PNO - “Trong gian khó, chỉ cần một bàn tay chìa ra giúp đỡ, người ta sẽ có đủ nghị lực, tự tin đứng lên” - Đinh Ngọc Tài đúc kết. Từng có tuổi thơ khó nhọc với những tháng ngày vật vạ ngoài đường, được Thảo Đàn hỗ trợ kịp thời, Ngọc Tài đã phấn đấu học tập, đậu 10 trường đại học.
Đinh Ngọc Tài - 20 tuổi, sinh viên năm thứ hai Trường đại học Sài Gòn - hiện sống trong căn phòng trọ chừng 3m2 nằm lơ lửng trong căn nhà bên hông chợ Cầu Muối, quận 1, TPHCM. Nhà có nhiều người thuê trọ nên mọi ngõ ngách của căn nhà đều được tận dụng làm chỗ ngủ và mỗi phòng chỉ có chiều cao chưa đầy 1m. Khi Tài mới chào đời, mẹ Tài bỏ đi, Tài lớn lên ở đó với ông bà ngoại. Ngày ngày, Tài nằm dưới gầm chiếc xe đẩy bán trái cây dạo của bà ngoại, chịu tiếng chửi bới và những trận đòn của ông ngoại.
Đinh Ngọc Tài cho biết, sau bao vấp ngã, chán chường, em hiểu được giá trị của hai chữ “hạnh phúc” và “thành công”
“Chắc chưa có cơ cực nào của một đứa trẻ đường phố mà em chưa trải qua. Chạy trốn giang hồ, bị người lạ dụ dỗ làm những điều bất chính, học hành thì bữa đực bữa cái” - Tài kể. Trong những tháng ngày vạ vật ngoài đường, Tài được một nhóm người đến làm quen, hỏi han chuyện học hành. Họ rủ Tài tham gia các chương trình dạy kỹ năng sống như tự bảo vệ trước cám dỗ, tự sơ cứu khi bị thương. Thỉnh thoảng, họ còn xin phép ông bà ngoại, đưa Tài đến các khu vui chơi. Họ, là những người làm công tác xã hội của cơ sở Bảo trợ xã hội Thảo Đàn, đóng tại quận 3, TPHCM, gọi tắt là Thảo Đàn.
Tài ham chơi, thi trượt tốt nghiệp trung học cơ sở, xác định sẽ nghỉ học. Mấy hôm sau, các anh chị ở Thảo Đàn biết chuyện, đến nhà động viên, thuyết phục bà ngoại rút học bạ để họ làm thủ tục chuyển Tài sang học ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận 3. Họ đặt câu hỏi “nếu không tiếp tục học, em sẽ làm gì ngoài long nhong đầu đường xó chợ” khiến Tài bừng tỉnh. Năm đó, dưới sự kèm cặp của các nhân viên Thảo Đàn, Tài trở thành một trong ba học viên giỏi nhất khối lớp 10 của Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận 3. Tài đã quyết định thi vào lớp 10 của trường công lập.
Nhờ sự hỗ trợ của Thảo Đàn, Tài hoàn thành chương trình trung học phổ thông. Nhưng trong năm cuối cấp, bà ngoại đau bệnh, không còn kiếm ra tiền, Tài lại có ý muốn nghỉ học. Suy nghĩ về tương lai và hoàn cảnh gia đình hiện tại khiến Tài mất ngủ, đau đầu và hay mê sảng. Bệnh viện Tâm thần TPHCM chẩn đoán Tài mắc chứng tâm thần phân liệt thể thanh xuân. Chuyên gia tâm lý và hướng nghiệp của Thảo Đàn đã tư vấn, định hướng cho Tài, hứa sẽ tặng học bổng nếu Tài kiên trì theo đuổi việc học.
Thông qua xét tuyển, Tài đậu 10 trường đại học và chọn ngành văn hóa - du lịch, Trường đại học Sài Gòn. Trong một cuộc thi mới đây do nhà trường tổ chức, Tài nhận được danh hiệu “đại sứ truyền cảm hứng” với câu chuyện đời của mình. “Trong câu chuyện đó, em muốn gửi lời cảm ơn đến những bàn tay chìa ra đúng lúc và sự kiên trì của Thảo Đàn. Không chỉ giúp đỡ em mọi mặt trong cuộc sống, họ còn giúp em trưởng thành về nhận thức. Đó là không đổ lỗi hoàn cảnh, không được gục ngã khi mình chưa cố gắng. Em hạnh phúc vì có được hôm nay, dù tương lai hay sự thành công vẫn còn dài phía trước” - Tài đúc kết.
Ở Thảo Đàn, có rất nhiều hoàn cảnh như Đinh Ngọc Tài. Trần Thu Trang - 19 tuổi, sinh viên năm thứ nhất ngành báo chí, Trường cao đẳng Phát thanh Truyền hình II - từng nhiều năm ăn cơm, sống, học tập ở Thảo Đàn. Kim Nguyên - quản lý bếp của một nhà hàng ở TP.Thủ Đức - cũng từng phải nghỉ học vào năm 14 tuổi. Hoàn cảnh sống khiến Nguyên dần ít nói, khép kín với chung quanh. Nguyên đam mê làm bánh nhưng phải ở nhà giữ hai đứa em do gia đình không kham nổi tiền gửi nhà trẻ. Thảo Đàn đã điều đình để cha Nguyên ở nhà trông con nhỏ, còn Nguyên đi học làm bánh ở khách sạn năm sao bằng tiền do Thảo Đàn hỗ trợ.
Bà Lê Thị Ngân - Giám đốc Thảo Đàn - nhớ lại: “Tháng đầu đi làm, Nguyên mang 3 triệu đồng tiền lương về, mẹ em gọi điện cho chúng tôi, khoe rằng với khoản tiền đó, họ có cái tết ấm áp, đủ đầy”.
Giúp trẻ tự tin vào đời
Ông Nguyễn Văn Tính - Phó Trưởng phòng Bảo vệ Chăm sóc trẻ em, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM - nhớ lại: “Những năm 1990, TPHCM bắt đầu thành lập các khu chế xuất, khu công nghiệp, kéo theo một lượng lớn người lao động từ các tỉnh, thành khác đến mưu sinh, lập nghiệp. Số trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, lang thang đường phố, làm nghề đánh giày, bán vé số, lượm ve chai, ăn xin… có lúc hơn 100.000 em, đặt ra vấn đề quản lý, định hướng và bảo vệ để số trẻ này không bị rơi vào tệ nạn xã hội”.
Bà Lê Thị Ngân - Giám đốc cơ sở Bảo trợ xã hội Thảo Đàn - vui chơi với các bé đang được cơ sở này bảo trợ
Cũng theo ông Nguyễn Văn Tính, thời điểm đó, một nhóm thanh niên tình nguyện đã len lỏi khắp đường phố, công viên, gầm cầu để tiếp cận, hỗ trợ, giúp các em có giấy tờ tùy thân, đưa các em đến vui chơi, sinh hoạt tại Thảo Cầm Viên và Công viên Văn hóa Tao Đàn. Từ hoạt động mang tính phong trào, cơ sở Bảo trợ xã hội Thảo Đàn đã ra đời, từng bước chuẩn hóa đội ngũ, cơ sở để phục vụ cho mục đích đồng hành với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Ngày 9/7, Thảo Đàn kỷ niệm 30 năm thành lập. Là một trong số những người đầu tiên tham gia thành lập cơ sở, ông Trần Công Bình - chuyên gia bảo vệ trẻ em, Phó chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục TPHCM - cho hay đã có hàng chục ngàn trẻ em có hoàn cảnh khó khăn nhận được sự trợ giúp của Thảo Đàn, từ đó trưởng thành, có nghề nghiệp ổn định. Còn theo bà Lê Thị Ngân, phần lớn các em khi có việc làm, thu nhập, đều quay lại hỗ trợ Thảo Đàn, để Thảo Đàn tiếp tục tiếp sức cho các thế hệ trẻ em kém may mắn.
Nghệ sĩ ưu tú Quốc Thảo cho biết, ông chứng kiến quá trình trưởng thành của Thảo Đàn. Điều khiến ông ấn tượng là không chỉ hỗ trợ miếng ăn tức thì, mà thông qua trợ giúp việc học chữ, học nghề, Thảo Đàn còn bền bỉ giúp cho các em có được “cần câu”, tự tin bước vào cuộc sống.
Nhân kỷ niệm 30 năm thành lập Thảo Đàn, nghệ sĩ Quốc Thảo đã trao tặng 10 suất học bổng trị giá 180 triệu đồng cho các em ở đây. “Tôi nhớ về những tháng năm rất khó khăn của mình, đi học mà bụng đói, tay đen sì vì chặng đường hơn mười cây số cứ đánh vật với chiếc xe đạp liên tục tuột xích. Bao lần chán nản, tôi muốn nghỉ học. Nhưng những lúc đó, tôi được cô giáo động viên, tế nhị kêu sang nhà ăn cơm hoặc cho cái bánh. Bấy nhiêu thôi mà khiến tôi có thêm động lực vươn lên” - nghệ sĩ Quốc Thảo nói về ý nghĩa, giá trị của sự đồng hành mà mình nhận được.
Nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội trong tình hình mới, Thảo Đàn hướng đến thành lập mô hình mới là “Ngôi nhà thứ ba”. Tại đây, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt sẽ được kết nối sâu sát hơn với các nhân viên xã hội chuyên nghiệp để được định hướng nghề nghiệp, tương lai. “Ngôi nhà thứ ba” là sáng kiến tiếp nối các mô hình “Ngôi nhà huynh đệ” (đào tạo nghề và kết nối cơ hội làm việc cho trẻ trên 16 tuổi), “Ngôi nhà an toàn” (giúp nhóm trẻ từ 6-16 tuổi có chỗ ở an toàn để theo đuổi việc học tập) “Ngôi nhà hy vọng” (giúp trẻ em đường phố có HIV/AIDS), “Ngôi nhà bán trú” (giúp chỗ ăn ở an toàn cho con em những người buôn gánh bán bưng).
Được biết, TPHCM hiện có hơn 2.500 trẻ được chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội; hơn 11.000 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt và hơn 17.000 trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt đang sống tại cộng đồng.
Báo Phụ nữ TPHCM, ngân hàng BIDV phối hợp với Đảng ủy - UBND - UB MTTQ Việt Nam phường Nguyễn Thái Bình (quận 1) trao quà tết cho các hoàn cảnh khó khăn.