Ngôn từ sắc nhọn làm trẻ tổn thương

15/08/2016 - 15:49

PNO - Thảo lấy chồng khi còn trẻ, bao nhiêu bồng bột, nông nổi đổ cả vào cuộc hôn nhân đó. Người ta mất cái này thì vớt vát được cái kia. Đằng này Thảo chọn chồng sai, chọn gia đình chồng lại càng sai.

Thảo hồng nhan mà bạc phận nên suốt nhiều năm trời phải sống cảnh một mình chèo chống nuôi con. Thảo lấy chồng khi còn trẻ, bao nhiêu bồng bột, nông nổi đổ cả vào cuộc hôn nhân đó. Người ta mất cái này thì vớt vát được cái kia. Đằng này Thảo chọn chồng sai, chọn gia đình chồng lại càng sai. Nên khi cuộc hôn nhân tan vỡ, con gái Thảo trở thành người bị tổn thương nhiều nhất qua mỗi lần cố gắng nắm níu lấy sợi dây máu mủ. Bao nhiêu cay nghiệt người ta đổ lên đầu đứa trẻ một cách hả hê mà không biết rằng đã giết chết dần mòn những yêu thương hồn nhiên, trong trẻo nhất, như là cách người ta nhẫn tâm vặt ngoéo một mầm xanh.

Thường thì mỗi khi có quyết định ly hôn người ta đều trăn trở về những đứa trẻ. Không ít gia đình còn tranh nhau quyền nuôi trẻ suốt nhiều năm trời. Sự tranh chấp ấy suy cho cùng là một điều đau lòng và dễ gây tổn thương cho trẻ. Nhưng trường hợp của mẹ con Thảo có lẽ còn đau lòng hơn nhiều khi gia đình bên nội luôn muốn phủi tay sạch trơn trách nhiệm với con cháu ruột thịt của mình.

Ngon tu sac nhon lam tre ton thuong
Ảnh mang tính minh họa

Hôm ra tòa, nhà nội bé Mít còn hậm hực vì phán quyết mỗi tháng đóng vài trăm nghìn tiền hỗ trợ nuôi cháu. Thảo chưa bao giờ quan tâm số tiền đó, bởi nó quá nhỏ nhoi so với những vất vả lo toan của một người mẹ đơn thân. Thảo cũng chưa khi nào trực tiếp cầm những đồng tiền đó, nhà nội thường đưa cho dì của Mít, rồi thỉnh thoảng dì biến chúng thành bộ váy áo mới cho con chị. Mỗi lần nghe dì nói áo của bố gửi là Mít vui lắm. Hầu như ngày nào Mít cũng nhắc đến bố, thỉnh thoảng còn rụt rè hỏi xin mẹ cho phép về thăm quê nội.

Thảo nào có phải người cạn nghĩ, nhiều năm tháng trôi qua, bao nhiêu giận hờn cũng dịu đi rồi. Hơn ai hết Thảo hiểu nỗi khổ của con mình khi thiếu thốn tình cảm. Thảo cũng muốn con giữ sợi dây máu mủ ấy cho những thương yêu đằng đẵng sau này. Nhưng sao mỗi khi thấy con hí hửng chuẩn bị đồ đạc về quê nội là lòng Thảo quặn đau. Thảo muốn ngăn con lại để nó không bị những lời sắc như dao nhọn của bà nội làm tổn thương tâm hồn. Không ít lần chị toan cấm đoán con…

Thảo nhớ mùa hè năm Mít mười tuổi, sau chuyến về quê nội, con trở nên buồn bã, lầm lì. Hỏi ra mới biết tại bà nội bảo “hình như ngoài quần áo bà gửi tiền cho dì cháu mua thì cháu chả có thêm bộ nào khác thì phải. Mẹ cháu nghèo đến thế à?”. 10 tuổi, con đủ lớn để hiểu những lời ấy chẳng khác gì miệt thị. Những bộ quần áo mới đã không còn là một món quà, là niềm vui sướng nữa. Con nói dì đừng nhận quần áo nữa nhưng dì bảo người ta đưa thì mình nhận cho gần gũi…

Từ khi ly hôn Thảo phải cố gắng làm việc để bé Mít không phải thiếu thốn thứ gì. Từ chuyện học hành đến một mái nhà đủ ấm áp để con đỡ tủi thân. Bé Mít đến 14 tuổi, Thảo mới tính đến chuyện đi bước nữa. Mít vui vì có người dượng tốt nhưng vẫn luôn thương nhớ máu mủ của mình. Thế nhưng bà nội Mít đã cắt phéng sợi dây ấy khi nói thẳng vào mặt cháu mình: “Mẹ cháu đi lấy chồng rồi thì chồng của mẹ cháu hiện tại phải có trách nhiệm nuôi cháu. Đừng trông chờ tiền hàng tháng của bố cháu nữa. Luật pháp đã quy định thế rồi”.

Chắc hẳn con đau lòng lắm mới tức tưởi đổ gục vào lòng Thảo lúc trở về nhà. “Sao bà lại coi con như ăn xin vậy mẹ? Con về để thăm bà chứ có phải vì mấy trăm nghìn mỗi tháng ấy đâu”. Thảo ôm con vào lòng vừa tủi nhục vừa tức giận. Thảo thấy buồn vì mình đã không đủ mạnh mẽ và kiên quyết nên mới để người ta sỉ nhục con. Thảo cứ luôn nghĩ mình nhận số tiền đó là làm phúc, để bên nội có cơ hội mà qua lại với ruột rà. Chứ số tiền ấy chưa bằng tiền nửa tháng ăn sáng của con, có nhiều nhặn gì đâu mà phải mang ra cứa đứt lòng con trẻ.

Mấy lần nhìn con xếp đồ vào ba lô định bắt tàu về quê nội nhưng rồi lại lôi ra, Thảo không khỏi nhói lòng thương trái tim bé bỏng. Bởi khi còn rất nhỏ, con đã phải trải qua bài học khắc nghiệt ở đời, rằng yêu thương thôi mà cũng quá cay nghiệt, nhọc nhằn. Bài học ấy dành cho những sai lầm của người lớn. Sai lầm của Thảo khi từng chọn nhầm nơi trao thân gửi phận.

Sai lầm của người bà khi mang hằn học ra đáp trả tình yêu thương con trẻ. Có thể một lúc nào đó người lớn sẽ nghĩ lại và ân hận, nhưng vết thương lòng con trẻ thì chẳng dễ lành. Con còn nhỏ nên quãng đời đeo đẳng vết thương ấy còn dài. Thảo rất sợ nó làm tật nguyền trái tim vốn ấm áp của con để sau này khi lớn lên con hoài nghi về tình yêu, hôn nhân và những gì thân thuộc nhất. Một câu hỏi cứ trở lại trong đầu Thảo, rằng có bao nhiêu ngôn từ tốt đẹp trên đời mà tại sao máu mủ ruột già cứ phải mài ngôn từ sắc nhọn để làm tổn thương nhau?

Bùi Loan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI