Ngôi trường - nơi thầy cô đều là mẹ đỡ đầu của trẻ mồ côi

29/08/2022 - 06:43

PNO - Trường phổ thông Dân tộc nội trú Phước Sơn (thị trấn Khâm Đức, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam) là nơi có hơn 50 học sinh mồ côi, trong đó có 7 em mồ côi cả cha lẫn mẹ. Và chính ở đây, thầy cô trở thành những người cha, người mẹ mới của các em.

Chúng tôi từng ghé ngôi trường miền núi vùng cao này vào năm 2020, khi mưa lũ đang hoành hành khắp huyện Phước Sơn. Ở đó, có những học sinh đang khóc sưng cả mắt vì hay tin cha mẹ của mình đã bị lũ cuốn mất tích. Trong trận lũ năm đó, nhiều học sinh trở thành trẻ mồ côi.

Không thể để các em, vốn đã bị thiệt thòi vì thiếu thốn tình cảm gia đình, nay có khả năng vuột mất cơ hội tiếp nhận con chữ, thầy cô đã quyết định nhận đỡ đầu các em, trích tiền lương của mình để chăm lo cho các em. Việc nhận nuôi các học sinh mồ côi cả cha lẫn mẹ xuất phát từ ý kiến của cô Phạm Thị Thứ - Hiệu trưởng nhà trường - rồi được toàn thể cán bộ, giáo viên ủng hộ.

Không chỉ dạy chữ, các thầy cô Trường phổ thông Dân tộc nội trú Phước Sơn còn là người mẹ, người bạn của các học sinh mồ côi
Không chỉ dạy chữ, các thầy cô Trường phổ thông Dân tộc nội trú Phước Sơn còn là người mẹ, người bạn của các học sinh mồ côi

“Các em còn quá nhỏ mà phải chịu mất mát lớn trong cuộc đời. Lúc này, các em cần được chăm sóc, an ủi, dìu bước. Chúng tôi xem các em như con mình, có chừng nào thì nuôi dạy chừng đó” - cô Phạm Thị Thứ tâm sự.

Cô giáo Hoàng Thị Quỳnh Ly - Tổ trưởng tổ Tư vấn tâm lý của trường này - nói: “Giai đoạn 14-15 tuổi trở đi là rất quan trọng trong việc hình thành tính cách cũng như nhận thức của mỗi người. Vì vậy, chúng tôi cố gắng đồng hành, chia sẻ với các em. Điều đáng mừng là các em đều rất ngoan”. 

Cứ mỗi năm, nhà trường rà soát, lập danh sách các học sinh mồ côi, sau đó đưa về trường nuôi nấng. Ban đầu, mỗi học sinh mồ côi đều có người đỡ đầu, thường là các giáo viên chủ nhiệm lớp. Về sau, do nhân sự ở trường có nhiều thay đổi nên tất cả cán bộ, giáo viên đều là người mẹ của học sinh. Cô Phạm Thị Thứ cho hay: “Giáo viên đóng góp ngày lương vào quỹ nuôi học sinh mồ côi. Số tiền đó được chi để lo việc ăn ở, mua sách vở, dụng cụ học tập, áo quần cho các em. Tuy tiền nong eo hẹp nhưng cả thầy lẫn trò đều gói ghém để sống được”.

Học sinh Hồ Văn Thận - đang học tiếng Đức ở Hà Nội để sang Đức du học - thường xuyên gọi điện thoại về cho các cô giáo đã từng nuôi nấng mình
Học sinh Hồ Văn Thận - đang học tiếng Đức ở Hà Nội để sang Đức du học - thường xuyên gọi điện thoại về cho các cô giáo đã từng nuôi nấng mình

Thực ra, mỗi học sinh mồ côi đều được Nhà nước hỗ trợ tiền ăn ở, sinh hoạt gần 1,5 triệu đồng/tháng. Nhưng các thầy cô giáo của trường để dành khoản này cho các em lúc ra trường. “Mỗi em được mở một tài khoản ở ngân hàng. Hằng tháng, khi nhận được tiền hỗ trợ thì gửi vào đó. Tiền ăn ở, sinh hoạt hiện tại do nhà trường lo. Khi tốt nghiệp, các em còn dư khoản tiết kiệm để đi học văn hóa tiếp, học nghề hoặc đầu tư cho công việc” - cô Đinh Thị Việt Hà - Phó hiệu trưởng nhà trường - thông tin.

Hiện tại, nhà trường vừa huy động mọi nguồn để chăm lo cho học sinh mồ côi, vừa cố gắng chắt chiu trong khả năng của thầy cô.  Tiền ăn của mỗi em chỉ hơn 30.000 đồng/ngày, chia làm ba bữa. Sách vở, áo quần và sinh hoạt phí đều được trích từ quỹ mồ côi của nhà trường. 

Giờ chơi của các em học sinh Trường phổ thông Dân tộc nội trú Phước Sơn
Giờ chơi của các em học sinh Trường phổ thông Dân tộc nội trú Phước Sơn

Mỗi năm, cộng đồng người Việt Nam ở Đức dành 3 suất học bổng cho học sinh mồ côi của trường để học tiếng Đức, sau này sẽ du học ở Đức. “Các em đều học khá và giỏi nhưng số suất học bổng thì có hạn. Tôi tin rằng, sau bậc phổ thông, nếu các em tiếp tục được cộng đồng hỗ trợ, tương lai của các em sẽ rất sáng sủa, tốt đẹp”, cô Phạm Thị Thứ tin tưởng. 

Nguyễn Dương

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI