Ngư dân bán tháo tàu vì càng ra khơi, càng lỗ

15/05/2022 - 06:40

PNO - Chi phí đi biển tăng theo giá dầu, giá hải sản lại thấp, vợ chồng chị Hồ Thị Tình đành bán tháo hai chiếc tàu với giá chỉ bằng 1/10 giá đúng. Cũng như chị Tình, nhiều ngư dân miền Trung phải bán tàu bởi càng đi biển, càng lỗ nặng.

Bán tàu, đi làm thuê 

Có hàng chục năm đi biển, ông Nguyễn Văn Thương (xã An Hòa, H.Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) không ngờ nghề này bây giờ lại đẩy nhiều gia đình vào cảnh khốn đốn, trong đó có gia đình ông. Đi biển thì lỗ, để tàu nằm bờ thì xót, bán tàu thì giá rẻ bèo. 

Cùng cảnh ngộ, anh Tô Duy Diễn (xã Tiến Thủy, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An) cho biết, con tàu của anh có công suất hơn 1.000CV, mỗi chuyến ra khơi 12 - 13 ngày tốn trên 7.000 lít dầu, chưa kể tiền thực phẩm, làm đông lạnh hải sản, tiền trả công cho 11 thuyền viên. Thế nhưng, số hải sản đánh được rất ít, việc tiêu thụ lại khó khăn, giá dầu tăng liên tục nên anh lỗ nặng. “Để tàu nằm bờ quá lâu thì sợ tàu hư, ra khơi thì lỗ nặng nên nhiều ngư dân bỏ nghề, bán tàu cá, đi làm thuê” - anh Diễn chua chát.

Do càng ra khơi càng lỗ nên không mấy ai chịu mua tàu. Những con tàu đánh bắt xa bờ có giá từ 5 - 7 tỷ đồng nay được rao bán từ dưới 3 tỷ đồng mà vẫn không có người mua. Chị Hồ Thị Tình (xã Tiến Thủy, H.Quỳnh Lưu) cho hay, gia đình chị đã bán tháo hai con tàu trị giá gần 14 tỷ đồng với giá 1,4 tỷ đồng cho giới kinh doanh đồng nát, nhưng phải sau hai tháng, mới có người chịu mua.

“Tàu bán rồi, chồng con cũng đi tìm việc khác, mỗi người một nơi. Trước đây, chồng con đi biển, tôi ra cảng cá làm, nay tôi phải ở không” - chị Tình nói.

Một số người không bán được tàu, đành gửi tàu cho người thân trông coi rồi kéo nhau vào Nam, ra Bắc làm thuê. “Tàu tôi có 11 thuyền viên thì 10 người đã bỏ ra Bắc làm thuê từ sau tết, tôi ở nhà chờ bán tàu nhưng mãi không được nên giờ cũng phải vào Phú Quốc làm phụ hồ để kiếm tiền chứ ở nhà thì chết đói” - anh Hồ Hữu Tĩnh (xã Quỳnh Nghĩa, H.Quỳnh Lưu) nói.

Theo ông Nguyễn Viết Mãn - Chủ tịch UBND xã Diễn Bích, H.Diễn Châu, tỉnh Nghệ An - đến nay, đã có 40% ngư dân trong xã bỏ nghề biển, đi tìm việc khác mưu sinh.

Nhiều ngư dân TP.Đà Nẵng đánh bắt gần bờ và giảm số lượng bạn thuyền để tiếp tục sống với nghề biển - ẢNH: LÊ ĐÌNH DŨNG
Nhiều ngư dân TP.Đà Nẵng đánh bắt gần bờ và giảm số lượng bạn thuyền để tiếp tục sống với nghề biển - Ảnh: Lê Đình Dũng

Ngư dân Ngô Thanh Vinh (xã Bình Chánh, H.Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) - Thuyền trưởng tàu QNg-90918 TS, hành nghề câu mực trên vùng biển Trường Sa - cho biết, ngoài giá xăng dầu tăng, giá lương thực, thực phẩm phục vụ cho chuyến đi biển như gạo, dầu ăn, nước mắm cũng tăng gần 1,5 lần. Mấy năm trước, chủ tàu mua 200 triệu đồng thực phẩm cho mỗi chuyến ra khơi nhưng nay phải tốn 350 triệu đồng.

Theo ngư dân Ngô Minh Chính (xã Tịnh Khê, TP.Quảng Ngãi), tỉnh Quảng Ngãi chưa có nhà máy thu mua hải sản quy mô lớn nên đầu ra hải sản không ổn định, ngư dân dễ bị tư thương ép giá. Giá 1kg cá hố có lúc 150.000 đồng, có lúc giảm còn 100.000 đồng. 

“Trong vụ cá nam (mùa xuân) năm 2022, toàn H.Phú Vang có gần 400 người bỏ nghề biển, chuyển sang làm nghề tự do hoặc xin làm công nhân may mặc ở Khu công nghiệp Phú Bài. Nhiều ngư dân đầu tư tiền tỷ để cải tiến phương tiện, sắm mới ngư cụ hiện đại nhưng không có lời nên rất nản”.

Ông Nguyễn Văn Chính - Phó chủ tịch UBND H.Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế

Ngư dân Nguyễn Thanh Đô - chủ tàu TTH-91456-TS, ở xã Phú Thuận, H.Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế - kể trước khi có dịch COVID-19, tàu anh có 10 thuyền viên, nay chỉ còn 3. Mỗi chuyến đi biển, anh chỉ mong trả đủ chi phí xăng dầu, nước đá, tiền công cho bạn thuyền. Ngoài việc ra khơi để giữ nghề, ngư dân còn cố bám biển để giữ chủ quyền biển đảo, nhưng chi phí tăng cao, giá hải sản lại bấp bênh nên việc giữ nghề quá gian nan.

Kiến nghị tăng trợ cấp dầu cho ngư dân

Ông Nguyễn Lại - Phó Trưởng ban Quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.Đà Nẵng - cho biết, hiện tại, lượng tàu cá nhập cảng sụt giảm khoảng 20% so với hằng năm. 

Thọ Quang là cảng cá lớn ở miền Trung, có sức chứa cao điểm khoảng 1.000 tàu cá các loại, trong đó khoảng 75 - 80% là tàu cá của các tỉnh khác. Tuy nhiên, từ tết đến nay, lượng tàu cá cập cảng ít đi dù thời tiết thuận lợi.

“Để ngư dân không bỏ nghề biển, phải tìm cách để tăng lợi nhuận mỗi chuyến ra khơi. Trong định hướng phát triển nghề biển, sở hướng đến việc giữ ổn định và giảm dần sản lượng khai thác gần bờ, tăng diện tích và sản lượng nuôi trồng, khuyến khích đánh bắt xa bờ theo hình thức tổ đội sản xuất, khai thác sản phẩm có giá trị kinh tế cao, có thị trường tiêu thụ tốt”.

Ông Trần Xuân Học - Phó Giám đốc Sở  Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An 

Ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch Hội Nghề cá TP.Đà Nẵng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước - cho hay: “Từ đầu năm đến nay, hoạt động đánh bắt cá ở TP.Đà Nẵng chững lại rõ rệt, nhiều người không còn mặn mà đi biển”.

Cũng theo ông, nghề đánh cá gặp khó khăn kéo theo các dịch vụ phụ trợ ở bờ cũng khó khăn. Đơn cử, những người cung cấp đá lạnh cho tàu, những người đổ dầu, phụ bốc vác cũng không có việc làm. Một số doanh nghiệp chế biến hải sản xuất khẩu cũng không có nguyên liệu để chế biến.

“Hội Nghề cá TP.Đà Nẵng đã kiến nghị Nhà nước tăng thêm số lần trợ cấp xăng dầu cho ngư dân ra biển thay vì chỉ bốn lần như hiện nay. Tuy nhiên, đến nay, kiến nghị này vẫn chưa được trả lời xác đáng” - ông Trần Văn Lĩnh nói. 

Tàu cá không ra khơi mà neo đậu chật kín các con lạch ở tỉnh Nghệ An - ẢNH: PHAN NGỌC
Tàu cá không ra khơi mà neo đậu chật kín các con lạch ở tỉnh Nghệ An - Ảnh: Phan Ngọc

Nhiều giải pháp giúp ngư dân Bình Định bám biển

Bình Định là tỉnh có lượng tàu đánh bắt cá ngừ đại dương lớn nhất nước. Giá nhiên liệu tăng cao khiến nhiều tàu không thể ra khơi.
Theo ông Trần Văn Phúc - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định - ngoài các chính sách hỗ trợ từ Trung ương, trong giai đoạn 2021 - 2025, sở thí điểm mô hình bảo quản cá ngừ đại dương bằng công nghệ tạo bọt khí nano cho khoảng 30 tàu cá, xây dựng chuỗi liên kết trong đánh bắt và chế biến thủy sản giữa ngư dân với doanh nghiệp.

“Việc áp dụng công nghệ mới giúp chất lượng cá đạt mức A nhiều hơn, giá bán cao từ 10 - 15% so với giá mua “sô” của thị trường, giúp ngư dân từng bước phát triển nghề cá một cách có trách nhiệm, đảm bảo quy trình đánh bắt, bảo quản, ổn định chất lượng cá khi tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm” - ông nói.

Ngư dân sáng tạo kiểu đánh bắt mới

Vụ cá chính bắt đầu từ ngày 1/4 - 30/9 nhưng do giá xăng dầu liên tục tăng nên nhiều ngư dân không dám ra khơi do sợ lỗ. Riêng ngư dân H.Núi Thành, tỉnh Quảng Nam vẫn bám biển nhờ kiểu đánh bắt mới. 

Để giảm chi phí đầu vào, ngư dân hình thành các đội tàu mẹ, tàu con. Cả hai tàu cùng ra khơi, tàu con chở hải sản về bờ bán rồi mua nhiên liệu, lương thực, thực phẩm, nước uống, đá cây ra biển để phục vụ nhu cầu chung của cả hai tàu.

Ngư dân Trần Chinh - ở thôn Sâm Linh Tây, xã Tam Quang, chủ hai tàu lưới vây QNa-91658 và QNa-91745 - cho biết, mô hình tàu mẹ, tàu con vừa giúp giảm được nhiều chi phí, vừa tăng sản lượng khai thác trong mỗi chuyến biển: “Khi may mắn gặp luồng cá lớn, cả hai tàu đều tham gia vây bắt cá nên mẻ lưới đầy. Sau đó, chỉ một tàu vào bờ nên giảm được chi phí nhiên liệu, tăng chuyến biển và thời gian bám biển. Hải sản đánh bắt được đưa vào bờ liên tục nên có chất lượng cao, bán được giá, tăng lợi nhuận”.

Ông Lê Văn Hiệp - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn H.Núi Thành - cho biết, hình thức tổ chức đánh bắt bằng tàu mẹ, tàu con ngày càng được ngư dân áp dụng. Bằng nguồn vốn tích lũy được cộng với vốn vay lãi suất 0% của Quỹ hỗ trợ ngư dân tỉnh Quảng Nam, những ngư dân đã có một tàu cá mạnh dạn đóng thêm tàu mới để sản xuất đạt hiệu quả hơn.

Ở H.Núi Thành, đã có các tàu chuyên phục vụ hậu cần trên biển. Các tàu này ra biển mua hải sản, đồng thời bán dầu và các nhu yếu phẩm cho ngư dân. Các tàu hậu cần đã giúp ngư dân giảm chi phí đầu vào, tăng thời gian bám biển và tăng giá bán nhờ hải sản tươi, thời gian bảo quản ít. Được ví như “chợ di động trên biển”, dịch vụ hậu cần nghề cá ngày càng được mở rộng, giúp nghề cá của huyện đạt hiệu quả cao hơn.

 Nguyễn Dương

Nhóm phóng viên Miền Trung

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI