Ngọn lửa Thế vận hội Mùa đông làm sống lại nguyện vọng đoàn tụ Hàn-Triều

17/02/2018 - 08:23

PNO - Khi bà Kang Hwa Seon về làm dâu một gia đình nghèo ở thành phố ven biển phía đông Triều Tiên đầu những năm 1940, bà thực chất đã trở thành “người mẹ” của cậu em rể Song Dong Ho khi đó còn nhỏ.

Bà cho cậu bé ăn, đưa đi học hàng ngày và nuôi nấng cậu bé thành một chàng trai cao đẹp. Sau đó, chiến tranh nổ ra, bà Kang và gia đình em rể mỗi người lưu lạc một phương – gia đình bà ở miền Nam, em trai chạy lên phía Bắc.

Cuối năm 2015, bà Kang ra miền Bắc đoàn tụ trong nước mắt với người em rể của mình, ông Song khi đó đã là một người đàn ông 81 tuổi với gương mặt hốc hác, nhăn nheo.

Họ đã gặp nhau theo những chương trình đoàn tụ bắt đầu năm 2000, một hình thức giao lưu rất phổ biến khi quan hệ hai miền còn tốt đẹp.

Rồi từ đó, bà Kang không nhận được tin tức gì từ người em ở Triều Tiên.

Ngon lua The van hoi Mua dong lam song lai nguyen vong doan tu Han-Trieu
Bà Kang Hwa Seon (giữa) cho con trai và cháu xem những bức ảnh đoàn tụ năm 2015 của bà với người em rể. Bà hy vọng còn có thể gặp lại người em trước khi bà qua đời - Ảnh: AP

Gần đây, hy vọng sum họp gia đình lần thứ hai lại lớn lên trong bà. Thế vận hội Mùa đông đầu tiên của Hàn Quốc có nhiều cuộc thi đấu được tổ chức ở thị trấn Gangneung nơi bà đang sống khiến bà nôn nao với hy vọng gặp lại người em bà nuôi từ nhỏ, trước khi bà về chầu tiên tổ.

"Tôi chỉ muốn gặp Song lần cuối trước khi tôi qua đời”, bà Kang, 93 tuổi, nói và cho biết thêm “Song giống như một người con trai hay người em bé nhỏ của tôi”.

Đoàn tụ là một cơ may duy nhất của những gia đình ly tán trong chiến tranh ở Triều Tiên, khi những người nộp đơn trẻ nhất đều đã ở độ tuổi “cổ lai hy”, và họ không biết người thân còn sống hay đã chết.

Cả hai chính phủ đều cấm người dân trao đổi điện thoại, thư từ hoặc email.

Nhiều người cùng hoàn cảnh bà Kang hy vọng Thế vận hội để lại dấu ấn ấm áp sau ngày bế mạc 25/2 sắp tới, họ hy vọng tác động của sự kiện thể thao quốc tế này – dấu hiệu tan băng căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên – sẽ còn nối dài và giúp khởi động lại các chương trình đoàn tụ.

Người ta sợ tình trạng thù địch bùng phát trở lại khi Seoul và Washington tái khởi động các cuộc tập trận bị trì hoãn mà Bình Nhưỡng lâu nay xem như “diễn tập xâm lược”. 

Tuy nhiên, một số người nói lần này họ hy vọng Triều Tiên “nghiêm túc” với ý định hòa giải.

Minh chứng được đưa ra là một cuộc diễu hành chung với Hàn Quốc trong lễ khai mạc Thế vận hội Pyeongchang, là việc thành lập và thi đấu chung một đội khúc côn cầu nữ trên băng, và quan trọng hơn cả là sự xuất hiện của bà Kim Yong Jong, em gái của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, cùng ông Kim Yong Nam, Chủ tịch Quốc hội trong phái đoàn cao cấp của Triều Tiên đến dự khai mạc sự kiện thể thao “hòa giải”.

Ngon lua The van hoi Mua dong lam song lai nguyen vong doan tu Han-Trieu
Bà Kang Hwa Seon chỉ còn tâm nguyện cuối đời là được gặp lại ông Song, người em rể bà con như con trai của mình, hiện sống ở miền Bắc - Ảnh: AP

Các cuộc đoàn tụ trước đây đã giúp cho hàng trăm người người dân hai miền gặp nhau tại khu nghỉ mát núi Kim Cương trên đất Triều Tiên. Cách thức chọn người tham gia mỗi miền đều khác nhau. Nếu như Hàn Quốc sử dụng hệ thống vi tính hóa để chọn ngẫu nhiên, thì Triều Tiên chọn các công dân trung thành với đất nước tham gia cuộc đoàn tụ. Đến nay, không có người Triều Tiên nào có cơ hội thứ hai gặp được người thân.

Và chính ông Song đã tìm kiếm gia đình bà Kang trước cuộc đoàn tụ năm 2015.

Bà Kang nhớ lại: "Cuộc đoàn tụ giống như gặp lại người đã chết, chú ấy lạc gia đình khi còn rất nhỏ, khi gặp lại thì đã là một cụ già tóc bạc trắng. Nhưng chú Song rất giống mẹ chồng tôi, bà ấy rất đẹp”.

Song Young Jin, người con trai 63 tuổi của bà Kang, người tham dự cuộc đoàn tụ năm 2015, đã có mối dây ruột thịt gần gũi với người chú. Ông nói: “Chúng tôi còn muốn gặp chú ấy thêm mười lần nữa!”.

Việt Hưng (Theo AP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI