Ngư dân Bình Định đóng tàu lớn vươn khơi

21/05/2014 - 16:26

PNO - PNO - Thể hiện ý chí, quyết tâm bám biển quê hương và bảo vệ chủ quyền biển đảo, nhiều ngư dân Bình Định đã nỗ lực đóng tàu lớn vươn khơi.

edf40wrjww2tblPage:Content

Ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc xí nghiệp đóng tàu Tam Quan (Hoài Nhơn, Bình Định), cho biết: “Phong trào đóng tàu mới công suất lớn ở Bình Định phát triển mạnh từ năm 2012. Riêng năm 2012, chúng tôi đã đóng mới và hạ thủy 130 chiếc tàu. Nguyên nhân xuất phát từ tình hình những năm gần đây, phía Trung Quốc lien tục quấy nhiễu trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam, ngư dân nâng cấp tàu lớn để yên tâm bám biển. Không chỉ ngư dân Bình Định, ngư dân từ các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Bình... cũng tìm đến xí nghiệp đặt hàng”.

Ngu dan Binh Dinh dong tau lon vuon khoi
Những tàu cá đóng mới của ngư dân Bình Định

Bà Mai Kim Thi - Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ nguồn lợi thủy sản Bình Định, cho biết: “Hiện trên địa bàn Bình Định có đến hơn 10 cơ sở đóng tàu. Riêng năm 2012, tổng số tàu cá đóng mới trên địa bàn tỉnh tăng đột biến, lên đến 200 chiếc có công suất từ 200 CV trở lên. Nhiều tàu lớn lắp đặt máy 700-800 CV. Năm 2013 số lượng tàu đóng mới tiếp tục tăng lên 275 chiếc. Từ đầu năm 2014 đến nay ngư dân tiếp tục đóng thêm 48 chiếc, hạ thủy được 4 chiếc”.

Ngư dân Bùi Thanh Ninh, chủ tập đoàn tàu cá 16 chiếc ở Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn, Bình Định), nói: “Ra khơi với con tàu càng lớn ngư dân càng yên tâm đánh bắt. Nếu gặp tàu Trung Quốc, thấy tàu mình lớn, đi theo tổ đội họ né ra. Lỡ bị tàu Trung Quốc vũ trang rượt, máy tàu mình có công suất lớn dễ xoay xở hơn”.

Toàn bộ ngư dân đóng tàu lớn vươn khơi đều tự lực, đóng tàu ra khơi để đảm bảo an toàn khi đánh bắt, giữ vững chủ quyền. Ông Nguyễn Hữu Hào, Phó GĐ Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, nhìn nhận:“Bình Định là tỉnh nghèo nên không có khả năng hỗ trợ vốn cho ngư dân đóng tàu mới. Tuy nhiên, tinh thần bám biển của ngư dân rất cao nên họ tự vay vốn ở các ngân hàng thương mại để đầu tư đóng tàu”.
Trao đổi với nhiều ngư dân, mặc dù nỗ lực vay mượn để có tàu lớn ra biển, hầu hết ngư dân đều cần thêm chính sách hỗ trợ, đóng mới, nâng cấp thêm nhiều tàu cá công suất lớn. “Nếu Nhà nước có chính sách hỗ trợ lãi suất, tôi chắc chắn ngư dân sẽ đồng loạt vay, nâng cấp con tàu của mình để đối phó với tình hình bất ổn trên biển. Bản thân tôi cũng muốn vay tiền đóng 1 tàu hậu cần để phục vụ 16 chiếc tàu của mình”, ngư dân Bùi Thanh Ninh nói.

Ngu dan Binh Dinh dong tau lon vuon khoi
Ngư dân Bùi Thanh Ninh bên chiếc tàu cá công suất lớn đang đóng mới

Tuy nhiên, việc vay vốn đóng tàu theo cơ chế thương mại trở thành rào cản với ngư dân. Theo nhiều ngư dân, việc ra khơi gặp nhiều khó khăn khi giá sản phẩm không ổn định, tàu cá của ngư dân thường xuyên bị tàu Trung Quốc đe dọa, tổn thất lớn. Thời gian qua, việc bám biển của ngư dân hiệu quá chưa như mong muốn, trong khi đó vay vốn mua sắm ngư lưới cụ, đóng tàu lãi suất cao ngư dân không kham nổi.

Trao đổi về vấn đề vốn hỗ trợ ngư dân đóng tàu, ông Phan Đình Trung, GĐ Ngân hàng NN-PTNT Bình Định, cho biết: “Năm 2011, tổng dư nợ mà Ngân hàng NN-PTNT Bình Định cho ngư dân vay đóng tàu mới và mua ngư lưới cụ là 82,5 tỷ đồng, trong đó có 22,7 tỷ đóng tàu. Năm 2012 số tiền đóng tàu tăng lên 86,5 tỷ, trong đó đóng tàu 30 tỷ. Năm 2013 tiếp tục tăng lên 124 tỷ, trong đó đóng tàu là 58 tỷ. Chỉ tính 5 tháng đầu năm 2014, số vốn vay tăng đột biến lên đến 125 tỷ, trong đó đóng tàu là 62 tỷ”.

Theo ông Trung, con số này chứng minh xu hướng đóng tàu của mới của ngư dân tăng lên. Tuy nhiên, lãi suất từ 10-11% từ vốn vay thương mại hạn chế phong trào đóng tàu công suất lớn để bám biển của ngư dân Bình Định. Họ cần một cơ chế riêng đối với việc vay vốn đóng tàu thay cho cơ chế thương mại thông thường hiện nay.

THU DỊU
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI