Ngư dân đóng tàu vỏ thép "ngoài" Nghị định 67 ở Quảng Ngãi vẫn ra khơi

29/03/2022 - 07:50

PNO - Ngư dân đóng tàu cá vỏ thép theo hình thức vay vốn từ Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Ngãi vẫn còn khả năng ra khơi, đánh bắt thủy sản, trả nợ.

Ông Huỳnh Thạch (thị xã Đức Phổ) cùng bạn thuyền đang chuẩn bị cho chuyến biển tâm sự, tàu vỏ thép trị giá gần 12 tỷ đồng, được hạ thủy năm 2016, từ đó làm ăn “cũng được”. Thu nhập hàng năm của bạn thuyền trên tàu gần 10 triệu đồng/tháng. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, năm nay, tàu thu hoạch ít hơn nên thu nhập giảm xuống gần 7 triệu đồng/tháng.

Ngư dân Huỳnh Thạch yên tâm ra khơi trên tàu vỏ thép
Ngư dân Huỳnh Thạch yên tâm ra khơi trên tàu vỏ thép

"Mỗi năm tàu thu về gần 3 tỷ đồng, phải trả tiền vốn hơn 1 tỷ đồng, trừ đi chi phí, mình có lời hơn 100 triệu đồng. Định kỳ, mình trả nợ cho Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Ngãi trong 4 quý, mỗi quý hơn 300 triệu đồng. Bản thân mình cùng bạn thuyền rất nỗ lực làm việc, vươn khơi, bám biển", ông Thạch nói.

Bạn thuyền tàu ngư dân Thạch chuẩn bị cho chuyến biển
Bạn thuyền của tàu ngư dân Huỳnh Thạch chuẩn bị cho chuyến biển

Tàu vỏ thép của ông Thạch thuộc loại “vừa”, hiệu quả hơn so với tàu vỏ gỗ; dàn lưới đánh cá, được đầu tư mới hoàn toàn. Bản thân ông cảm thấy yên tâm khi sử dụng tàu vỏ thép để đi đánh bắt hải sản vì rộng rãi, chịu được sức gió lớn cấp 10 đến cấp 11, số lượng lao động trên tàu nhiều hơn tàu vỏ gỗ.

Trường hợp khác, ngư dân Huỳnh Luận, chủ tàu vỏ thép ở phường Phổ Quang (thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi) chia sẻ, khi đi tàu vỏ thép, ông Luận cảm thấy ổn, mấy năm nay, ông thấy hiệu quả. Tàu ông Luận mang số hiệu Qng 94359 TS; công suất 822CV, được đóng hồi cuối 2013 đầu 2014 với giá trị 9,6 tỷ đồng; vay vốn từ Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Ngãi.

"Để tàu hoạt động ổn định, người cầm lái tàu phải tốt, có lao động dồi dào, bảo quản cá được lâu dài, đầu ra ổn định sẽ bán được cá", ông Luận cho biết.

Một số tàu vỏ thép không đóng theo nghị định 67 của Chính Phủ vẫn tiếp tục hoạt đọng
Một số tàu vỏ thép không đóng theo Nghị định 67 của Chính phủ vẫn tiếp tục hoạt động

Ông Nguyễn Xuân Huế, chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Ngãi cho biết, để được tài trợ đóng tàu vỏ thép, ngư dân cần thỏa mãn một số điều kiện như, ngoài tiền đóng tàu, còn phải có vốn để mua ngư lưới cụ. Đội ngũ thuyền viên tham gia đánh bắt thủy sản trên tàu phải lành nghề. Nếu không đáp ứng sẽ không được tài trợ.

Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Ngãi cho ngư dân “mượn” vốn, không lấy lãi trong vòng 10 năm. Năm thứ nhất không trả lại vốn; để ngư dân làm ăn, tích lũy. Bắt đầu từ năm thứ hai phải trả vốn lại cho quỹ theo phần trăm nhất định. Số vốn này sẽ dùng để hỗ trợ cho những ngư dân khác. Việc này nâng cao trách nhiệm của ngư dân trong công việc. Thêm vào đó, quyền ký hợp đồng đóng tàu được giao trực tiếp cho ngư dân để giám sát, theo dõi toàn bộ quá trình đóng tàu. Chất lượng con tàu được đóng mới đảm bảo "đúng" với số tiền bỏ ra, ông Huế khẳng định.

Cũng theo ông Huế, Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Ngãi đã đóng hơn 4 tàu vỏ thép cho ngư dân Quảng Ngãi, đến thời điểm hiện tại các tàu này vẫn đang tiếp tục vươn khơi bám biển. Một số ngư dân đã trả được từ 60% đến 90% số vốn đầu tư đóng tàu. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, ngư dân làm ăn khó khăn nên việc trả nợ có chậm hơn so với trước. 

Như Báo Phụ Nữ TP.HCM đã thông tin, Quảng Ngãi có 62 tàu vay vốn theo Nghị định 67, trong đó có 11 tàu thép; 80% hoạt động không hiệu quả do nhiều nguyên nhân. Một số ngư dân vay ngân hàng đóng tàu vỏ thép hơn chục tỷ đồng để rồi làm ăn thua lỗ, lâm vào cảnh nợ nần, đang đứng trước nguy cơ bị "siết nhà", nợ nần chồng chất vì đóng tàu vỏ thép. Tuy nhiên, một số tàu vỏ thép khác không đóng theo nghị định này lại có thể tiếp tục làm ăn, vươn khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền. 

Thanh Vạn 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI