Ngôn ngữ yêu thương của bố

27/09/2015 - 10:09

PNO - Trong thời hiện đại, vai trò người cha dần mở rộng ra khỏi phạm trù của định kiến gia trưởng. Họ được khuyến khích bày tỏ tình yêu của mình với con.

Trong thời hiện đại, vai trò của một người cha dần mở rộng ra khỏi phạm trù của định kiến gia trưởng. Họ được phép, và còn được khuyến khích bày tỏ tình yêu thương của mình với con cái một cách công khai, cởi mở và thường xuyên hơn.

Việc này mang lại nhiều lợi ích, giúp thắt chặt mối quan hệ cha con và giúp người bố mang lại nhiều ảnh hưởng tích cực hơn cho trẻ. Nhưng không phải lúc nào người cha cũng biết cách bày tỏ tình yêu thương của mình một cách đúng mực.

Mỗi đứa trẻ đều có tính cách riêng và chỉ chấp nhận một cách thức bày tỏ tình yêu thích hợp với chúng. Cách bày tỏ tình yêu này có thể được gọi là “ngôn ngữ yêu thương” của trẻ. Sử dụng ngôn ngữ thương yêu sai cách có thể không mang lại tác dụng mà còn gây hiệu quả tiêu cực.

Trẻ sẽ không thể truyền đạt cho bố biết được ngôn ngữ thương yêu nào mà chúng chấp nhận, bởi nó là một định nghĩa rất trừu tượng. Vậy làm sao người cha biết được cách bày tỏ tình yêu nào là đúng với từng đứa con của mình?

Có nhiều cách thức để chúng ta bày tỏ tình yêu, không chỉ đối với con trẻ mà với bất kỳ người nào. Bố có thể thử từng cách một với con để xem cách thức nào là hiệu quả nhất.

Sự công nhận

Là cách sử dụng lời tán thưởng, khen ngợi để khuyến khích và củng cố lòng tự tin cho trẻ. Bố có thể để lời nhắn “Tự hào về con” qua những bức thư, thông điệp nhỏ trong phòng trẻ hay trong vở, cặp sách.

Bố có thể khen những điểm tốt của con như khi bé tự ý thức dọn dẹp đồ chơi. Thậm chí một lời khen đơn giản “Giỏi lắm” cũng rất hiệu quả, nhất là khi có thêm sự góp mặt của người khác bên cạnh trẻ.

Dành thời gian sinh hoạt bên nhau

Nhiều người xem trọng sự có mặt của những người họ thương yêu trong cuộc sống của mình. Trẻ em cũng vậy, sự tham dự của bố trong cuộc sống của trẻ giúp các bé cảm nhận được mối quan hệ thân thiết.

Những hoạt động như cùng đi chơi với nhau, đi dạo, thậm chí đơn giản là nói chuyện và lắng nghe đều có thể giúp bố bày tỏ sự quan tâm và thương yêu của mình với trẻ.

Ngon ngu yeu thuong cua bo
Ảnh: Shutterstock

Cử chỉ yêu thương

Ở đây là cử chỉ cơ thể hay còn gọi là ngôn ngữ cơ thể. Ngôn ngữ yêu thương có thể được bày tỏ qua các hành động âu yếm, ôm ấp, ngồi cạnh bên hay xoa lưng, xoa đầu.

Đây là những cử chỉ thân mật nhất, đôi khi có thể bày tỏ tình yêu tốt hơn cả lời nói. Dĩ nhiên, đôi khi lạm dụng những cử chỉ này cũng làm trẻ khó chịu, vì vậy bố cũng nên biết cách cho trẻ không gian riêng tư.

Tặng quà

Có lẽ là cách bày tỏ tình thương “cổ điển” nhất. Nhưng tặng những món quà vật chất, đắt tiền sẽ chỉ dẫn đến việc khiến trẻ dễ hư.

Bố mẹ đừng quên những món quà giàu ý nghĩa thay vì chỉ có giá trị vật chất. Việc tặng con bộ bút màu khi bé đang thích thú tập vẽ chẳng hạn, sẽ thể hiện tình yêu thương rõ ràng hơn cả.

Hành động chăm sóc

Đây là một cử chỉ thương yêu gián tiếp nhưng có thể nói lên tình yêu thương rõ ràng hơn cả, và là một việc quen thuộc của bố mẹ.

Chuẩn bị bữa ăn mà trẻ thích, ru con ngủ, tắm với bé hay giúp trẻ làm những công việc nhà mà con không thích… Những công việc thường nhật củng cố mối ràng buộc ruộ t thịt, nó cho thấy sự có mặt của tình yêu thương một cách bản năng.

Ngoài việc thử xem trẻ phản ứng với “ngôn ngữ yêu thương” nào tốt nhất, bố mẹ còn có thể quan sát xem trẻ sử dụng ngôn ngữ nào đối với người khác. Hiển nhiên là đứa trẻ nào cũng muốn bày tỏ sự yêu thương của mình đối với người khác bằng cách mà chúng cũng muốn được đối xử.

Nếu trẻ thích phụ giúp việc nhà với bố mẹ thì hành động chăm sóc hay dành thời gian sinh hoạt với bé sẽ thích hợp hơn. Nếu trẻ thích chui vào ngồi trong lòng người lớn, thì chắc chắn bé sẽ thích được ôm ấp, nựng nịu.

Ngược lại, trẻ cũng sẽ phản ứng với các cử chỉ tiêu cực mạnh mẽ hơn nếu chúng đi ngược với “ngôn ngữ yêu thương” mà bé thích hợp. Vì thế, bố mẹ nên lựa cách xử phạt khi bé làm sai sao cho hiệu quả nhưng không quá khe khắt với trẻ.

Ví dụ, nếu bé thí ch được khen thưởng thì lời la mắng sẽ làm bé buồn nhiều hơn, nên bố mẹ cũng đừng quên thêm vào những yếu tố tích cực như tha thứ và khuyến khích bé lần sau cư xử đúng đắn.

Xuân Hạo 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI