Ngòi nổ từ “trùm ve chai”

30/05/2024 - 08:55

PNO - Những vật dụng bình thường trong nhà lắm khi lại là nguồn cơn của bao tiếng bấc tiếng chì giữa vợ và chồng, thậm chí còn gây ra “nội chiến” dai dẳng hết năm này qua năm khác.

"Nội chiến" vì... ve chai

Chia sẻ với chuyên viên tâm lý, anh Minh Tân - 47 tuổi, ở quận Bình Thạnh, TPHCM - than “ngộp thở” với lượng đồ đạc khủng khiếp trong nhà mình, đặc biệt là 4 “kho” quần áo và phụ kiện của vợ con. Theo lời anh, “kho mẹ” có đến hơn 300 món, còn mỗi “kho con” cũng có đến cả trăm món; các tủ chứa không hết nên quần áo giăng mắc tứ tung.

Vợ anh là “trùm” mua đồ giảm giá qua mạng. Mà đâu chỉ mua từng món, nếu gặp đồ rẻ, chị nhà còn mua hẳn mấy cái “để dành xài”. Chị mua quần áo, phụ kiện, đồ trang trí nhà, thiết bị công nghệ, đồ bếp… Chẳng mấy chốc, căn hộ chung cư hơn 100m2 trở nên chật ních, nhìn đâu cũng thấy ngập đồ đạc.

Ảnh minh họa bằng AI
Ảnh minh họa bằng AI

“Mua giảm giá cũng tốt, nhưng đâu cần nhiều như vậy” - anh Tân bức xúc. Ngoài mua sắm, hễ thấy trên nhóm Zalo chung cư có ai cho đồ cũ là chị nhà lại tha về. “Đầu vào” thuận lợi là vậy nhưng “đầu ra” lại cực kỳ khó khăn, bất cứ vật gì muốn ra khỏi nhà đều phải “bước qua xác” của chị ấy. Góp ý hoài không được, anh bèn lén đem bỏ bớt một số thứ hư hỏng và ít xài, chị nhà biết được, vậy là “nội chiến”.

Một đôi khác ở quận 4 (TPHCM) cũng thường hục hặc chỉ vì anh nhà cứ giữ lại mọi thứ, ngay cả khi chúng đã hư bể, không còn xài được, không sửa chữa được. Từ ly tách, chén tô, muỗng nĩa… cho tới dây điện, dây cáp, máy giặt… Chưa hết, hễ thấy ai thải ra thứ gì anh cũng mang về nhà: quạt máy, điện thoại, ghế nằm… “Nhìn đống đồ ve chai của ổng là muốn nổi điên” - cô vợ hậm hực.

Thực ra, tình cảnh như 2 gia đình trên không hiếm gặp. Ước tính có 2 - 6% dân số mắc phải rối loạn tích trữ (hoarding disorder) và gấp nhiều hơn số đó là những người có triệu chứng nhưng chưa đủ chuẩn bệnh lý. Ở họ có 2 biểu hiện chính: tích trữ đồ đạc (thậm chí vật nuôi) một cách quá mức, bất kể giá trị thực tế của chúng; cảm thấy “khó ở” dai dẳng khi quyết định loại bỏ chúng.

Cũng giống như nhiều rối loạn tâm lý khác, rối loạn tích trữ có thể là kết quả tác động đan xen của nhiều nhóm yếu tố phức tạp như di truyền, môi trường tự nhiên, môi trường văn hóa - xã hội… Hành vi này cũng có thể được hình thành và củng cố từ hoàn cảnh sống thiếu trước hụt sau nên thấy thứ gì cũng quý, học theo các khuôn mẫu tích trữ đồ đạc từ ông bà cha mẹ…

Do đồ đạc dễ vào, khó ra nên không gian sống của “trùm ve chai” luôn chật chội, ngột ngạt, thiếu an toàn, vệ sinh kém nên dễ mắc bệnh, giảm hiệu suất làm việc… Họ mất nhiều thời gian tìm kiếm khi cần vật gì đó và lắm khi phải mua gấp nên lãng phí tiền bạc. Họ cũng trở thành “chiếc gương mờ” trong giáo dục con cái. Nhưng nghiêm trọng hơn là nguy cơ xung đột nội bộ gia đình, cơ quan khi các thành viên khác chịu hết nổi không gian sống bừa bộn như thế.

Ảnh mang tính minh họa - Beo.ai
Ảnh mang tính minh họa - Beo.ai

1 tên trúng 2 đích

Một “trùm ve chai” chỉ có thể bắt đầu thay đổi hành vi khi bản thân nhận ra tác hại của nó. Điều này có thể nhờ khoảnh khắc suy nghĩ “bừng sáng” nào đó trong quá trình sống và hoạt động hoặc sự tỉnh ngộ khi trải nghiệm hậu quả tệ hại nào đó như tìm mãi không ra giấy tờ quan trọng hay món đồ giá trị cao giữa mớ hỗn độn ve chai, người yêu quyết định chia tay khi đến nhà chứng kiến cảnh sống bừa bộn…

Ngoài “tự chữa”, họ có thể tìm kiếm sự trợ giúp từ các nhà chuyên môn tâm lý và người thân. Lưu ý, khi hỗ trợ người thân, ta cần tránh chỉ trích hoặc thể hiện cảm xúc khó chịu với chuyện tích trữ “ve chai”, cũng đừng tự ý vứt bỏ “tài sản” của họ để tránh gây xung đột. Chỉ khi về cùng phe với nhau, ta mới có thể bắt đầu tác động lên họ.

Vậy ta có thể làm gì khi bạn đời là “trùm ve chai”? Nếu nhận định bệnh tình có vẻ nghiêm trọng, ta cần động viên bạn đời đến gặp chuyên viên tâm lý. Cho dù “bệnh tình” ở thể nặng (đòi hỏi sự trợ giúp của nhà chuyên môn) hoặc thể nhẹ thì sự hỗ trợ từ phía bạn đời luôn cần thiết, thậm chí vô cùng quan trọng, để nhanh chóng hồi phục. Ta có 2 mục tiêu rất rõ ràng: giúp bạn đời nhận ra tác hại của việc tích trữ đồ đạc một cách không kiểm soát, tăng năng lực ra những quyết định chất lượng.

Với mục tiêu sau, ta có thể giúp bằng cách tạo điều kiện cho bạn đời thực hành ra quyết định nhiều hơn rồi trải nghiệm hậu quả và rút ra kinh nghiệm. Cần chủ động bàn bạc, trao đổi cặn kẽ với bạn đời về mọi việc trong cuộc sống chung. Thậm chí cả những việc tưởng chừng phải do chính ta quyết định, chẳng hạn như các mục tiêu cá nhân của mình, ta cũng đem ra cùng bàn bạc và “nhờ” bạn đời “chốt giùm”. Bằng cách đó, hy vọng dần dà “trùm ve chai” có thể quyết định mọi việc hợp lý hơn, kể cả xử lý mớ ve chai hỗn độn trong nhà.

Với mục tiêu đầu, ta có thể chủ động khởi xướng các hoạt động chung trong gia đình như học tập, thể thao, vui chơi giải trí… đặc biệt là cùng nhau dọn dẹp nhà cửa định kỳ và theo sự kiện (sinh nhật, lễ, tết…). Trong quá trình dọn dẹp nhà cửa sẽ xuất hiện những bài toán (sắp xếp đồ đạc sao cho gọn gàng, vật nào nên giữ lại, xử lý vật hư hỏng thế nào…) mà nếu giải được chúng cũng có thể giúp bạn đời dần nhận ra vấn đề. Chính kết quả thu được, thể hiện qua chất lượng không gian sống tốt hơn và bầu không khí gia đình ấm áp hơn, sẽ thôi thúc thay đổi hành vi nơi người ấy.

Dĩ nhiên, trong quá trình đó ta cần đồng hành, hỗ trợ, ghi nhận, tỏ ra thán phục những quyết định chất lượng cũng như hiệu quả tổ chức cuộc sống gia đình. Không chỉ vậy, ta còn có thể khởi xướng những hoạt động gia đình hướng ra bên ngoài, đến với những mảnh đời yếu thế hơn, để bạn đời của ta ngày càng sống chia sẻ hơn với cộng đồng thay vì khư khư tích trữ vật chất cho riêng mình. Cùng với đó, ta còn có thể khởi xướng thực hành lối sống xanh và tối giản trong gia đình. Có thể nói, quá trình kéo người bạn đời ra khỏi vị thế “trùm ve chai” cũng là hành trình xây dựng nếp nhà đầm ấm.

Chuyên viên tâm lý Huỳnh Thanh Bình

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI