Tuổi già, sao cho vui?

Ngót trăm tuổi vẫn thể dục mỗi ngày

17/01/2023 - 13:08

PNO - Con cháu chúng tôi luôn thấy biết ơn vì ông bà đã luôn khỏe mạnh để sống vui, trở thành cây cao bóng cả.

Ông bà ngoại tôi đều đã hơn 90 tuổi. Trải qua nhiều thăng trầm sau 7 thập niên bên nhau, ông bà vẫn yêu thương và chăm sóc nhau như ngày đầu. Và trong suốt mấy mươi năm ấy, không sai lệch một ngày nào, ông bà vẫn đều đặn tập thể dục.

Ông bà đã bên nhau 70 năm, vẫn yêu nhau như ngày đầu

 

Mỗi ngày, dù nắng hay mưa, đêm hôm trước có kêu mệt thì ông vẫn luôn dậy từ 3g sáng để tập thể dục. Đến 4g30, ông đi tắm rồi gọi bà dậy để bà luyện tập. 7g, ông bà cùng ăn sáng. 8g, ông đi ngủ giấc phụ. 12g trưa, ông bà dùng bữa. Đến 13g, ông bà lại dậy tập thể dục. 15g ông ăn bữa phụ. 16g, ông đi tắm. 18g, ông bà cùng ăn cơm tối và đến đúng 20g thì tắt điện, đi ngủ.

Trước đây, bà ngoại tôi từng trải qua 2 lần bị tai biến, việc đi lại, sinh hoạt của bà khó khăn hơn một chút; nhưng cũng nhờ sự giám sát của “huấn luyện viên ông” nên bà rất chăm chỉ luyện tập. Sáng cũng như chiều, bà vẩy tay 900 cái, dậm chân 400 cái. 

Có sáng, bà mệt muốn ngủ thêm, vậy mà không, ông đã xuất hiện với lời nói đanh thép: “Bà chưa dậy tập thể dục đi à, ngủ gì mà ngủ mãi thế?”. Nhưng ông chỉ nghiêm khắc với bà lúc tập thể dục, còn bình thường ông chăm và chiều bà còn hơn cả con cháu. Cách ông chăm sóc bà vừa rắn lại vừa mềm. Rắn trong việc thiết lập kỷ luật và mềm trong việc chăm sóc sinh hoạt.

Lần đầu bà bị tai biến, tay khó cử động cầm nắm, chân đi lại cũng gặp nhiều khó khăn, ông luôn túc trực bên bà. Ông đi chợ, nấu cơm, giặt giũ cho đến giúp bà chuyện vệ sinh cá nhân, ăn uống, chải tóc và tết tóc cho bà. Cũng từ biến cố này, ông lên lịch để bà tập luyện thể dục. Chỉ là những động tác đơn giản như vẩy tay, dậm chân tại chỗ, tự lấy tay đấm lưng nhưng bà đã khỏe hơn rất nhiều. Các ngón tay đã có thể cầm nắm được đồ ăn, chân đã đi lại được.

Ngày xưa, ông bà cưới nhau qua sự dẫn dắt, bắc cầu của cha mẹ hai bên. Trải qua thời gian vun đắp tổ ấm, ông bà có 9 người con, 9 dâu rể cùng 26 người cháu, 34 chắt. Ông bà thích vui vầy tuổi già và tự lập trong mọi việc. Dù ngoài tuổi 90, ông vẫn tự lo việc giặt giũ, ăn uống. Còn bà, tuy cần nhiều sự hỗ trợ hơn nhưng về cơ bản, bà cũng vẫn tự làm một số việc cá nhân.

Cách đây vài tháng, bà lại bị tai biến lần thứ ba. Bà phải vào viện còn ông ở quê. Ông không còn chăm sóc bà được như trước đây nữa. Thế nhưng, bà ở viện vẫn tay vịn vào giường, chân dậm 200 cái. Ông ở quê vẫn thức dậy từ 3g sáng để tập thể dục theo lịch trình chưa khi nào thay đổi.

Tôi mới ngoài 30 tuổi đã hay quên trước quên sau, nhưng trí nhớ của ông bà rất tốt. Những chuyện cách đây 80 năm, ông bà vẫn nhớ như in và có thể kể lại thật chi tiết.

Bà ngồi kể cho tôi nghe chuyện bà từng đi tàu bán trứng ở Hà Nội, từng bước làm món chè kho; hay chuyện bà chỉ đi học lớp bình dân học vụ nhưng tính nhẩm cực nhanh và khi đi bán hàng chưa quên tiền của ai bao giờ dù không ghi chép sổ sách gì. Tập thể dục, đang tập dở, bà ngồi xuống nghỉ một lúc rồi đứng dậy tập tiếp, bà vẫn đếm được số tiếp theo chính xác. 

Ảnh mang tính minh họa - Tirachardz
Ảnh mang tính minh họa - Tirachardz

 

Noi gương tính kỷ luật của ông bà, từ nhỏ, tôi đã được cha mẹ dạy nền nếp cả trong những việc nhỏ nhất như dậy sớm, xếp mền gối, dọn dẹp nhà cửa, cơm nước đến cả những việc đối nhân xử thế. Nền tảng nhân cách và kỷ luật tự khi nào đã trở thành một nếp nhà được truyền qua các thế hệ. Đến bây giờ, tôi đã là mẹ của 2 con và vẫn luôn thức dậy từ 4g sáng để có thời gian cho các hoạt động cá nhân. Trong tổ ấm nhỏ của mình, tôi luôn cố gắng để chăm chút từng điều nhỏ nhất cho các thành viên.

Điều tôi yêu quý nhất ở ông bà là dù rất nghiêm khắc nhưng ông bà thương con cháu hết lòng. Tôi đã thành người lớn, nhưng cứ mỗi lần về quê là ông cầm tay, ôm vào lòng, hỏi han và dặn dò thật nhiều.

Với gia đình tôi, ông bà là tấm gương và là minh chứng rõ ràng nhất cho mọi kiến thức về lợi ích của vận động khi ngót nghét trăm tuổi vẫn minh mẫn. Con cháu chúng tôi luôn thấy biết ơn vì ông bà đã luôn khỏe mạnh để sống vui, trở thành cây cao bóng cả nhắc thế hệ sau về tình yêu thương, tính kỷ luật, nền nếp và trách nhiệm.

Ông bà cũng là “trung tâm đoàn kết” của đại gia đình, là cầu nối để các con - cháu - chắt luôn biết yêu thương, nhường nhịn, đùm bọc, chia sẻ, bảo vệ lẫn nhau, nhắc nhở nhau giữ gìn gia phong của đại gia đình. 

Vũ Lại Huyền

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI