Ngư dân cứu phi công Su-30: "Cứu người là niềm hạnh phúc lớn lao"

21/06/2016 - 06:54

PNO - Ông Lệ tâm sự, trên biển mênh mông, đôi khi có những người bạn bên cạnh còn quý hơn việc trang bị được cho mình một chiếc thuyền lớn nhưng đơn phương độc mã.

Những ngày này, sau chuyến đi biển may mắn cứu được phi công su-30 MK2 - Nguyễn Hữu Cường gặp nạn, 6 thuyền viên trên tàu của ông Phạm Văn Lệ (48 tuổi, ngụ xóm 4, xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) cũng đã tạm nghỉ công việc mưu sinh.

Ông Lệ chia sẻ, trong chuyến đi đó do lúc về gặp thời tiết xấu, sóng to gió lớn, tàu cá lại nhỏ nên nay đã bị hỏng. Hiện công việc sửa chữa vẫn đang được tiến hành nên các thuyền viên vẫn chưa thể ra khơi.

Mới đây, (hôm 18/6), lãnh đạo Ban Thi đua khen thưởng tỉnh Hà Tĩnh đã trao bằng khen của UBND tỉnh Hà Tĩnh cho ông Lệ và 6 ngư dân cùng quê huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) có thành tích phát hiện, cứu Thiếu tá phi công Nguyễn Hữu Cường.

Ngu dan cuu phi cong Su-30:
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh - Đặng Quốc Khánh (phải) thăm hỏi, động viên và tặng quà cho các ngư dân cứu phi công Cường.

Chia sẻ cảm xúc của mình, ông Lệ cho hay: "Lúc nhìn thấy anh Cường tôi không biết rằng đó là phi công. Nhận được bằng khen của tỉnh đó cũng là một sự động viên tinh thần với chúng tôi, nhưng tôi nghĩ rằng bất cứ ai gặp hoàn cảnh như chúng tôi đều ra tay cứu giúp".

"Đó thực sự là một niềm hạnh phúc lớn lao. Tôi rất vui vì đã cứu được một mạng người, không chỉ vì đó là phi công mà bất kể là ai", ông Lệ nhấn mạnh.

"Tôi cũng không mong mỏi mình được báo đáp hay một điều gì đó", ông Lệ thành thật.

Theo ngư dân nhiều năm kinh nghiệm. khi lênh đênh trên biển, tất cả các thuyền phải có bộ đàm, thường xuyên liên lạc, giúp đỡ lẫn nhau, nhất là những lúc sóng to, gió lớn.

Ngu dan cuu phi cong Su-30:
Ông Phạm Văn Lệ - ngư dân đã tìm thấy phi công Nguyễn Hữu Cường.

"Chúng tôi thường nói rằng: Ăn chung mâm, nằm chung chiếu. Tình người trên biển quý lắm cô ạ, đôi khi có những người bạn bên cạnh còn quý hơn việc trang bị được cho mình một chiếc thuyền lớn nhưng đơn phương độc mã", ông Lệ tâm sự.

Anh em thân nhau như ruột thịt, hỗ trợ nhau không nề hà khó khăn. Khi mình giúp được một người nào đó, sẽ có một người khác giúp mình khi mình gặp nạn. Đó là điều hiển nhiên, ông Lệ bộc bạch.

Vị ngư dân cũng bày tỏ, cuộc sống gia đình phụ thuộc vào việc bám biển nên thu nhập thất thường và khó khăn. 

Ông kể, gia đình ông có 3 người con. Con lớn năm nay 26 tuổi, hiện đang làm công nhân tại Sài Gòn, còn 2 con một đang đi học chuyên nghiệp, con út chuẩn bị thi đại học. Vợ ông cũng ở nhà phụ giúp công việc nội trợ, đan lưới kiếm thêm thu nhập nên ghánh nặng thu nhập nuôi các con ăn học đè lên vai ông và phụ thuộc vào con tôm, con cá.

Tiếp tục chia sẻ thêm, ông Lệ phấn khởi: "Chúng tôi đang đợi sửa tàu, khoảng 2 ngày nữa là xong, lại có thể tiếp tục bám biển".

Như đã đưa tin, sáng 14/6, máy bay Su 30-MK2 số hiệu 8585 của Trung đoàn Không quân 923 (Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không-Không quân) do Đại tá Phạm Quang Khải (phi công cấp 1, Tham mưu trưởng Trung đoàn 923) và Thiếu tá phi công Cường (phi đội trưởng, Phi đội 1, Trung đoàn 923) điều khiển thực hiện nhiệm vụ bay huấn luyện tại khu vực đảo Hòn Mắt (cách đông bắc bờ biển Nghệ An khoảng 40 km) bị gặp nạn, mất liên lạc.

Đến khoảng 4 giờ sáng 15/6, ngư dân Lệ, chủ tàu cá HT 20219 TS và 6 ngư dân trên tàu, trong lúc đang đánh bắt cá tại vùng biển Nghệ An - Hà Tĩnh đã nghe tiếng kêu cứu, sau đó cứu được tá phi công Cường. Ông Lệ lập tức tìm cách liên lạc với lực lượng chức năng và tạm hoãn chuyến đi biển dài ngày quay trở lại bàn giao phi công Cường cho cơ quan chức năng.

Hương Trà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI