Ngọn lửa Amazon: Lời cảnh tỉnh muộn màng

26/08/2019 - 14:00

PNO - Trước lời đe dọa cắt đứt trao đổi thương mại, viện trợ môi trường từ các quốc gia Liên minh châu Âu (EU), Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro cuối cùng cũng huy động quân đội tham gia chữa cháy.

Sau những mối quan tâm, chỉ trích trên toàn cầu, Tổng thống Brazil, Jair Bolsonaro cam kết huy động quân đội hỗ trợ chống lại các đám cháy đang tàn phá nhiều khu vực của rừng nhiệt đới Amazon; đồng thời, chính quyền của ông cũng phát động một cuộc kêu gọi ngoại giao nhằm sửa chữa vết rạn nứt với các đồng minh phương Tây.

Tính đến tuần qua, Cơ quan vũ trụ Brazil INPE đã ghi nhận 72.843 vụ cháy tại vùng rừng Amazon trong năm 2019, bao gồm hơn 9.500 đám cháy xuất hiện trong vòng 7 ngày gần nhất. 

Mặc dù hỏa hoạn là chuyện xảy ra thường xuyên và tự nhiên trong mùa khô, các nhà môi trường đổ lỗi cho việc nông dân phát quang dọn đất làm tăng số vụ cháy lên tới 83% trong năm nay, góp phần phá hủy những vùng đất rộng lớn của “thành trì tự nhiên” Amazon, vốn ngăn cản sự thay đổi khí hậu toàn cầu.

Tổ chức môi trường Greenpeace cáo buộc chính quyền Brazil quá thờ ơ trước những vụ cháy rừng, diễn ra từ nhiều tuần trước. Olivier Salge, một nhà vận động của Greenpeace nói: "Hiện tại, nếu bạn đốt rừng, bạn được Tổng thống ủng hộ. Sau đó bạn làm mọi thứ mình muốn vì bạn biết sẽ không có gì xảy ra".

Ngon lua Amazon: Loi canh tinh muon mang
Lửa thiêu rụi một khu vực gần Jaci Parana, bang Rondonia, Brazil, ngày 24/8/2019. (Ảnh: AP)

Kế hoạch phát triển nông nghiệp “bóp nghẹt” cánh rừng

Trong nỗ lực chống lại các đám cháy và giảm bớt những lời chỉ trích, Tổng thống Brazil cho phép quân đội chữa cháy và ngăn chặn nạn phá rừng bất hợp pháp ở Amazon.

Nhưng ông vẫn nói trên truyền hình rằng quy mô của các đám cháy năm nay tăng do thời tiết khô hơn trung bình và liên tục bảo vệ quan điểm phát triển kinh tế của Amazon, cải thiện cuộc sống của 20 triệu dân. 

Tổng thống Bolsonaro khẳng định rằng ông muốn chuyển đổi đất rừng để chăn thả gia súc và thành lập nông trại đậu tương. Các công tố viên Brazil đang điều tra xem việc thực thi lỏng lẻo các quy định môi trường có thể góp phần làm tăng số vụ hỏa hoạn hay không.

Sau lệnh hỗ trợ, Bộ trưởng Quốc phòng Brazil, Fernando Azevedo cho biết nhiệm vụ đầu tiên sẽ được thực hiện bởi 700 binh sĩ xung quanh Porto Velho, thủ phủ của bang Rondonia, cùng với hai máy bay C-130 Hercules có khả năng đổ tới 12.000 lít nước vào các đám cháy. 

Tổng cộng khoảng 44.000 binh sĩ đã sẵn sàng cho các chiến dịch "chưa từng có" nhằm dập tắt đám cháy tại sáu khu vực yêu cầu trợ giúp liên bang, bao gồm Roraima, Rondonia, Tocantins, Para, Acre và Mato Grosso.

Các cuộc thăm dò mới đây cho thấy người Brazil cực kỳ phản đối chính sách của Tổng thống đối với môi trường và khi ông nói chuyện trên đài truyền hình quốc gia, cư dân ở các thành phố lớn trên khắp Brazil đập vào nồi và chảo theo hình thức phản đối truyền thống của quốc gia Mỹ Latinh.

Ngon lua Amazon: Loi canh tinh muon mang
Hình ảnh về những đám cháy hoành hành tại rừng Amazon phát sóng trên toàn cầu đã làm dấy lên các cuộc biểu tình từ Brazil đến London. (Ảnh: Reuters)

Phản ứng của thế giới

Vào thứ Sáu 23/8, Các nhà lãnh đạo châu Âu đe dọa xóa bỏ thỏa thuận thương mại với Nam Mỹ, phản ánh sự giận dữ quốc tế ngày càng tăng đối với Brazil khi số vụ cháy rừng tăng kỷ lục. 

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi các nhà lãnh đạo G7 thảo luận về cuộc khủng hoảng môi trường ở Brazil tại hội nghị thượng đỉnh vào cuối tuần qua tại khu nghỉ mát Biarritz, ven biển của Pháp. 

Pháp và Ireland cũng đe dọa rút khỏi thỏa thuận thương mại của EU, vừa hoàn thành vào tháng 6/2019 với khối Mercosur, bao gồm Brazil, Argentina, Uruguay và Paraguay.

Vài giờ trước cuộc họp G7, ông Macron viết trên Twitter "ngôi nhà của chúng ta đang cháy". Hình ảnh về những đám cháy đang hoành hành tại Amazon phát sóng trên toàn cầu cũng làm dấy lên nhiều cuộc biểu tình bên ngoài các đại sứ quán Brazil từ Mexico City và Lima đến London và Paris.

Hôm 22/8, ông Bolsonaro lần đầu tiên thừa nhận rằng nông dân có thể đứng sau một số vụ hỏa hoạn nhưng liên tục lên án những gì mà ông coi là sự can thiệp của nước ngoài: "Những quốc gia gửi tiền đến đây, họ không gửi tiền từ thiện... Họ gửi nó với mục đích can thiệp vào chủ quyền của chúng tôi". 

Một số nhà tài trợ nước ngoài, lớn nhất là Na Uy, đã cắt giảm nguồn kinh phí cho Quỹ Amazon, được thiết lập để hạn chế nạn phá rừng trong khu vực, nhằm phản đối những thay đổi trong chính sách của Brazil.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra lời đề nghị giúp Brazil chống lại các đám cháy trên Twitter vào cuối tuần qua. Trên thực tế, Mỹ đã bắt đầu giúp Brazil khi gửi một chiếc máy bay chữa cháy Boeing 747-400 Global SuperTanker chở gần 20.000 chất  chống cháy đến biên giới Bolivia-Brazil từ California vào thứ Sáu.

Có lẽ những đám cháy rừng là lời cảnh tỉnh cho cả Brazil và thế giới về môi trường, giữa lúc băng tan kỷ lục ở hai vùng cực, cũng như thời tiết cực đoan khác thường diễn ra tại nhiều nơi trên thế giới. 

Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron phát biểu: “Đầu tiên chúng ta cần giúp Brazil và các nước khác dập tắt những đám cháy này. Mục tiêu là để bảo tồn khu rừng mà tất cả chúng ta đều cần. Bởi vì nó là kho báu của đa dạng sinh học và khí hậu, nhờ vào lượng oxy mà nó phát ra cũng như lượng carbon mà nó hấp thụ”.

Tấn Vĩ (Theo Reuters, Foxnews, Aljazeera)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI