đây sống bằng nghề bám biển từ nhiều đời nay. Ruộng vườn không có, nên chồng con đi biển đánh cá, vợ ở nhà buôn cá cứ thế bám víu vào nhau sống. Những năm gần đây, nghề đánh bắt liên tục thua lỗ đã đẩy nhiều gia đình vào cảnh khốn đốn.
“Đợt này xăng dầu tăng cao càng khiến nhiều chủ tàu gặp khó khăn hơn, gần 40% chủ tàu đã bỏ nghề đi làm việc khác. Chủ tàu không dám ra khơi, những lao động làm thuê cũng mất việc. Chưa nói đến tiền lãi ngân hàng, để lo cái ăn trước mắt, họ phải đi tìm việc mới như phụ hồ, thợ xây… nhiều người khác bỏ thuyền ở quê đi ra các tỉnh phía Bắc làm thuê cho một số chủ tàu cá lớn”, ông Mãn nói.
|
Một số phụ nữ chuyển sang đan lưới cho các tàu đánh cá gần bờ |
Là một trong những địa phương có số lượng tàu thuyền lớn nhất Nghệ An, ông Nguyễn Xuân Dinh - Phó chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu cho biết, hiện nay số lượng tàu đánh cá trên địa bàn giảm chỉ còn chưa tới 1.000 tàu. Nghề đánh bắt hải sản những năm gần đây gặp khó khăn, nhiều lao động trẻ chuyển đổi ngành nghề hoặc đi xuất khẩu lao động do có thu nhập ổn định hơn.
“Có 6 tàu cá đã bị ngân hàng siết nợ do không trả nợ đúng hạn, 10 thuyền khác trên địa bàn cũng đã bị liệt kê vào nhóm nợ xấu. Để giúp ngư dân chuyển đổi nghề nghiệp lúc này rất khó, bởi nó là cả một quá trình. Chúng tôi cũng đang yêu cầu các địa phương rà soát lại số ngư dân đã bỏ nghề, tình hình đánh bắt của ngư dân hiện tại để tổ chức một buổi hội thảo tìm hướng giải quyết, hỗ trợ phần nào đó cho ngư dân”, ông Dinh nói.
Phan Ngọc