Ngọn phi lao trong bão

22/10/2023 - 05:55

PNO - Trong không khí se lạnh, thoang thoảng hương hoa sữa của mùa thu Hà Nội, lần giở lại những kỷ vật của gia đình kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát trao tặng Bảo tàng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tôi thực sự xúc động trước hình ảnh bà Bùi Thị Nga - người con gái gốc Hà thành với khuôn mặt thanh tú, đôi mắt sáng, đầy cương nghị cùng những câu chuyện về một phụ nữ can trường, bản lĩnh nhưng cũng đầy nhân hậu, nghĩa tình.

 

Chân dung bà Bùi Thị Nga
Chân dung bà Bùi Thị Nga

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình Hà Nội gốc nền nếp, gia giáo, từ nhỏ, bà Bùi Thị Nga đã học hành giỏi giang, đọc và viết thạo tiếng Pháp, tiếng Anh. Lúc thiếu thời, bà theo gia đình vào Sài Gòn sinh sống. Là con gái lớn trong nhà, bố mất sớm, nên khi học xong thành chung (tương đương cấp II bây giờ), bà đành rẽ ngang đi dạy học tư để phụ giúp mẹ nuôi 2 em.

Mối tình lãng mạn của bà và kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát bắt đầu từ mùa hè năm 1943 tại xứ sở Đà Lạt thơ mộng và kết quả là đám cưới giữa mùa thu ngày 15/6/1945. Từ đó, bà trở thành người bạn đời thủy chung, tin cậy, người đồng chí kiên trinh, son sắt của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát; cùng chồng xông pha trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ hào hùng của dân tộc.

Lăn lộn hoạt động cách mạng, bà bị địch bắt ngày 1/4/1946 cùng với chồng, bị giam hơn 1 tháng. Chứng kiến chồng bị tra tấn, tim bà đau xót khôn cùng nhưng bà vẫn vững vàng, kiên định. Ra tù, bà tích cực tham gia Ban Chấp hành Phụ nữ dân chủ ở Sài Gòn và trở thành người giao liên, người tiếp tế, người cán bộ quần chúng tích cực vận động trí thức và một số tù nhân chính trị làm nòng cốt lập liên đoàn tù nhân chính trị Khám Lớn - Sài Gòn để cùng rèn luyện, tranh đấu cho cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ, anh dũng ngay trong lòng địch. 

Vợ chồng bà Bùi Thị Nga - kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát tại chiến khu R
Vợ chồng bà Bùi Thị Nga - kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát tại chiến khu R

Khi dạy ở trường Huỳnh Khương Ninh, với sự thông minh, khéo léo, bà đã tích cực vận động rất nhiều vị nhân sĩ, trí thức ký vào Tuyên ngôn năm 1947 của trí thức Sài Gòn. Với nhiệt huyết cách mạng sục sôi, người phụ nữ ấy không nề hà gian khổ, hiểm nguy, sẵn sàng nhận bất cứ nhiệm vụ nào tổ chức giao, trong đó có việc đi lấy chữ ký cho bản Manifest kiến nghị Chính phủ Pháp thương lượng với Chính phủ kháng chiến để có hòa bình ở miền Nam.

Năm 1949, bà bị địch bắt lần thứ hai. Ra tù, bà tiếp tục hoạt động trí vận phụ trách thêm phong trào học sinh, sinh viên và hỗ trợ hoạt động của các tổ chức công khai như Hội Thanh niên mới, Hội Phụ nữ cấp tiến. Dấu mốc lịch sử là cuộc biểu tình ngày 9/1/1950 của hàng ngàn thanh niên, học sinh, sinh viên trước Dinh Thủ hiến hô vang khẩu hiệu về những nguyện vọng chính đáng của nhân dân Sài Gòn. Bà tham gia Ban Trí vận Thành ủy phụ trách các chi bộ giáo viên - bác sĩ - kỹ sư - luật sư để đẩy phong trào của các giới lên. 

Ngày 5/5/1960, bà bị địch bắt lần thứ ba khi đang hoạt động trong Ban Trí vận - Mặt trận. Bị địch tra tấn dã man, tìm mọi cách mua chuộc, dụ dỗ hòng moi tin tức về chồng, về tổ chức nhưng bà cương quyết không khai báo để rồi phải lãnh những trận đòn thừa sống thiếu chết, những cuộc hỏi cung suốt ngày đêm, những ngày nhốt xà lim và rất nhiều thủ đoạn o ép tinh thần khủng khiếp. Trong tù, bà vẫn quyết tâm biến nhà tù thành trường học, dạy toán, sử ký, địa dư để lồng nội dung chính trị về lịch sử Đảng, về đường lối cách mạng miền Nam cho chị em nữ tù nhân. 

Sau ngày đất nước thống nhất, bà Bùi Thị Nga đảm đương các chức vụ: Hội trưởng Hội LHPN Việt Nam TPHCM, Ủy viên Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam. 

Cũng trong tù, bà đã cùng chị em nữ tù quyết liệt chống chào cờ ba que, suy tôn Tổng thống Diệm và học tập tố cộng, tuyệt thực để rồi chịu những cú đánh bằng dùi cui, gậy gộc, roi cá đuối đến bầm tím, nhức nhối cơ thể mà vẫn khẳng khái thể hiện trí tuệ, bản lĩnh của một chiến sĩ cách mạng khi đanh thép trả lời viên hạ sĩ ngụy: 

- Tôi không chào lá cờ ba que của ông Diệm. Vì ông Diệm mà gia đình tôi tan nát, chồng một nơi, con một ngả, nhà cửa bị cướp sạch. Còn tôi vô tội thì bị tạm giam trên 2 năm rồi, ở các địa ngục trần gian. Vì sao tôi phải chào cờ chớ! 

Người phụ nữ can trường đó còn vượt lên những nỗi buồn đau của một người vợ, người mẹ, chấp nhận và hy sinh những niềm vui, khao khát của bản thân để thấu hiểu, thông cảm, đồng hành cùng chồng trên những chặng đường chông gai. Bà học cách làm quen với cảnh xa chồng từ khi mới cưới. Mang thai đứa con đầu lòng khi chồng đang ở trong tù, bà vừa lo liệu tìm luật sư biện hộ, chạy tới chạy lui tiếp tế cho chồng vừa hoạt động cách mạng cho đến tận ngày trở dạ.

Để có tiền trang trải cuộc sống, bà vừa đi dạy ở trường vừa mở lớp dạy tư tại nhà. Chuyển dạ đứa con thứ hai chưa kịp bế con về nhà thì chồng đã đi hoạt động cách mạng.

Đứa con thứ ba chào đời, trong giấy khai sinh ghi cha vô danh để thông tin của chồng được bảo mật. Có những thời điểm, vì hoàn cảnh, bà chấp nhận giả mang danh vợ bé để chồng được an toàn. Có khi, bà phải bế con từ Sài Gòn xuống Long An, hết leo lên xe đò rồi lại xuống xuồng men theo những con rạch suốt 1 ngày trời chỉ để được gặp chồng mấy tiếng ngắn ngủi. 

Trái tim người mẹ chất chứa buồn thương khi 3g sáng đã phải tiễn con trai đầu lòng ra Bắc tập kết lúc con mới 8 tuổi. Xa con chưa biết ngày gặp lại, nước mắt bà chảy dài nhưng cố kìm nén. Để có thời gian hoạt động cách mạng, những đứa con tiếp theo dù bé bỏng, bà cũng phải gửi nhờ 2 bên nội, ngoại nuôi dưỡng.

Khung cảnh chia tay: con lên xe vẫn đập cửa kính hậu khóc đòi mẹ còn mẹ đứt ruột ngóng theo, nước mắt giàn giụa để rồi mất ngủ nhiều ngày vì nỗi nhớ thương con và dằn vặt cứ không thôi ám ảnh. Nhiều khi nhớ con quay quắt, bà nuốt nước mắt vào trong; nhà nội, nhà ngoại đều không dám về vì sợ liên lụy đến người thân.

Nỗi đau tột cùng ập đến là lúc đang cùng chồng cấp tập chuẩn bị cho chiến dịch tết Mậu Thân 1968, bà nhận tin dữ con gái Huỳnh Lan Khanh hy sinh khi vừa tròn 19 tuổi. Giây phút đó, bà sững sờ, tim thắt lại, nước mắt tuôn trào nhưng rồi ngay lập tức lặng lẽ gạt nước mắt đi đón đoàn thanh niên Việt Nam ở Campuchia tự nguyện về nước chiến đấu với suy nghĩ: đón con người ta mà khóc con mình sao được! 

Nâng niu từng kỷ vật, từng nét chữ, từng khuôn hình của bà, nghĩ về chặng đường đời gian khổ nhưng cũng đầy vinh quang mà bà đã trải qua, những đóng góp của bà đối với cách mạng, với đất nước trong thời chiến cũng như thời bình, tôi chợt nghĩ đến hình ảnh ngọn phi lao kiên cường chịu đựng được hết thảy mọi sự khắc nghiệt; vững chãi trước phong ba, bão táp vần vũ để rồi giông bão qua đi lại tiếp tục tươi cành, xanh lá, tỏa bóng râm che mát cuộc đời.

Trân quý truyền thống của gia đình, thế hệ con cháu bà Bùi Thị Nga đã giữ gìn cẩn thận những di sản của cha mẹ để giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ sau.

Với tấm lòng hướng về quê hương, hằng năm, gia đình bà Bùi Thị Nga đều đóng góp cho quỹ khuyến học của huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Đặc biệt, quỹ học bổng Huỳnh Tấn Phát được thành lập năm 2007 với 9 chương trình - dự án lớn là tâm nguyện của gia đình với mong muốn góp phần tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho học sinh, sinh viên; đặc biệt là giúp đỡ, hỗ trợ các em có hoàn cảnh khó khăn, những người yếu thế, giàu nghị lực vươn lên, chắp cánh cho những ước mơ của tuổi trẻ được bay cao, bay xa.

Hơn 15 năm hoạt động, quỹ học bổng Huỳnh Tấn Phát đã trao hỗ trợ tài chính cho gần 300 sinh viên, trong đó có hơn 30 em đạt thủ khoa, á khoa cùng các giải thưởng thiết kế lớn hoặc du học nước ngoài, đem đến cơ hội tiếp cận giáo dục bình đẳng cho hơn 10.000 lượt sinh viên, tạo ra những giá trị vô cùng tích cực cho cộng đồng.

Ngoài sự ủng hộ của các mạnh thường quân, ngôi nhà của gia đình bà Bùi Thị Nga ở số 11 Lê Ngô Cát, phường 7, quận 3, TPHCM đã được cho thuê để có thêm kinh phí hỗ trợ cho quỹ học bổng Huỳnh Tấn Phát.

Chứng kiến chị Huỳnh Xuân Thảo - con gái bà Bùi Thị Nga - đã nghỉ hưu nhưng ngày ngày vẫn miệt mài, nỗ lực để duy trì và phát triển quỹ học bổng Huỳnh Tấn Phát những mong đóng góp ngày càng nhiều hơn cho cộng đồng, tôi hiểu rằng truyền thống gia đình và những giá trị tốt đẹp của các bậc tiền bối đã, đang và sẽ được trao truyền, tiếp nối, lan tỏa. 

Thu Hoàn

Ảnh tư liệu

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • vũ Đức Nghĩa 22-10-2023 08:59:15

    Cám ơn bạn Thu Hoàn và Báo Phụ nữ. Bài viết của bạn đã giúp tôi hiểu thêm về một người Phụ nữ Anh hùng của đất nước Việt Nam yêu quý của chúng ta.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI