Ngột ngạt với tính gia trưởng độc đoán của chồng

28/08/2017 - 09:45

PNO - Không chỉ khó chịu muốn vợ theo ý mình trong mọi việc, chồng tôi còn dài tay, suốt ngày dè bỉu, gây gổ, khó chịu với em vợ...

Kính gửi chị Hạnh Dung,

Vợ chồng tôi làm ăn thua lỗ, nhà phải gán cho người ta, nên hai tháng nay lánh vô thành phố tạm ở nhờ nhà em gái tôi. Em gái năm nay 34 tuổi, đã ly hôn, hiện nuôi con gái, có lối sống thoáng, tự lập. Hai mẹ con sống khá ổn, vì em gái tôi công việc tốt, lương cao.

Cuộc sống thoải mái của em gái đối lập với cách nghĩ của chồng tôi. Từ hồi chồng tôi làm ăn được, tiền bạc dư dả, anh ấy cũng bắt tôi phải ở nhà nội trợ, không cho mua sắm, ăn mặc. Nay kinh tế khó khăn, tính gia trưởng độc đoán của anh trở nên rất khó chịu. Anh dè bỉu, chê bai em gái. Chuyện bạn bè của nó, anh để ý săm soi, nói thằng này đào mỏ, thằng kia coi em chỉ là thứ qua đường… riết rồi em gái khó chịu, không nói chuyện với anh nữa. 

Ngot ngat voi tinh gia truong doc doan cua chong
Chồng gia trưởng không cho tôi đi làm dù kinh tế khó khăn. Ảnh minh họa

Em tôi cũng muốn giúp tôi đi làm, nhưng chồng tôi nhất định không chịu. Ngược lại, anh còn nói tôi phải dạy dỗ, góp ý cho em gái, đàn bà mà sống không chồng, hư thân mất nết, còn con bé nữa, mẹ nó chiều nó quá hóa hư, con không cha như nhà không nóc… Tôi đứng giữa, rất rối và mệt. Kinh tế thì chưa biết gầy dựng lại cách nào, chồng thì đi suốt ngày, hễ về nhà là gây gổ với vợ, với em vợ, lại còn hỏi mượn tiền của em tôi.

Khi nó bảo anh không có kế hoạch làm ăn gì nên không cho mượn, chồng tôi giận, đòi ra thuê nhà ở riêng. Giờ đâu dễ gì tìm chỗ thuê nhà cho một gia đình bốn người ở, mà tiền đâu trả tiền nhà. Xin chị cho tôi lời khuyên, làm sao để dung hòa giữa hai gia đình trong hoàn cảnh khó khăn này?

Thúy Vinh (Bình Định)

Chị Thúy Vinh thân mến,

Làm ăn thất bại, để gia đình rơi vào cảnh khó khăn, với người này là sự dằn vặt trách nhiệm, nhưng với người khác, chỉ là sự trách móc, cay cú thắng thua.

Chồng chị có thể rơi vào trường hợp thứ hai. Trong sự chỉ trích, phê phán cách sống của em gái, có cả mặc cảm của việc mình đang ở thế yếu, người ta đàn bà con gái mà sống khỏe, trong khi mình phải đùm túm vợ con lánh nợ như vầy… Vì vậy, mới mang những thứ lề thói, nghĩa vụ phụ nữ ra để chê trách em gái. Chị hiểu được chỗ này, sẽ có thể bỏ qua những góp ý của anh về cách sống của em gái.

Cô ấy tốt và cũng rất tự chủ trong cuộc sống của mình, nên mới có thể quyết định cho anh chị ở tạm trong lúc khó khăn. Chị cứ nói với chồng: mình lo chuyện nhà mình đã. Em gái đã trưởng thành, nó có con đường của nó, lựa chọn của nó, hạnh phúc riêng của nó. Hãy cảm ơn vì sự thành công của em gái đã thành chỗ bấu víu cho mình trong lúc này. 

Việc thứ hai là chuyện em gái tạo điều kiện giúp đỡ để chị đi làm. Lúc này cần quyết định của chị chứ không phải là sự đồng ý của chồng. Nếu chồng chị chưa tìm ra con đường gầy dựng lại, việc mình tham gia một tay để đỡ chi phí trong gia đình là chuyện rất nên làm.

Chị nên trao đổi nhẹ nhàng nhưng kiên quyết với anh, đừng xoáy mãi vào chỗ anh thất bại, nhưng phải nói rõ là trong cơn sóng gió, con thuyền gia đình cần tất cả mọi tay chèo góp sức. Ví dụ như chị đi làm, gia đình ít ra cũng có thể có tiền thuê nhà, không thể ở nhờ nhà em gái mãi được. Đây có thể cũng là gỡ nút cho những mâu thuẫn giữa em vợ - anh rể sau này.

Người ta có thấy mình chủ động làm việc, chịu khó, tiết kiệm, quyết tâm gầy dựng lại cơ nghiệp, người ta mới giúp đỡ, chứ mình không làm gì, vay mượn rồi lấy đâu mà trả. Thôi thì, trong cơn sóng gió, khi người đàn ông trụ cột trong nhà vẫn còn chao đảo, chị hãy cố giữ vững gia đình. Cứ mạnh dạn lên chị ạ. Chúc chị vững tâm bước từng bước trên con đường đã chọn.  

Hạnh Dung

Thư cho Hạnh Dung, quý vị gởi về:
hanhdung@baophunu.org.vn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI