1.
Cứ độ mươi bữa, nửa tháng trước ngày nước tràn đồng, đâu đâu trên khắp nẻo đường miền Tây cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh những chiếc xuồng gỗ được mang lên phơi giữa sân, dưới cái nắng rát da rát thịt. Có nhà, chiếc xuồng to chở được hơn chục người nhưng cũng có nhà chiếc xuồng bé tí, khoảng 3-4 người ngồi là vừa đủ.
Gần mùa lũ, xuồng được mang phơi gần cả tuần để nước bốc hơi hết. Những lớp rong rêu, những con hà bám dưới đáy xuồng được cạo sạch, trả lại lớp áo tinh tươm cho chúng.
Nhưng việc chính yếu là công đoạn sau khi làm sạch đáy xuồng. Những người thạo tay sẽ dùng dầu chai (được làm từ nhựa cây chai, thường dùng trong ngành đóng tàu, thuyền) để trét lại những lỗ hổng do mục rữa hoặc bị hà ăn mòn. Công việc này không cực nhưng cần tỉ mẩn và có kinh nghiệm để dầu chai dính đều, dính chặt lên gỗ. Sau khi nhựa chai khô, người ta sẽ tiếp tục phết lên một lớp sơn mới rồi phơi khô thêm vài ngày trước khi hạ thủy trở lại.
Dầu chai có mùi hăng nồng khá khó chịu, phải mất đến vài ngày để bốc hơi hết. Có lần, đứa em họ của tôi vì mải mê tìm chỗ ẩn nấp trong lòng xuồng, không may dầu chai dính lên tóc, bết thành một mảng lớn. Mẹ nó phải dùng kéo cắt luôn chỏm tóc đó. Thằng nhỏ mếu máo, còn chúng tôi được một trận cười no bụng.
Ngày mang xuồng lên phơi, nhà nào xuồng nhỏ thì cũng cần 3-4 người, còn xuồng to hơn cần 6-7 cho đến hơn chục người giúp sức mới khiêng nổi vì gỗ lâu ngày thấm nước nên rất nặng.
Mang xuồng lên xong, mấy gia đình ở kề nhau tụ họp lại, cùng ăn chung một bữa cơm ấm cúng, có khi là nồi cháo gà nóng hổi, khi là nồi cà ri vịt thơm phức, cũng có lúc là mâm cơm trắng ăn cùng cá kho, canh chua bình dị. Mấy ông cũng tranh thủ dịp này la cà vài ba ly mà không sợ các bà cằn nhằn. Có lẽ, cái tình của người dân quê bao giờ cũng mặn mà là vậy, bởi từ việc nhỏ đến việc lớn trong nhà, họ chẳng bao giờ phải một mình.
2.
Nhưng đó chỉ là chuyện của mười mấy năm về trước. Những hình ảnh tưởng như quen thuộc ấy, nay muốn tìm lại cũng không còn. Có lẽ, họ nhớ về quá khứ, không phải chỉ từ một việc làm có tên gọi cụ thể, mà chính ở cảm giác hạnh phúc, đầm ấm bên người thân, trong đó có người đã mãi mãi không gặp nữa.
Những năm sau này, rất ít nhà còn giữ nếp sinh hoạt trên vì nhiều điều thay đổi, trong đó có sự xuất hiện của những chiếc xuồng nhựa composite hiện đại.
Bức tranh mùa nước nổi ở miền Tây thường được biết đến với những chiếc xuồng màu nâu sẫm hay đen xám len lỏi vào dòng nước đỏ ngầu nay đã được thay thế bằng sắc xanh rực rỡ.
So ra, xuồng composite có nhiều ưu điểm so với xuồng gỗ truyền thống. Chúng khá nhẹ, chỉ bằng khoảng 50% trọng lượng xuồng gỗ. Sức của một người lớn có thể kéo, nâng một chiếc xuồng có sức chứa năm người. Mấy đứa con nít cũng có thể kéo xuồng đi băng băng trên mặt ruộng ngập nước lênh láng những ngày nước đổ. Loại vật liệu này cũng không bị ăn mòn, mục rữa, chỉ cần cọ hà và sơn chống hà định kỳ.
Đặc biệt, do được đổ từ khuôn đúc nên chúng không có các rãnh nối như xuồng gỗ truyền thống. Vì thế, người dân cũng không cần trét dầu chai, sửa chữa hằng năm như trước. Dù nhẹ hơn xuồng gỗ nhưng sức chứa vẫn tương đương. Chỉ hơn hai triệu đồng người dân đã có thể sở hữu một chiếc xuồng đời mới này.
Trên con rạch nhỏ, người đàn ông với nước da ngăm đen đang đưa mái dằm sang trái rồi lại về phải đẩy chiếc xuồng lướt băng băng trên mặt nước để lùa đàn vịt hàng trăm con về chuồng trong buổi chiều tà. Nếu như cũng với chiếc xuồng ấy nhưng bằng ván, có thể phải cần đến hai người chèo chống mới có thể đi nhanh như thế.
Với quá nhiều ưu điểm, xuồng composite được người dân miệt đồng ưa chuộng hơn hẳn là lẽ đương nhiên. Nhưng đôi khi thật khó để chấp nhận được sự thay đổi này, đặc biệt với những ai từng có một thời thơ ấu được nghe tiếng dằm gỗ vỗ vào mạn xuồng rồi khua nước tạo ra những âm thanh rất vui tai giữa những con rạch mát rượi.
Chiếc xuồng mới ra đời như góp phần tô đậm thêm cuộc sống ở miền quê đang thay đổi, trong đó ý thức gia đình đơn lẻ, chuyện nhà ai nấy lo đang ngày càng rõ nét. Hình ảnh vài ba gia đình hì hục giúp nhau khiêng xuồng lên phơi, rồi cùng chung vui bữa cơm bình dị nay chỉ còn trong hoài niệm, mà đôi lúc khiến người ta nuối tiếc ngẩn ngơ.
3.
Quê tôi chẳng phải vùng đóng ghe xuồng nổi tiếng như rạch Bà Đài (xã Long Hậu, Lai Vung, có tuổi đời hơn trăm năm, được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia) hay làng xuồng Mỹ Hiệp (H.Chợ Mới, tỉnh An Giang) nhưng cũng có những gia đình đã theo nghiệp này đến mấy chục năm, qua 3-4 thế hệ.
Trong ký ức còn sót lại, đó là những khu đất rất lớn nằm sát mé sông, chất đầy cây gỗ, ván xẻ cùng tiếng cưa máy cứ ì è cả ngày. Không khí lúc nào cũng nóng hầm hập. Những người thợ làm xuồng lúc nào mồ hôi cũng nhễ nhại, người dính đầy mạt cưa và làn da lúc nào cũng đen bóng vì rất ít ai chịu mặc áo. Họ thường có thói quen ăn nói rất lớn, vì sống trong môi trường đầy tiếng ồn quanh năm suốt tháng.
Để từ một thân cây gỗ cho ra một phương tiện di chuyển thành phẩm không phải dễ dàng mà rất nhiều công đoạn, vừa đòi hỏi người thợ có sức nhưng cũng cần sự tỉ mỉ, khéo léo trong việc định hình các chi tiết, đặc biệt trong khoản tạo độ cong của mui xuồng. Những người thợ học nghề này phải mất rất nhiều năm mới có thể thành thạo, còn đa phần đều theo cách nghề nối nghề từ bé.
Giờ thì các trại xuồng lần lượt đóng cửa. Nhìn về khoảng đất rộng từng là trại sản xuất ghe xuồng, nay làm trại bán cây tràm, ông Hùng bùi ngùi: “Gia đình tôi có ba đời làm nghề đóng xuồng ghe. Dẫu biết chuyện đóng cửa cũng là sớm muộn nhưng đôi lúc nghĩ cũng ngậm ngùi”.
Ngoài sự xuất hiện của những chiếc xuồng composite hiện đại, nghề đóng ghe xuồng mai một dần do nhiều nguyên nhân. Đường bộ phát triển khiến nhu cầu di chuyển bằng xuồng trở nên ít ỏi. Mấy năm gần đây, con nước cũng chẳng về khiến những chiếc xuồng không còn được chuộng.
Lớp trẻ miền quê hoặc đi làm công nhân hoặc học cao để tìm đường phát triển cho tương lai. Còn nghề đóng ghe xuồng quá nhiều nhọc nhằn mà tương lai vẫn là một dấu hỏi lớn. Ngay chính ông Hùng cũng ủng hộ con cái tìm một nghề nhàn hạ hơn, dẫu trong lòng ông, việc giữ nghề vẫn là một nỗi niềm khắc khoải.
Những chiếc xuồng ba lá vẫn ngược xuôi khắp các kênh rạch của miền Tây. Chúng có thể ít dần theo năm tháng, và được thay thế bởi những vật liệu tân tiến, nhưng hình ảnh con xuồng cong cong, lướt nhẹ trên mặt nước đỏ ngầu phù sa giữa mùa nước đổ vẫn là một hồi ức đẹp.
Thành Lâm