Ngọt bùi vị chè miền Nam "thâm niên" hơn 40 năm giữa lòng Sài Gòn

17/05/2020 - 09:06

PNO - Hơn 40 năm qua, góc nhỏ hẻm 239 Võ Văn Tần đã trở thành điểm "đóng đô" quen thuộc của hàng chè ngọt của Cô Điệp.

Trời Sài Gòn vừa tắt nắng, cũng là lúc nhiều người vừa kết thúc một ngày làm việc. Nhưng đối với hàng chè Cô Điệp, đây mới là thời điểm bắt đầu mở cửa đón khách. Nằm ngay góc đường Võ Văn Tần, hơn 40 năm qua, nơi đây đã trở thành "điểm hẹn" thân quen của nhiều thế hệ người Sài Gòn. Cái ngọt bùi của chè nóng hòa cùng hương vị truyền thống không đổi theo thời gian, quán nhỏ của cô đã khiến thực khách "phải lòng" là như thế.

Khắp mọi nẻo đường Sài Gòn, chè không phải là một món hiếm có khó tìm. Bạn có thể dừng vội ven đường ngay những xe đẩy hay yên vị ở một hàng quán tươm tất nào đấy để chọn cho mình một phần chè tráng miệng. Nhưng một lần ngồi ở hàng chè Cô Điệp, bạn như được "khai sáng" thêm những trải nghiệm rất đáng giá. Ngoài hương vị của các loại nguyên liệu, chén chè ở đây còn mang dư vị thời gian mà chẳng nơi nào có được.

Nối nghiệp từ gánh chè bình dân của mẹ, Cô Điệp tiếp tục giữ lửa những những nồi chè bằng công thức gia truyền. Hiện nay, do tuổi cao nên cô không thường xuyên ra bán mà người con trai cả phụ giúp. Ở độ đôi mươi đầy hoài bão, anh chẳng ngần ngại gắn bó cùng hàng chè mỗi ngày bởi vì "Mình không làm thì ai nối nghiệp bây giờ? Từ đời bà truyền lại cũng mấy mươi năm, bí quyết có sẵn, khách quen ghé mỗi ngày. Không nỡ bỏ đâu!". Ấy thế, không cần làm ông to bà lớn, chỉ cần ngày ngày giữ gìn hương vị lâu đời này và phục vụ thực khách, hạnh phúc bình dị chỉ cần bấy nhiêu thôi.

Đều đặn mỗi ngày, quán nấu tầm 7 - 8 loại chè, bánh quen thuộc để thực khách dễ dàng lựa chọn. Từ những cái tên quen thuộc như chè chuối chưng, chè bà ba, đậu xanh, đậu trắng, chè bắp, chè khoai đến chiếc bánh bò, bánh chuối đậm chất miền Tây. Tuy đơn giản, bình dị nhưng tất cả như gói trọn hương vị miền quê dân dã giữa lòng phố thị. Đặc biệt, quán có một nguyên liệu "rất miền Nam" là nước cốt dừa. Làn nước trắng đục, đặc sệt được nấu khéo léo sẽ được rưới ngập trên mỗi chén chè. Một cô trung niên tự nhận là khách quen của quán chia sẻ "Ăn chè ở đây ngon là nhờ nước dừa, vị mằn mặn, béo béo kết hợp với loại nào cũng hợp".

Cầm trên tay chén chè nhỏ gọn những cứ thử thưởng thức, bạn sẽ hiểu vì sao quán lại được lòng khách đến thế. Nếu chén chè đậu trắng khiến người ta tấm tắc vì độ mềm nhuyễn của nếp, hòa với đậu bùi bùi. Thì chè bắp lại có độ dai thơm, ngọt đậm lan tỏa khắp vị giác. Còn món bánh chuối hay bánh bò, trông đơn giản thế mà khi ăn kèm nước dừa lại rất "bắt miệng". Tuy là đồ ngọt nhưng vị ở quán rất cân bằng, chút mặn chút béo cùng với cái thanh nơi cổ họng sẽ không làm bạn thấy ngán.

Bắt đầu bán từ tầm 5 giờ chiều cho đến tận tối muộn. Tôi để ý rằng, kể từ khi đến đây, không lúc nào anh chủ ngơi tay. Khách đến ăn ngồi lại cũng có, người mua về thì gọi hẳn 5 - 7 bịch cho thỏa. Và có một điều thú vị là dù đang diện vest hay quần áo trông có vẻ sang trọng, người ta vẫn không ngần ngại quây quần bên hàng chè để tìm về giây phút bình dị nhất. Đấy cũng là một nét đẹp của ẩm thực Sài Gòn mà tôi rất trân trọng, món ngon chẳng màng địa vị và mang người ta lại gần nhau hơn.

Địa chỉ: Đầu hẻm 239 Võ Văn Tần, Quận 3

Giờ mở cửa: 17 giờ - 22 giờ

Giá: 10.000 - 12.000 đồng/món

Trúc Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI