|
Ngư dân tỉnh Phú Yên sau chuyến ra khơi đánh bắt cá ngừ đại dương vào đầu năm 2024 - Ảnh: Hoàng Lâm |
Đi khai báo, về kê khai
Đã thành thói quen, trước mỗi chuyến biển, anh Nguyễn Lưu Truyền - ngư dân xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh - đều chuẩn bị đủ các giấy tờ, đăng ký lịch trình với đồn biên phòng và kiểm tra trang thiết bị kết nối vệ tinh cho con tàu vỏ sắt hơn 500CV. Khi trở về, anh kê khai sản lượng đánh bắt được với ban quản lý cảng cá.
Anh Truyền cho biết, việc chấp hành các quy định của pháp luật khi hành nghề trên biển, ra vào cảng ngày càng được ngư dân địa phương tuân thủ nghiêm. Điều này giúp thủy sản Việt Nam được gỡ thẻ vàng, cũng là cách để bảo tồn, phát triển nguồn lợi thủy sản, từ đó giúp nghề đánh bắt tôm, cá được duy trì bền vững.
Thẻ vàng thủy sản là thẻ phạt của Ủy ban châu Âu (EC) đối với quốc gia không tuân thủ quy định về khai thác thủy sản (IUU), như khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không được quản lý.
|
Bộ đội biên phòng tỉnh Hà Tĩnh tuyên truyền các quy định của Ủy ban châu Âu về khai thác thủy sản hợp pháp cho ngư dân - Ảnh: Phong Phú |
Ông Bùi Tuấn Sơn - Giám đốc Ban Quản lý các cảng cá tỉnh Hà Tĩnh - cho biết, nhờ được tập huấn kỹ, đến nay, hầu hết ngư dân chấp hành tốt và thành thạo quy trình “khi đi khai báo, khi về kê khai”. Ông nói: “Khó nhất là ghi chép sản lượng đánh bắt được, nhưng đến nay, các chủ thuyền đã làm thuần thục việc này”.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh, toàn tỉnh có 2.566 tàu đánh cá, tất cả đều được cập nhật vào sổ đăng ký tàu cá quốc gia. Trong đó, 84/87 tàu dài trên 15m đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS), 3 tàu còn lại chưa lắp đặt do đang bị hư hỏng, nằm bờ. Từ đầu năm 2024 đến nay, các lực lượng chức năng của tỉnh đã tổ chức 71 đợt tuần tra, kiểm soát trên biển, phát hiện và xử lý 20 tàu cá vi phạm các quy định về khai thác thủy sản. Trong số tàu vi phạm, không có tàu nào đánh bắt trái phép ở vùng biển nước ngoài.
Tỉnh Nghệ An có 3.400 tàu cá, trong đó có 2.700 tàu dài trên 6m, 1.086 tàu dài trên 15m. Đến nay, toàn tỉnh vẫn còn 240 tàu dài trên 6m chưa được cập nhật vào sổ đăng ký tàu cá quốc gia, phần lớn là các loại tàu đánh bắt sứa, ruốc theo thời vụ ở gần bờ. Từ tết Giáp Thìn đến nay, cũng có một số chủ tàu cá bị phạt nhưng chủ yếu về lỗi mất kết nối VMS.
Ông Trần Như Long - Chi cục phó Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư tỉnh Nghệ An - cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng các tàu cá mất kết nối VMS. Khi được các cơ quan chức năng tuyên truyền, nhiều chủ tàu đã lắp 2 bộ VMS để đề phòng thiết bị gặp trục trặc. Trong thời gian tới, chi cục sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan, kiên quyết không cho tàu cá chưa đăng ký ra khơi, đồng thời lập danh sách các tàu cá có khả năng vi phạm quy định IUU.
|
Tổ đánh bắt cá xa bờ xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế thu gom rác thải trên biển - Ảnh: Thuận Hóa |
Nỗ lực bảo vệ quyền lợi chung
Xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện có hơn 200 tàu cá, trong đó có 53 tàu đánh xa bờ. Lúc này đang là mùa cao điểm đánh bắt. Ngư dân Nguyễn Văn Huyên cho biết, mấy hôm nay, thời tiết thuận lợi nên nhiều tàu cá của ngư dân trong xã ra khơi.
Tàu cá của ông có công suất hơn 500CV nên mỗi chuyến biển đều kéo dài từ 7-10 ngày, có khi ra đến quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Ông nói: “Tôi nhận thức rõ lợi ích của việc đánh bắt hải sản đúng quy định, tuyệt đối không đánh trái phép ở vùng biển nước ngoài. Mọi ngư dân phải tuân thủ quy định IUU để được gỡ thẻ vàng, mới xuất khẩu thủy sản sang châu Âu được”.
Ngư dân Ngô Đức Tâm cho biết, ngư dân thường xuyên được cán bộ chính quyền, chi cục thủy sản, bộ đội biên phòng tuyên truyền về trách nhiệm tuân thủ pháp luật khi khai thác thủy sản, nhất là chỉ đánh bắt trong vùng biển của Việt Nam. Điều này là nhằm bảo vệ quyền lợi chung của ngư dân và ngành thủy sản Việt Nam.
Cuối năm 2017, Việt Nam bị EC rút thẻ vàng cảnh cáo do ngư dân đánh cá bất hợp pháp, không tuân thủ quy định IUU. Đến nay, EC vẫn chưa gỡ thẻ vàng cho thủy sản Việt Nam dù phía Việt Nam đã có nhiều nỗ lực chống vi phạm IUU.
|
Ngư dân tỉnh Phú Yên trúng đậm cá ngừ đại dương vào tháng 2/2024. Nếu được gỡ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu, việc xuất khẩu cá ngừ đại dương sang châu Âu sẽ thuận lợi hơn rất nhiều - Ảnh: Hoàng Lâm |
Theo tiến sĩ Nguyễn Quang Vinh Bình - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên - Huế - tuyên truyền việc tuân thủ quy định IUU là hoạt động được chi cục duy trì thường xuyên song song với việc theo dõi, tuần tra, nhắc nhở, xử lý kịp thời các trường hợp có dấu hiệu vi phạm. Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 678 tàu cá đăng ký hoạt động trên hệ thống dữ liệu quốc gia. Để giám sát chặt chẽ hoạt động khai thác thủy sản trên biển, chi cục đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó có lắp đặt VMS cho tất cả các tàu cá đánh bắt xa bờ. Hiện đã có hơn 400 tàu cá xa bờ lắp VMS, đạt tỉ lệ 100%. Ngành thủy sản tỉnh đã nghiên cứu, xây dựng chính sách hỗ trợ cước phí thuê bao vệ tinh cho chủ tàu lắp đặt VMS nhằm duy trì sự kết nối thường xuyên.
Thượng tá Hoàng Minh Hùng - Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế - cho biết, lực lượng biên phòng tỉnh đang phối hợp với các cấp, các ngành thực hiện đợt cao điểm phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, đánh bắt mà không đăng ký, báo cáo.
Ông Bùi Hồng Vân - Phó chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi - cho biết, cách đây 5-7 năm, số tàu cá của nghiệp đoàn bị cơ quan chức năng nước ngoài bắt giữ khá nhiều do vi phạm vùng biển. Trong vài năm trở lại đây, nhờ được tuyên truyền, ngư dân của nghiệp đoàn tuân thủ nghiêm quy định, không xâm phạm vùng biển nước khác. Ông Nguyễn Văn Mười - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi - đánh giá, nhận thức của đa số ngư dân tỉnh Quảng Ngãi đã tăng lên. Họ hiểu khá rõ những quy định IUU. Hầu hết các tàu cá ở tỉnh có đầy đủ giấy tờ đăng ký, đăng kiểm, giấy phép khai thác thủy sản. Thời gian tới, lực lượng chức năng sẽ tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp để vừa hỗ trợ, vừa kiểm soát các chủ tàu cá trong hoạt động đánh bắt hải sản, sao cho vừa đánh bắt hiệu quả, vừa tuân thủ đúng quy định trong nước và quốc tế. |
Cùng nhau hành động để sớm gỡ thẻ vàng Ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cho rằng, việc chấp hành tốt IUU trước hết là đảm bảo được môi trường biển, nguồn lợi thủy sản, đa dạng sinh học cho Việt Nam. Đây cũng là cơ hội để ngành thủy sản Việt Nam phát triển theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, tiến tới nền kinh tế biển bền vững, từ đó hiện thực hóa mục tiêu “Việt Nam là quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển”. Ông cho hay, tháng 5/2024, đoàn kiểm tra của EC sẽ sang kiểm tra lần cuối về việc tuân thủ IUU. Nếu Việt Nam khai thác thủy sản tốt, EC có thể xem xét chọn Việt Nam là quốc gia điển hình trong thích ứng với những điều chỉnh mới của EC và sẽ hỗ trợ Việt Nam nguồn lực để phát triển ngành kinh tế biển. Do đó, các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, ngư dân cần chung tay hành động có trách nhiệm nhằm sớm gỡ thẻ vàng của EC đối với ngành thủy sản Việt Nam. Huỳnh Trọng |
Phan Ngọc - Thuận Hóa - Thanh Vạn