edf40wrjww2tblPage:Content
Chồng (anh Nguyễn Khoa Hồng Thành, Phó giám đốc công ty tiếp thị số Emerald): Này em, chỉ cần em ngọt ngào
Đã là vợ thì phải ngọt chứ, cần rèn luyện để ngọt, mỗi ngày ngọt thêm một chút. Tôi nghĩ vậy và tin đàn ông ai cũng vậy. Lần đầu gặp nhau, ấn tượng của người đàn ông về cô gái ấy là gì? Không phải là cô ấy dùng nước hoa gì, mặc váy áo ra sao… mà sẽ nhớ nụ cười, giọng nói, ánh mắt. Đến những lần hẹn sau, cái nắm tay và nụ hôn đầu…, ấn tượng sâu đậm nhất của cánh đàn ông chúng tôi cũng chỉ là những cảm xúc ngọt ngào mà người con gái đó đem lại.
Đàn ông ước mơ khi bước vào hôn nhân sẽ được tận hưởng sự ngọt ngào đó mỗi ngày, mỗi giờ. Nhưng sự thật thì… hỡi ơi. Chân dung của “người xưa” đã hoàn toàn thay đổi, trở thành “bà vợ” ít ngọt ngào, dễ nổi giận, luôn cáu kỉnh, khó chịu với chồng con. Ông triết gia nào đó đã nói “hôn nhân là nấm mồ của tình yêu”, chắc ông ấy cũng là nạn nhân của trường hợp tương tự.
Những bà vợ cũng có lý do cho rằng vì thời thế nay đã khác, họ cũng phải đảm trách nhiều việc đại sự trong xã hội, cũng chịu nhiều áp lực như đàn ông, cũng phải đi làm, kiếm tiền… nên dễ bẳn tính hơn, ra lệnh nhiều hơn, than phiền đều hơn và dần dần làm cho sự ngọt ngào thành món quà xa xỉ trong đời sống vợ chồng.
Nói các chị em đừng trách, những ông chồng như chúng tôi cảm giác như... bị lừa. Đâu rồi thuở mới yêu? Ngày đó, cô gái đến thăm nơi ở của chúng tôi thấy bừa bộn thì mắng yêu vài câu rồi bắt tay vào cùng dọn dẹp. Nhưng, khi trở thành “bà vợ”, họ lại cằn nhằn, than phiền, khiến chúng tôi phải dọn dẹp với một “nỗi lòng” ép buộc. Cô gái đó ngày trước cũng đi làm, cũng bận bịu cho sự nghiệp, cuối tuần cũng tranh thủ nấu ăn cho hai đứa với chan chứa hạnh phúc. Tại sao “bà vợ” lại lạnh lùng, cơm canh thịnh soạn nhưng tình cảm đạm bạc? Cơm canh thì nóng sốt nhưng nét mặt thì đanh lạnh? Chúng tôi đâu phải chỉ cần thức ăn ngon, chúng tôi cần được tận hưởng sự ngọt ngào từ “người con gái ngày nào” trong bữa ăn của hai đứa.
Ngày nay, những “bà vợ” yêu cầu và ra lệnh nhiều hơn. Tất nhiên, chúng tôi luôn phản kháng cho dù hình thức có thể khác nhau. Không phải vì chúng tôi thay đổi mà vì “chất xúc tác” khiến chúng tôi có thể thay đổi cả thế giới không còn nữa. Ngày xưa, cô gái đó đâu cần phải nói điều gì, mà chúng tôi vẫn có thể làm những việc không tưởng, chạy xe máy từ Hà Nội lên tận Hòa Bình để hái cho nàng một cành hoa cà phê, đèo nàng trên xe máy chạy dọc triền đê để ngắm hoàng hôn… mà tuyệt nhiên không hề một chút nề hà.
Giờ lên Google, gõ một cái là ra cả tỷ kết quả mà chị em chia sẻ cách “dạy chồng”. Trời ơi, tại sao các cô không nghĩ là các em gái trẻ đẹp không cần dạy mà chúng tôi cứ nghe theo răm rắp, có khi bỏ cả vợ đi theo luôn là nhờ vào điều gì? Đó chính là sự dịu dàng, ngọt ngào “chót lưỡi đầu môi” mà chúng tôi đã từng say đắm ở các cô. Mong muốn của chúng tôi khá đơn giản. Chỉ cần những “bà vợ” trở lại thành “người con gái ngày xưa” mà chúng tôi yêu say đắm, luôn ngọt ngào và dịu dàng. Cuộc sống có khó khăn, thăng trầm như thế nào thì “em chỉ cần ngọt ngào, phần còn lại để anh lo!”.
Vợ (chị Thi Anh Đào): Ngọt ngào không dưng mà có đâu anh!
Phụ nữ ai mà chẳng ngọt, chỉ là ngọt theo kiểu nào và ngọt với ai thôi! Nếu vợ mình thiếu ngọt, nên xem lại:
Thứ nhất, làm sao ngọt nổi khi nghe các anh “kêu réo” bằng các mỹ từ: gấu mẹ vĩ đại, bà chằn, bà phù thủy, lão huyền bà... Đừng trách vì sao mắt em không còn long lanh mà chỉ còn long… lên sòng sọc. Hãy hiểu rằng em bị tổn thương không mấy nhẹ nhàng.
Ngày trước dù có bị em giận cách mấy, dập điện thoại không thèm nghe, đóng rầm cửa không thèm gặp, em vẫn cứ là con mèo nhỏ của chàng. Dù em “xỉ vả” cách nào, chàng cứ sang nhà ngồi bí xị như cún con, cái chiêu “mặt dày” đó đã làm em động lòng.
Em dám thay mặt các quý cô quý bà mà rằng: nếu các anh được như ngày xưa, thì dù có đang nổi cơn tam bành nào, chúng em đều sẽ trở lại làm con mèo ngoan chui vào lòng các anh nhỏ nhẹ, ngọt ngào. Hãy để em được quyền giận hờn vu vơ như thuở mới yêu. Em biết nhiều anh khi vợ giở trò nhõng nhẽo, mè nheo vài cái hôn hay vài câu có cánh, đã buông những tiếng càm ràm: “mệt gần chết, còn giận hờn, yêu đương vớ vẩn, bó tay!”. Các anh than thở “ai đó” lấy mất những cô Tấm dịu hiền ngọt ngào của các anh. Thế ai lấy mất những cái nắm tay, những nụ hôn ấm áp, những cái ôm giúp chúng em tránh bão mỗi ngày sau cuộc mưu sinh?
Ai đó nói: “Nếu bạn muốn cô ấy chịu trách nhiệm về nụ cười của mình, bạn hãy có trách nhiệm với trái tim của cô ấy”. Phụ nữ, từ cô hàng rau đến bà giám đốc, ai cũng có một ước mơ được làm "công chúa riêng" của chồng mình. Em chỉ cần một người duy nhất chiều chuộng, tán tỉnh, che chở, luôn xem em là công chúa nhỏ (dù em có to cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng). Tiếc là ít anh nào còn nhớ đến giấc mơ xa xôi và xa xỉ ấy của vợ. Thế nên, đừng nhân danh “tương lai của gia đình”, nhân danh cuộc mưu sinh mà đào mồ chôn tình yêu, chôn cả cô Tấm ngày nào của mình. Cái ngọt của đàn bà đâu chỉ nằm trong tiếng cười, trong đầu mày cuối mắt. Cái ngọt nằm trong chiếc áo phẳng phiu mỗi sáng anh đi làm, cái ngọt nằm trong những tối em đòi tâm sự, cái ngọt có cả lúc em vờ giận để anh năn nỉ... Đàn ông có biết thưởng thức hết không?
Cuối cùng, sự ngọt ngào của phụ nữ không tự nhiên sinh ra, cũng không tự nhiên mất đi mà chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác. Thuở mới yêu, cả đến bây giờ, em vẫn cố gắng nhắc khéo anh xã của em rằng: “Anh thì quá xa, người ta thì lại thật gần. Trời thì lạnh, mà em thì yếu đuối”. Vâng, phụ nữ yếu đuối, nhu cầu tình cảm của họ lại mạnh, thế nên phụ nữ “hảo ngọt” hơn đàn ông. Đừng tưởng gái nhà không ngon không ngọt. Đã anh nào chứng kiến vợ mình nói chuyện với đàn ông khác chưa? Em xin thưa, “ngọt như mía lùi”.
Người phụ nữ có gia đình thì cái ngọt ngào cũng đầy đặn, nhiều màu sắc hơn, có phần khó nắm bắt. Số đàn ông thấy được cái ngọt đó không nhiều. Phần đông chỉ nhìn được cái ngọt phổ biến - cái ngọt đường hóa học, mà quên mất cái ngọt thanh của mía, cái ngọt đậm của đường thô... rồi không biết thưởng thức, thì nói gì đến cảm kích!
Phụ nữ mà, chồng bỏ mặc, dửng dưng mãi thì có ngày nàng sẽ gầm lên: “Đã thế thì bà đây không thèm ngọt nhạt gì nữa cả!” cũng là thường.
TRẦN TRIỀU
(ghi)