Ngôi trường cứ mưa xuống lại ngập thành sông

04/10/2019 - 07:30

PNO - Sau những trận mưa to trong hai ngày 1 và 2/10, sân Trường THPT Trần Hữu Trang ngay trung tâm Q.5, TP.HCM biến thành sông. Học sinh lủ khủ dắt xe, lội nước ra về. Các cô giáo lướt thướt trong bộ áo dài ướt nhẹp…

Sau khi cùng giáo viên, lao công, bảo vệ hì hục lo thoát nước để học sinh ra về, cô Trần Nhiên Hạnh, Phó hiệu trưởng Trường THPT Trần Hữu Trang, đau đáu: “Trường lại ngập, thương học sinh phải lội nước, nhiều em xe bị ngập nước, đạp máy không nổ, phải đẩy đi trong dòng nước nặng trịch. Thương thầy cô áo dài, chân đất… giờ tan trường".

Hễ trời mưa thì trường… hứng “phù sa” từ chợ

Cơn mưa chiều biến sân trường thành dòng sông hứng hết “phù sa” ngoài chợ chảy vào. Cô Lê Th.H., giáo viên lớp 12A2, chia sẻ: “Mười năm gắn bó với trường, cứ trời mưa là thấy cảnh này, thương học trò và đồng nghiệp”. 

Hơn chục năm nay, sân Trường THPT Trần Hữu Trang không được nâng mà mặt đường cứ ngày càng cao; hệ thống thoát nước cũng không được sửa chữa, cải tạo nên chỉ cần trời mưa nhỏ kéo dài vài giờ là trường ngập. 

Trời mưa thì ngập nhưng ngày nắng, học sinh cũng không được chơi đùa hay tập thể dục trong sân. Do trường được xây từ khu đất hiến tặng nên nằm ngay sau Hội quán Quỳnh Phủ (di tích được xếp hạng cấp quốc gia), phía sau là đền thờ Hồi giáo, bên trái là Trường đại học Sư phạm Thể dục thể thao, bên phải là nhà dân và chợ Xã Tây. Thực chất trường không có sân riêng, mà chỉ có sân chung. Do đó, học sinh không có sân chơi cũng như không có sân học thể dục như trường khác. 

Ngoi truong cu mua xuong  lai ngap thanh song
Học sinh phải lội nước ra vào trường mỗi khi có trận mưa

Theo ông Võ Thiện Cang, hiệu trưởng nhà trường, trường ngập đã lâu, tuy nhiên việc sửa chữa có liên quan đến Hội quán Quỳnh Phủ, hội trưởng và nhiều hội phó là những chú bác lớn tuổi, 80-90 tuổi, lão thành cách mạng, Ban Dân tộc và là phần sân chung nên các chú bác không đồng ý cải tạo nâng nền vì sợ ngập bên trong. 

Còn nhớ, mùa mưa năm trước, trường này đã báo cáo tình hình lên quận và Sở GD-ĐT nhưng mùa mưa năm nay thì thầy và trò vẫn tiếp tục… lội nước. Tháng 10/2018, lãnh đạo trường này có báo cáo tình trạng lên UBND Q.5 xin xem xét hỗ trợ kinh phí sửa chữa. UBND Q.5 đã chuyển lên cấp quản lý trường là sở. Trường cũng xin kinh phí sửa chữa nâng cấp từ nguồn kinh phí không thường xuyên, tuy nhiên sở duyệt cho sửa chữa nhưng phải trích kinh phí từ nguồn kinh phí thường xuyên.

Ngoi truong cu mua xuong  lai ngap thanh song
Học sinh lội nước ra về

Theo ông Cang, nguồn này là kinh phí sử dụng mọi hoạt động thường xuyên của trường như trả lương, hoạt động giáo dục, thu nhập tăng thêm nếu tiết kiệm được cũng từ nguồn thường xuyên này. Nếu lấy để sửa chữa sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của trường và thu nhập tăng thêm của giáo viên. 

Mỗi năm, trường này được duyệt khoảng 4 tỷ đồng kinh phí cho hoạt động thường xuyên. Trong khi đó, dự toán cho các hạng mục sửa chữa cải tạo hệ thống thoát nước, nâng cấp sân trường chống ngập, sơn nước chống thấm mặt ngoài khu lớp học và văn phòng hơn 900 triệu đồng. Nếu lấy từ nguồn trên thì hoạt động thường xuyên, trả lương… sẽ bị hụt. 

Độc đạo lối vào trường

Những người dân xung quanh hay gọi vui Trường THPT Trần Hữu Trang là trường “một cửa”. Bởi muốn đi vào trường chỉ có một cổng duy nhất, đó cũng là cổng vào hội quán. Hằng ngày, gần 1.000 học sinh vẫn học trong ngôi trường cũ, xỉn màu, ngoại thất xuống cấp đến thiếu an toàn. Chưa kể, trường nằm lọt thỏm trong khu tôn giáo thờ cúng trang nghiêm nên lắm lúc người đi đường nếu không biết trước thì sẽ không nhận ra nơi đây là trường học. 

Ngoi truong cu mua xuong  lai ngap thanh song
Lối vào khu học tập rộng chỉ khoảng 1m

Ngôi trường này phải có tuổi thọ trên 70 năm, lúc đó hội quán hiến đất xây trường học, sau nhiều lần đổi tên, cải tạo từ thư viện, trường cấp I, rồi trường cấp II-III, cho đến năm 1988 thì Trường THPT Trần Hữu Trang ra đời. Từ đó đến nay chưa có sửa chữa nào đáng kể. 

Trường có kết cấu theo chữ L, gồm một dãy năm tầng dùng làm khu lớp học và một dãy hai tầng làm khu văn phòng. Để vào hai khu này cũng chỉ có một lối nhỏ duy nhất rộng chừng 1m ngang, hai người đi cùng lúc phải né nhau. Đó là chưa kể, từ cầu thang thoát hiểm cho đến cửa thoát hiểm được xây từ rất lâu đã gỉ sét, xuống cấp, nếu xảy ra sự cố rất khó thoát. Thử đi qua lối thoát hiểm này mới thấy nó chỉ có giá trị… hình thức bởi đã quá cũ, không thể làm tốt chức năng giải hiểm cho hàng ngàn con người khi có sự cố.

Bởi vậy, điều thầy trò trường này lo lắng đâu chỉ là đối phó với mấy trận ngập sau mưa mà còn là sự an toàn của hơn 1.000 con người ngày ngày học tập, giảng dạy và sinh hoạt nơi đây. 

Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI