Ngôi trường cho các “cô dâu 8 tuổi”

25/01/2016 - 07:37

PNO - Viện Veerni, cơ sở giáo dục độc nhất vô nhị ở Ấn Độ, nơi các cô dâu trẻ con có thể trì hoãn kết hôn và tiếp tục việc học.

Ngôi trường đặc biệt này rất kén học viên, năm ngoái, trường chỉ còn bảy chỉ tiêu nhưng có 209 đơn xin học. Viện Veerni là ngôi nhà an toàn cho các cô dâu trẻ con, khi Ấn Độ có khoảng 240 triệu cô dâu tảo hôn - chiếm một phần ba số cô dâu “nhí” trên toàn cầu, theo số liệu Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF).

Nhiều bé gái Ấn Độ bị gả bán trước tuổi kết hôn hợp pháp (18 tuổi), không ít bé gái “ván đã đóng thuyền” khi mới 9-10 tuổi, mặc dù các em sẽ về nhà chồng khi 15 hay 16 tuổi. Trong suốt thời gian chờ lấy chồng, tuy sống cùng cha mẹ, hầu hết đều không được đi học.

Mahendra Sharma, Giám đốc Viện Veerni, phát hiện “lỗ hổng” này, đó là sự thiếu hụt bậc trung học đối với phụ nữ trẻ đã kết hôn. Ông nói: “Chúng tôi tin chắc, điều quan trọng hàng đầu đối với các cô gái là hoàn thành giáo dục trung học (lớp 12)”.

Ngoi truong cho cac “co dau 8 tuoi”
Gương mặt trong sáng của các cô dâu trẻ con trong trường Veerni - Ảnh: COURTESY VEERNI INSTITUTE

Viện Veerni được thành lập năm 2005 như một trường nội trú, tạo chỗ ăn ở, học tập, đào tạo kỹ năng sử dụng máy tính, chơi thể thao và cả chăm sóc sức khỏe cho các cô dâu “nhí”. Chi phí hàng năm cho mỗi cô gái học tập ở đây là 1.560 USD nhưng hoàn toàn miễn phí nhờ các nhà hảo tâm.

Ngôi trường tọa lạc tại Jodhpur, thành phố trong sa mạc của bang Rajasthan, cách New Delhi 600km về phía Tây. Năm học đầu tiên, trường chỉ nhận được 30 đơn xin học, không hoàn thành mục tiêu tuyển 60 học sinh.

Sau khi mời phụ huynh thăm trường, năm thứ hai, trường tuyển sinh 70 em. Năm cao điểm nhất, trường bị “quá tải” với 100 nữ sinh. Đến nay, hơn 100 nữ sinh đã hoàn tất bậc trung học tại trường, trong đó hai phần ba tiếp tục học lên cao hơn.

Ông Sharma bắt đầu triển khai dự án Veerni từ năm 2001. Ông cùng đồng nghiệp rong ruổi, chăm sóc y tế cho các bé gái tại hơn 40 làng trong địa phương, dạy may vá và làm nghề thủ công như một phương tiện giúp các em kiếm sống.

Khi dự án Veerni mở lớp học ở làng, họ gặp phải sự chống đối. Người ta ném đá vào xe của nhóm, họ mất nhiều thời gian (cùng sự giúp đỡ của các phụ nữ lớn tuổi trong cộng đồng) thuyết phục các gia đình cho con gái đi học. Ban đầu, đàn ông trong làng không chấp thuận con gái họ học nội trú, thế là nhóm kiên trì thuyết phục cho đến lúc các ông bố “cứng đầu” cho phép con gái gói ghém hành lý đến trường.

Ngoi truong cho cac “co dau 8 tuoi”
Ngôi trường này giú p các cô dâu tảo hôn trì hoãn việc kết hôn và tiếp tục học hết bậc trung học - Ảnh: TAKEPART.COM

Nhiều học sinh tận dụng tốt kiến thức ở Viện Veerni làm đòn bẩy tìm đến cuộc sống mới, như Shoba. Khi mới chín tuổi, Shoba được gả cho cậu bé cùng làng. Sau khi tốt nghiệp Viện Veerni, cô về nhà chồng. Người chồng là một thanh niên rượu chè và vũ phu.

Bị chồng đánh đập, cô báo với cảnh sát địa phương, nhưng cảnh sát không xử lý kẻ bạo hành mà “phối hợp” với cha mẹ cô thuyết phục con gái chịu đựng cuộc hôn nhân cưỡng ép này. Được thể, người chồng càng đối xử với Shoba thậm tệ, nên cô nộp đơn ly hôn. Một năm sau, cô được tự do. Nay Shoba đã tốt nghiệp cử nhân và tiếp tục việc học. Cô muốn học xong thạc sĩ để trở thành một giáo viên.

Trường hợp của Shoba không phải duy nhất, khi phụ nữ nông thôn ngày càng thể hiện rõ sự thay đổi về nhận thức, biết tự bảo vệ. Không phải ngẫu nhiên tên trường là Veerni, có nghĩa “người phụ nữ dũng cảm”, vì muốn đào tạo những người can đảm vươn lên, đối diện với cuộc sống tảo hôn phũ phàng. Bước ngoặt trong nhận thức của phụ huynh là lúc họ thấy rõ giá trị của việc con gái được học hành.

“Phụ huynh thậm chí còn mong muốn hủy bỏ cuộc hôn nhân sắp đặt, vì họ nhận ra con gái mình nay có thể tạo nên sự nghiệp và đem đến nguồn thu nhập ổn định cho gia đình”, ông Mahendra Sharma nói. Một cô gái tốt nghiệp Viện Veerni có thể trở thành nhân viên y tế cộng đồng, nữ cảnh sát hoặc nhân viên ngân hàng. Nếu được đào tạo thêm hai-ba năm sau khi tốt nghiệp, họ còn tìm được việc làm có thu nhập tốt như giáo viên, y tá.

Vân Hà (Theo TakePart.com, Girls Not Brides, Reuters, Times of India)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI