Ngột ngạt vì chồng quá xét nét chuyện chi tiêu

14/02/2025 - 08:00

PNO - Vấn đề chỉ nằm ở cách góp ý và tiếp nhận góp ý của các em. Chồng em có thể không khéo léo, còn em thì tự ái vì cảm thấy không được tin tưởng.

Chị Hạnh Dung ơi,

Chồng em đi làm và giao tiền cho em quản lý nhưng anh ấy lại hay can thiệp vào chuyện quản lý tiền của em. Chẳng hạn anh ấy hay nói chúng ta phải tiết kiệm như thế này, chi tiêu như thế này, làm thế nào để tiết kiệm...

Vì thế, tháng nào em cũng phải giải thích cho anh ấy chi tiêu những gì mà 1 tháng hết 25 triệu đồng cho 4 người bao gồm 2 vợ chồng và 2 đứa con. Em cảm thấy rất khó chịu dù em không phải kiểu người chi tiêu hoang phí.

Cứ tháng nào anh ấy nói em phải tiết kiệm như thế nào, chi tiêu như thế nào, em đều cáu rồi vợ chồng lại cãi nhau. Gần đây nhất, anh ấy còn yêu cầu em làm 1 file excel kê khai và tổng hợp 1 năm tổng thu nhập bao nhiêu, chi tiêu bao nhiêu, tiết kiệm được bao nhiêu để tính kế hoạch dài hạn 5 năm.

Em cảm thấy rất khó chịu, bảo từ nay anh cầm tiền luôn đi. Em làm vậy không sai, phải không chị?

Hoa

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Ảnh minh họa: Internet

Em Hoa thân mến,

Chuyện quản lý chi tiêu luôn là vấn đề căng thẳng trong khá nhiều gia đình mà vấn đề của em có vẻ ít đau đầu hơn so với rất nhiều gia đình khác. Bởi vì chồng em dù sao cũng giao tiền cho em quản lý - một điều bây giờ nhiều ông chồng nhất định không làm.

Tuy nhiên, nhìn mặt tốt rồi cũng phải nhìn mặt chưa tốt. Các em đã có 2 con, nghĩa là vợ chồng sống với nhau cũng đã vài năm, vậy mà vẫn chưa thể thống nhất được với nhau về cách quản lý và chi tiêu thì quả là... hơi dở.

Trước tiên là từ phía em, Hạnh Dung nghĩ rằng em cố gắng đừng tỏ thái độ khó chịu khi chồng muốn bàn bạc các vấn đề quản lý chi tiêu của gia đình. Dù là giao cho em nhưng điều đó không có nghĩa những gì anh ấy nhận thấy chưa thỏa đáng, muốn góp ý có nghĩa là anh ấy "can thiệp". Hãy hiểu rằng anh ấy chỉ muốn cùng em sắp xếp mọi việc cho hợp lý hơn mà thôi.

Trong tinh thần như thế, khi bỏ chữ "cãi nhau" ra khỏi suy nghĩ, thay vào là bàn bạc, xem xét, thảo luận, thậm chí tranh luận, em sẽ thấy mọi việc nhẹ nhàng hơn, đủ bình tĩnh để lắng nghe góp ý của chồng.

25 triệu đồng không phải là món tiền quá lớn để em không thể một lần "bày" ra cho chồng thấy cần chi vào những khoản nào. Thí dụ: tiền điện nước, tiền học hành của con, tiền chợ...

Căn cứ trên những khoản cố định phải chi hằng tháng, vợ chồng em có thể nhìn thấy rõ cần chi tiêu bao nhiêu, tiết kiệm bao nhiêu... Từ đó, em cũng có thể trả lời một cách cụ thể và bình tĩnh trước những góp ý của chồng nếu em thấy chúng không hợp lý thay vì "cáu" lên hoàn toàn không giải quyết được vấn đề.

Việc chồng em yêu cầu làm bảng thống kê cũng không có gì là quá đáng. Ở nhiều gia đình, chính người vợ còn chủ động làm những bảng thống kê như vậy để có thể có kế hoạch dài hạn cho tương lai.

Tóm lại, không có chuyện ai đúng, ai sai ở đây. Vấn đề chỉ nằm ở cách góp ý và tiếp nhận góp ý của các em. Chồng em có thể không khéo léo, còn em thì tự ái vì cảm thấy không được tin tưởng. Mâu thuẫn phát sinh từ đó.

Ngay cả nếu em và chồng không thống nhất được, em cũng có thể nhẹ nhàng đề nghị chồng thử tự quản lý chi tiêu trong một vài tháng để chồng em nắm được tình hình thực tế. Thật ra, nhiều ông chồng cũng rất "lý thuyết", tưởng mình "khoa học" nhưng lại không sát với thực tế.

Em đề nghị chồng thử tự quản lý việc chi tiêu trong nhà với tinh thần vui vẻ và hứa sẽ phụ giúp chồng là cơ hội để cả hai tiếp cận cùng vấn đề một cách nhẹ nhàng hơn.

Quản lý chi tiêu là vấn đề hết sức quan trọng trong gia đình. Cần lắm những cuộc bàn bạc, trao đổi với nhau trên tinh thần tiền bạc là của chung, làm gì cũng là để hôm nay no ấm, ngày mai an toàn. Vợ chồng em hãy tìm ra cách nói chuyện với nhau tốt nhất để vợ chồng hòa thuận, gia đình vui vẻ.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(5)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI