Ngọn lửa thiêu Nhà thờ Đức Bà Paris thổi bùng lên thuyết âm mưu bài Hồi giáo

17/04/2019 - 08:35

PNO - Những hình ảnh và video Nhà thờ Đức Bà Paris chìm trong ngọn lửa lan truyền như bão trên mạng xã hội đã châm ngòi những câu chuyện bài Hồi giáo, mặc dù nhà chức trách đã loại trừ nguyên nhân phá hoại hay khủng bố.

Khi các nhân viên cứu hỏa nỗ lực khống chế ngọn lửa tàn phá Nhà thờ Đức Bà Paris (Notre-Dame) hôm 15/4, Twitter và YouTube đã phải vất vả gỡ bỏ các thuyết âm mưu do hai tài khoản nặc danh “gieo rắc” và xác minh những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc da trắng truyền bá lý thuyết bài Hồi giáo về thảm họa đối với Notre-Dame.

Ngon lua thieu Nha tho Duc Ba Paris thoi bung len thuyet am muu bai Hoi giao
Nhà thờ Đức Bà Paris chìm trong khói lửa hôm 15/4 - Ảnh: AP

Các quan chức Pháp điều tra vụ hỏa hoạn đã loại trừ nguyên nhân nhà thờ bị đốt do phá hoại và khủng bố, họ nói rằng vụ hỏa hoạn dẫn đến sập mái nhà thờ có thể liên quan đến việc sửa chữa đang diễn ra tại địa điểm này.

Tuy nhiên, một số nhân vật chính trị cực hữu nhân thảm họa đau lòng này đã đẩy lên câu hỏi “liệu vụ hỏa hoạn có được thực hiện có mục đích hay không?”.

Một số người dùng ẩn danh đã sử dụng phần mềm chỉnh sửa để thúc đẩy các thuyết âm mưu trên YouTube và Twitter, tài khoản của họ hiện vẫn hoạt động trên hai nền tảng này, bất chấp bị người dùng “báo cáo” nhiều lần.

Một video vụ cháy Notre-Dame trên YouTube đã được xem 40.000 lần có thể nghe thấy tiếng một người đàn ông la hét “Allah Allah Akbar” (tiếng Ả Rập nghĩa là "Thượng đế chí tôn!”). Âm thanh phát ra từ một video cũ mà người xem có thể tìm thấy khi tìm kiếm theo từ khóa “tiếng hét Allahu Akbar” trên Google. Đáng ngạc nhiên là video đó chưa bị gỡ khỏi YouTube, và tài khoản đăng video lên – có hình đại diện hoạt hình của chủ nghĩa dân tộc da trắng – vẫn tiếp tục hoạt động.

Đoạn video “chơi khăm” sau đó đã được đăng lại lên Twitter, nhận được gần 2.000 lượt tweet lại và hàng chục nghìn lượt xem trước khi bị xóa vào tối 15/4. Tuy nhiên, tài khoản người dùng đưa lên vẫn hoạt động.

Sophie Bjork-James, phó giáo sư nhân chủng học Đại học Vanderbilt, chuyên gia nghiên cứu chủ nghĩa dân tộc da trắng, cho biết các video được chỉnh sửa và quan điểm bài ngoại như trên thuộc về chiến lược tuyển dụng của các nhóm cực đoan. Bà nói rằng, họ thông qua các sự việc như Nhà thờ Đức Bà bị cháy để thu hút thêm “tín đồ’ và hâm nóng ngọn lửa bài Hồi giáo.

Bà quy trách nhiệm của việc truyền bá ngôn từ kích động thù hận dân tộc cực đoan là do truyền thông xã hội.

Những kẻ kích động YouTube theo chủ nghĩa dân tộc da trắng bao gồm Stefan Molyneux và Faith Goldy, cả hai đều được xác minh trên Twitter, đã thúc đẩy các thuyết âm mưu về người Hồi giáo liên quan đến vụ hỏa hoạn. Goldy đã bị Facebook cấm cửa trong tháng này trong một cuộc “dọn dẹp” các tài khoản cực đoan da trắng. Molyneux, sống ở Canada và không có thông tin trực tiếp về vụ cháy, nhưng đã kêu gọi công chúng không tin bất kỳ giải thích nào của các quan chức về nguyên nhân vụ cháy. Các nội dung Twitter của Goldy và Molyneux đến nay vẫn còn nhìn thấy được.

Trong khi các công ty truyền thông xã hội đóng vai trò tích cực hơn trong việc kiểm duyệt các nền tảng của mình, nhưng hầu hết họ chỉ mới cố gắng gỡ bỏ một số loại ngôn từ kích động thù địch, như chủ nghĩa dân tộc da trắng và chủ nghĩa bài Hồi giáo.

Việt Hưng (Theo NBC News)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI