Ngóng cơm rượu tết

09/02/2021 - 06:01

PNO - Thường 27, hoặc 28 tết mẹ mới làm cơm rượu vì cơm rượu làm sớm, để lâu sẽ bị đắng, không ngon. Với tôi, vậy đã quá đủ để biết mùa xuân đã về theo hương vị từng miếng cơm rượu ngọt lịm, nồng tê trên đầu lưỡi.

Hồi nhỏ, tôi mê món cơm rượu lắm. Ngày thường không ai bỏ công làm cơm rượu, chỉ tới tết mới có. Vậy nên mỗi lần tết sắp đến, mặc các anh chị đòi gì, xin gì, tôi cứ nhũng nhẵng theo đuôi mẹ, nhắc bà… làm cơm rượu.

Tôi sẽ nhắc đi nhắc lại không biết bao nhiêu lần, tới lúc mẹ bực mình quát “nhớ rồi!” mới thôi. Thật tình, chẳng phải tôi “lầy” muốn chọc giận mẹ làm chi, mà do món cơm rượu phải chờ cận tết mới làm, nên có năm lu bu công chuyện cuối cùng mẹ quên mất. 

Với tôi, tết mà không có món cơm rượu là coi như… mất nửa cái tết, hỏi sao không lo.

Cơm rượu làm bằng nếp nấu chín thành cơm, đem ủ men rượu. Cơm rượu có vị thanh của đường lên men từ gạo, quyện với vị nồng cay của rượu trong cơm, thêm hương nếp thơm lừng, hấp dẫn mê tơi, ăn hoài không ngán. Ấy là cảm nhận của thằng bé con là tôi ngày nhỏ.

Cái món cơm rượu, coi đơn giản vậy nhưng không phải dễ làm. Nấu cơm khô cơm rượu bị “dọn” (sượng cứng). Nấu cơm nhão cơm rượu bị chua. Ủ lạnh cơm rượu không lên men. Ủ nóng thì lại hóa… giấm. Vậy nhưng dưới đôi bàn tay lão luyện của mẹ, đố mẻ cơm rượu nào bị hư. Mẹ có cách bớt/thêm dựa theo cảm nhận rất tài, từ lượng men đem rây ủ, cho tới độ dày mỏng của các lớp đậy.

Thường 27, hoặc 28 tết mẹ mới làm cơm rượu (cơm rượu làm sớm, để lâu sẽ bị đắng, không ngon). Thấy mẹ bắc nồi xôi nếp là tôi mắt mũi sáng trưng, tò tò theo mẹ ngay từ khâu dỡ cơm nếp ra thau. 

Dùng hai chiếc đũa cả, mẹ loay hoay tãi mỏng khối cơm dẻo quẹo, san đều, không cho chỗ dày chỗ mỏng. Ngồi chầu hẫu bên mẹ, tôi vừa nhóc nhách nhai miếng cháy cạy nồi, vừa hít mùi khói cơm thơm lừng. Đợi thật nguội, mẹ bắt đầu ép cơm thành bánh, kế đó rây men. Từng đám bột men li ti lọt qua rây rơi xuống, bám dày trên mặt bánh cơm thành màu trắng mịn, thơm thơm.

Sau đó, một mặt mẹ dùng hai tay nhẹ nhàng túm, lật ngược bánh cơm, cho phần đã có men xuống dưới, tiếp tục rây nốt mặt kia. Rây tới khi nào đủ lượng men dự định thì mẹ ngưng, phủ mặt cơm bằng lá chuối hoặc vải mùng và đem đi ủ.

Bình thường, cơm rượu ủ độ ba ngày sẽ “ngả” (chín tới). Quá trình này mẹ phải “canh nhiệt” liên tục: lâu lâu lại phải dùng tay sờ thử mặt bánh cơm, xem lạnh hay nóng. Nếu nóng phải lấy bớt đồ phủ, lạnh thì tăng thêm.

Thau cơm rượu cất trong buồng; mùi thơm từ món cơm rượu đang chín bốc lên, len lỏi khắp nhà khiến tôi cứ bứt rứt chạy vào chạy ra; chốc chốc lại… lén vạch, nhòm coi cơm rượu chín chưa? Chị Hai hét: “Đi ra! Mầy cứ vạch coi hoài làm sao nó ngả…”.

Chờ mãi rồi cũng tới “thời khắc lịch sử”, là lúc mẹ khệ nệ bưng thau cơm rượu từ buồng đi ra. Dỡ hết lớp lá ủ trên mặt, mẹ dùng dao xẻ dọc ngang bánh cơm rượu thành những miếng vuông. Bóc từng miếng cơm trắng đục tươm nước, ngào ngạt hương thơm mẹ cẩn thận cho vào chiếc thẩu (thố) to.

Liếc thấy thằng Út ngồi chầu rìa cứ dòm theo tay rồi… ừng ực nuốt nước miếng mẹ phì cười, nhón cho nó miếng cơm rượu bìa to nhất. Với tôi vậy đã quá đủ để biết mùa xuân đã thật sự về theo hương vị từng miếng cơm rượu ngọt lịm, nồng tê trên đầu lưỡi. Tết rồi… 

Y Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI