Ngọt ngào mứt chùm ruột

20/01/2023 - 13:31

PNO - Chùm ruột (có nơi còn gọi là tầm ruột) khi làm mứt có vị chua chua, ngọt ngọt, dễ ăn nên nhiều người thích món này trong ngày tết.

Bên hiên nhà tôi có 2 cây chùm ruột, cứ đến gần Tết là trĩu quả. Những năm trúng mùa, má tôi đội thúng chùm ruột tươi ra chợ bán, số còn lại thì để làm mứt. Năm nào thất mùa thì nhà tôi cũng vẫn có đủ chùm ruột để làm mứt. Ba má tôi hay nói, loại trái cây này vừa nghe tên gọi đã thấy ngay “phong thủy”, Tết trong nhà có hũ mứt chùm ruột nhắc nhở con cháu yêu thương, trân trọng gia đình. Không biết có phải vậy không mà mấy anh em tôi lúc nào cũng thuận hòa, trên dưới trật tự và vui vẻ.

Có 2 loại chùm ruột: chùm ruột ngọt (có vị ngọt thanh, thường để ăn sống hoặc dầm muối ớt hay mắm đường) và chùm ruột chua, thường dùng làm mứt. Tùy khẩu vị và sở thích, người ta làm mứt chùm ruột theo nhiều kiểu khác nhau. Có người làm mứt chua cay (thêm gừng, ớt). Người thì chọn đường phèn để mứt có vị ngọt thanh. Còn má tôi hay sên mứt chùm ruột cùng đường cát vàng. 

Tháng Chạp hằng năm cũng là mùa thu hoạch chùm ruột. Khi trái căng đều, mọng nước, ba tôi thường kêu con cháu căng bạt hứng để ông hái trái. Má tôi sẽ lựa những trái căng đều nhau để riêng làm mứt, còn những trái nhỏ má cho chị em tôi dầm muối ớt. 

Má rửa sạch chùm ruột, ngâm qua nước muối pha loãng khoảng 2 tiếng, để ráo, rồi dùng bộ thau rổ inox ra lăn đều tay cho bớt nước chua. Bà nói, phải làm khéo để trái dập, ra bớt nước chua nhưng không bị nát. Nước chùm ruột này má không bỏ đi mà cho chị em tôi thắng siro, hay pha đường thưởng thức. Sau đó má đem chùm ruột đã ép rửa qua nước lạnh để loại bớt chất chua một lần nữa rồi cho vào khăn sạch vắt ráo nước.

Vì cả nhà tôi thích ăn chua nên mứt chùm ruột má tôi làm theo tỷ lệ 1kg chùm ruột - 600g đường cát vàng. Má ngâm cho chùm ruột ngấm đường độ 2 - 3 tiếng, khi đường tan hết và trái căng tròn trở lại thì má bắc chảo sên mứt trên lửa vừa, lâu lâu lại đảo mứt nhẹ tay. Khi chảo mứt bắt đầu sôi, bà để lửa nhỏ và đảo liên tục. Bà bảo, phải làm vậy để mứt không bị cháy.

Khoảng nửa tiếng sau, đường bắt đầu sệt lại và chùm ruột chuyển màu từ xanh sang cam, má tôi tiếp tục đảo nhẹ cho đến khi đường khô lại và chảo mứt chuyển sang màu đỏ đô thật đẹp mắt. Khi mứt đã ráo đường, má tôi tắt bếp và nhắc chảo mứt xuống để nguội rồi cất vào các hũ thủy tinh. 

Giao thừa, cả nhà tôi mới bắt đầu ăn mứt chùm ruột. Má chia cho mỗi đứa một hũ mang về nhà riêng. Sáng mùng Một, mứt của má được đem ra đãi khách.

Trần Thị Kiều An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI