|
Những lời kêu cứu liên tục xuất hiện trên mạng xã hội khi con nước dâng lên (nguồn: Facebook) |
Ngày 9/9/2024 sẽ còn ở lâu trong trí nhớ của nhiều người dân Việt Nam về hậu quả cơn bão Yagi để lại. Những hàng cây ngã ngang, gục đầu, trốc gốc; những ngôi nhà, ruộng lúa, bè cá tan hoang; những giọt nước mắt bất lực của đồng bào trong mưa dồn gió giật, lũ về cuồn cuộn, đất sạt lở, cầu sập… cứ như trận thủy chiến hờn ghen của thần núi thần sông trong truyền thuyết xưa.
Mạng xã hội tràn ngập những dòng trạng thái nguyện cầu bình an từ khắp nơi, những lời kêu cứu - nơi này đã ngập đến tầng 2, nơi kia đã bị cô lập, nơi khác có cha mẹ già và các cháu nhỏ đang đói, đang lạnh. Nước mắt tôi cứ chực trào ra.
Tôi đã lặng người nhìn bức ảnh người đàn bà trẻ, khuôn mặt đau khổ tột cùng, mếu máo vật vã bên bờ sông - nơi có cây cầu gãy. Chồng chị ở đâu trong dòng nước ngầu đục thăm thẳm cuồng nộ kia? Sáng nay họ đã kịp chào nhau chưa? Đã kịp nhìn hay nói với nhau câu nào chưa?
Những cung đường đó, những địa danh đó, những bản làng, triền núi, những nương ngô xanh ngắt, những quả bí trên giàn, những chú lợn bản đen trùi trũi quấn chân người… tôi đã đi qua, đã nhìn, đã vừa chạm tay vào vài tuần trước.
Những người con đã ra đi từ vùng đất mịt mùng gió bão và nước lũ đó, đêm nay, ngày mai họ sẽ trải qua những gì? Nỗi đau bất lực trước bàn tay chìa ra của người thân yêu mà mình không thể nắm còn kinh khủng hơn nhiều so với tưởng tượng của chúng ta.
Người Việt trọng gia đình. Dù ở đâu, làm gì, khó khăn thiếu thốn ra sao, cũng dành dụm dắt díu nhau trở về nhà. Đất quê dù có cằn cỗi, có nghèo khó cũng ít khi muốn rời đi, bất đắc dĩ mới phải tha hương.
Giọt nước mắt, mồ hôi đổ xuống nơi xứ người, ai nấy đều lặng lẽ lau khô, chắt chiu từng đồng gửi về xây cất cái nhà che gió che mưa cho mẹ già con dại, cho bữa ăn mẹ cha đầy đủ hơn, cho con trẻ đến trường…
Ai đã từng rời xa quê, xa nhà, xa cha mẹ sẽ hiểu, sẽ ít có nỗi khổ nào hơn nỗi khổ của người xa xứ. Nỗi thương ấu thơ, nhớ con đường đến trường, nhớ những bữa cơm chiều, nhớ tiếng mẹ. Càng rời xa, nỗi nhớ ấy càng lớn lên chứ chưa và sẽ chẳng bao giờ bé lại.
|
Người dân phường Quang Vinh, TP Thái Nguyên đang kẹt trong nhà do nước ngập sâu - Ảnh: VGP |
Tôi nghĩ, nếu như ở nơi tứ bề nước càng lúc càng dâng lên, mưa trên cao không ngớt đổ xuống đó, có anh em, cha mẹ già, có đứa con đứa cháu bé bỏng mà mình không về kịp, ở xa, mình sẽ ra sao? Nó cứ như cảm giác lúc khép cánh cửa phòng phẫu thuật, đẩy ba vào trong để mổ tim, lúc em gái sinh con khó, lúc con trai gây mê khâu vết thương do té ngã…
Tôi đã nghĩ không biết bao nhiêu lần, nếu có ai muốn, hãy lấy đi tất cả những gì tôi có, kể cả sinh mạng, đổi cho tôi những bình an sau cánh cửa kia. Những ngày qua, đã có bao nhiêu người con của vùng đất đang oằn mình kêu cứu xót lòng ấy, nghĩ như tôi trước cửa phòng bệnh ngày nào?
Mọi cuộc rời đi, buông tay ruột rà, xa cha mẹ anh em, bà con, góc phố, bến bãi thân thương, suy tận cùng cũng chỉ là mong tìm kiếm một cuộc sống khá hơn, có điều kiện hơn để học tập, mở mang hiểu biết.
Nhưng rốt cục, những trở gió tai ương thế này, không nắm được bàn tay nhăn nheo yếu ớt của cha mẹ già, không nắm được bàn tay non nớt của con trẻ, không bên cạnh họ lúc hoảng sợ đơn côi, sẽ để lại trong lòng người con xa xứ những khoảng trống gì?
Đời người, ai cũng có ít nhiều những tiếc nuối, những bỏ lỡ, những giá như. Nhưng nếu nỗi hối hận, tiếc nuối mang khuôn mặt cha mẹ già và hình hài trẻ thơ thì suốt đời sẽ là những vết thương mãi chẳng lành. Nó sẽ khiến chúng ta buồn thương day dứt mãi mãi.
Tôi hình dung ra nỗi lòng suốt mấy ngày qua của những người bạn tôi khi họ ở nước ngoài, ở miền Nam xa xôi hay ở nơi khác, khi trái tim hướng về vùng bão lũ. Nhìn bà con, anh em cha mẹ thấp thỏm hoảng loạn, tiếng kêu cứu vang trong đêm tối, lẫn trong tiếng mưa, tiếng nước lũ, tiếng sạt lở…
Xót xa biết mấy cho vừa? Từng giây từng phút dõi theo, thấp thỏm cập nhật tin tức, tìm kiếm sự giúp đỡ, run rẩy nguyện cầu…
Và kỳ diệu thay, cứ mỗi khi đất nước mình đối mặt với tai ương là đức cao thượng, lòng vị tha, niềm thương, sự biết ơn lại tràn khắp như ánh cầu vồng rạng rỡ. Người người chung tay, vô tư, đùm bọc, chia sẻ, không cần ai kêu ai nhắc, không cần ai kể tên ghi nhớ.
|
Huy động tối đa lực lượng hỗ trợ các hộ dân di dời người, tài sản đến khu vực an toàn (nguồn: Thông tin Chính phủ) |
Hôm qua, tôi đã xúc động đọc tin những người dân miền Trung ra Bắc trả nợ ân tình cho những mùa bão trước. Hôm nay, tôi đọc đi đọc lại câu: “Bão lũ nơi nào cũng đồng bào mình, xót thương quá”. Nửa đêm về sáng, Zalo cô bạn Hà Nội đăng: “5 giờ em lên với đồng bào Tây Bắc. Bạn bè, anh chị, ai góp thức ăn, đèn pin, áo ấm hay đi cùng thì ới em. Em không nhận tiền”. Những chỗ trú được chia sẻ, những chuyến xe 0 đồng chở áo phao, thuyền bè, thực phẩm đi ngay trong đêm…
Hai tiếng “đồng bào” của dân ta cứ sáng lòa trong tai ương, như ngọn đuốc chưa bao giờ và sẽ chẳng bao giờ tắt. Ngọn đuốc yêu thương, cứu giúp, đùm bọc, chở che sẽ luôn còn. Ngọn đuốc ấy còn là con người đất nước này sẽ còn. Tôi tin như thế.
Triệu Vẽ