Ngóng tin lũ dữ từ… bạn “phây”

12/10/2020 - 05:10

PNO - Cơn đại dịch vừa qua, mới gượng dậy được vài ba bữa thì giờ lại loay hoay lũ chồng lũ.

Những ngày này, người ở xa đều ngóng về Quảng Trị, về miền Trung thương khó. Mưa như trút nước, chẳng có dấu hiệu ngưng nghỉ. Như thể trên kia là bịch nước khổng lồ mà ai đó lỡ tay chọc thấu. Lũ về nhanh, chớp mắt, mênh mông bốn bề là nước. 

Bến thả hoa bên sông Thạch Hãn chỉ còn thấy mái ngói nhấp nhô. Chẳng còn nhận ra thị xã hay những khu đô thị mới ven sông Hiếu. Làng mạc, đồng ruộng bình yên phút chốc không còn dấu vết. Khắp quê nhà Quảng Trị, nhiều nơi ngập sâu trong nước. Ai đó ai oán thốt lên, ba mươi năm cuộc đời giờ mới thấy trận lũ khủng khiếp đến vậy. 

Những tiếng kêu cứu ám ảnh, thê thiết trên mạng xã hội. Thương quá đỗi hình ảnh mệ già nằm một chỗ được con cháu kê giường lên cao nhưng nước cũng mấp mé cái chỗ cao ráo hết sức có thể. Vài người mắc kẹt trên nóc nhà, chới với giữa mênh mông nước. Một trang trại gà sơ tán không kịp, hơn ba ngàn con gà nằm chết cứng… Dì ngồi trên ca-nô cứu hộ, quay lưng ngó nhà mình chìm dần, đưa vạt áo ướt chấm nước mắt nghẹn ngào. 

Cơn đại dịch vừa qua, mới gượng dậy được vài ba bữa thì giờ lại loay hoay lũ chồng lũ. Những người quê làm lụng vất vả, sắm sửa được vài ba vật dụng trong nhà. Mỗi cái ti vi hay tủ lạnh đều là mớ tài sản quý giá, có khi, tiền trả góp còn chưa lo xong. Con cái đi học cũng dựa vào mấy sào ruộng và bầy heo trong chuồng. Giờ lúa ướt hết rồi, trâu bò, heo gà vịt đều trôi hết cả.

Bạn ở xa hỏi thăm, quê mình lụt răng rồi? Nghe yêu thương và lo lắng thấm trong từng câu nói. Thời buổi bây chừ, chỉ cần lướt Facebook, ngó qua trăm ngàn bức ảnh, những đoạn video được phát trực tiếp, xem tin tức báo chí mỗi ngày, người ta có thể mường tượng cảnh lũ lụt năm nay ở quê nhà. Song, bất an lo lắng thì không tả được. Sự bất an thấp thỏm ấy là tâm trạng chung của bao người con xa xứ.

Ảnh minh hoạ Internet
Ảnh minh họa Internet

Hôm trước bạn gọi ra nhà, tiếng mưa làm át tiếng mạ. Giữa lao xao, ồn ã, mạ bảo nước chỉ mấp mé thôi con. Bạn biết, là mạ nói để mình yên tâm vậy. Ba mạ đã già, không xài điện thoại thông minh để có thể gọi video, xem thực tế nước lũ vào nhà mình chừng nào. Sau mới hay, đoàn cứu hộ đã sơ tán mọi người trong xóm. Ngó bức ảnh đứa cháu gửi qua, bạn chảy nước mắt vì chẳng nhận ra xóm làng mình. Cổng chào vào thôn cũng dần dần chìm lút. 

Mười năm làm việc ở thành phố, chuyện cửa nhà đất đai cho mình còn trắc trở, huống chi mong ước xây nhà kiên cố cho ba mạ ở quê. Những lúc thế này, bạn lại thấy mình kém cỏi và ích kỷ, lại tự nhủ phải cố gắng hơn nữa để những mùa mưa gió sau không phải đứng ngồi không yên thế này.

Nhớ hồi cơn lũ lịch sử, nước tràn qua đường quốc lộ, lưu thông tắc nghẽn. Ba cõng mấy chị em đem gửi nhà bà con. Hồi đó, mạ mới sinh bé Út được mấy ngày. Ba kê bàn lên giường để hai mạ con nằm tránh nước. Anh kể hồi nhỏ thấy lũ là mừng. Tụi anh rủ nhau làm bè chuối đi quanh xóm để coi. Thi thoảng lại vớt được vài thứ hay ho, như mớ củi, cái thau, vài miếng gỗ trôi bồng bềnh. Lũ về, cả nhà chui rúc cùng nhau ở trên tra (gần giống cái gác lửng).

Hồi đó, nhà nào cũng xây cái tra sát nóc để tránh lũ. Góc thì để lúa, đồ đạc chăn màn, góc thì người trú. Anh bảo, vui hơn cả là ngày lũ sẽ được ăn ngon, bữa cơm có thịt gà. Ngày thường, gà vịt nuôi để bán hoặc chờ lo giỗ chạp, tới bữa lũ, lo chỗ trú cho người còn khó, huống chi. Bữa cơm, con nít ăn uống vui vẻ mà không hay ba mạ nhìn nhau ứa nước mắt. Tụi anh còn đo sự cao lớn của mình với mực nước lũ in hằn trên tường nhà cũ.

Ảnh minh họa Internet
Ảnh minh họa Internet

Những đứa trẻ năm xưa giờ đã làm cha, làm mẹ, lại thấy con mình hồ hởi khi lần đầu được lội nước lũ. Sớm qua nghe đứa con gái reo lên: “Ba ơi, nhà mình có biển”. Nỗi hồn nhiên năm xưa, anh gặp lại ở con gái mình. 

Mở mắt thấy nước rút bên thềm, tôi nghe những tiếng thở ra nhẹ nhõm. Rồi trời cũng chịu tạnh mưa, cả nhà sẽ xắn tay để cạo bùn, dọn dẹp và bắt đầu nhịp sống. Đám cỏ cây ngoài vườn đẫm bùn ngâm nước, cây nào cứng cỏi thì tiếp tục thay lá trổ bông. Như thể bao người sinh ra, lớn lên và già cỗi ở đất này, khó khăn cùng cực thế nào cũng nhớ an ủi nhau như bài ca dao cũ, rằng “còn da lông mọc, còn chồi nảy cây”… 

Diệu Ái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI