edf40wrjww2tblPage:Content
Trong ý nghĩ của họ, đó là ngôi nhà của người bệnh tật ốm đau, là nơi người ta tổ chức trị bệnh cứu người bằng tình thương đồng loại, bằng sự hiểu biết y học và sự chia sẻ nỗi đau với người đang bị bệnh tật giày vò. Ở ngôi nhà đó, người ta, trong cơn đau đớn, trông mong vào bác sĩ (BS), vào điều dưỡng viên, vào những người tuy không thân thích ruột rà nhưng không quản ngại vết thương hay tật bệnh, máu mủ, dịch, mùi, lời rên la than vãn… để cứu người. Ít ra, đời người ai cũng hơn một lần vô ra ngôi nhà đó.
Bởi vậy, khi nghe BV sẽ tăng viện phí, phản ứng tức thời đầu tiên của người dân là lo lắng, là phản đối: đã ốm đau, phải vô BV, trăm mối lo nay lại thêm mối lo tiền bạc tăng, phí tổn đủ bề. Đại diện Vụ Kế hoạch tài chính - Bộ Y tế cho biết “Ước tính viện phí sẽ tăng khoảng 30% nếu tính thêm chi phí tiền lương”.
Việc trong viện phí có tính lương của BS cũng gây ra cái gì đó ngờ ngợ trong lòng người, vì xưa nay người ta đã sẵn mối dị ứng phải dùng tiền lót nhân viên y tế để được ưu tiên. Nhiều phản ứng tiêu cực, dư luận nghi ngờ, sự thận trọng của một số quan chức ngành y tế, và cả những giải thích rất vắn tắt, khó hiểu về chính sách khiến người dân chưa thể chia sẻ được với việc tăng viện phí này.
Thực ra, mô hình BV hoạt động - quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) thanh toán, hoặc người bệnh chi trả là mô hình đã trở nên thông dụng ở nhiều nước trên thế giới. Với những người có hoàn cảnh khó khăn, Nhà nước mua BHYT. Ngân sách của Nhà nước tập trung hơn cho lĩnh vực y tế dự phòng, với những chương trình phòng chống bệnh tật, truyền thông sức khỏe. Các BV sẽ không còn tình trạng hai giá: “giá BHYT”, “giá dịch vụ” nữa.
Đối với trường hợp người bệnh tự chi trả thì chắc chắn người bệnh sẽ chọn dịch vụ y tế phù hợp về chất lượng và giá cả. Còn đối với người dân có thẻ BHYT, họ có thể chọn BV nào có chất lượng điều trị tốt, có đội ngũ y BS đáng tin cậy. Ngân sách hoạt động của BV phụ thuộc vào việc thu hút được đông người khám chữa bệnh, số thẻ đông quỹ BHYT sẽ rót về nhiều. Số thẻ ít, quỹ sẽ rót về ít.
Nguyên tắc là vậy, nhưng để thực hiện cần một yếu tố cơ bản: sự minh bạch trong chất lượng dịch vụ y tế. Đây là điều mà các BV cần phải thay đổi, còn phải phấn đấu rất nhiều. Vốn là một môi trường chăm sóc sức khỏe đặc thù, khi đã bước chân vào BV, người ta chỉ biết trao gửi tất cả niềm tin vào BS.
Vậy cái cơ sở của niềm tin ấy không phải cứ tới lúc có chuyện xảy ra thì mới trưng ra, Niềm tin ấy phải được xây dựng từ khi người ta còn chưa bị bệnh, người ta còn minh mẫn, còn đủ bình tĩnh để nhận xét, so sánh, phân tích. Nghe có vẻ nghịch lý: BV cần xây dựng niềm tin đối với cộng đồng người khỏe mạnh, nhưng đây là điều cần thiết vô cùng, để ngay lúc đau đớn bệnh tật hoặc tai nạn cấp kỳ, người ta biết ngay đâu là nơi cần đến. Không thể cứ bắt bệnh nhân đến BV theo tuyến, theo điểm, theo phân hạng thẻ BHYT, hay theo cái gì đó khác. Chỉ có một thứ để thu hút bệnh nhân đến với BS, với cơ sở khám chữa bệnh, đó là niềm tin rằng đến đây mình sẽ được chữa lành.
Bất kỳ một chính sách nào mới được ban hành cũng sẽ ảnh hưởng đến nhóm này hoặc nhóm kia trong xã hội. Sẽ có người phản đối cũng như sẽ luôn luôn có người tán thành. Trong thực tế, cũng đã có nhiều dịch vụ công, vốn trước được bao cấp toàn phần hay từng phần, khi chuyển sang định hướng kinh tế thị trường đã bị phản đối, nhưng rồi đã chứng minh được cái lý mà nó tồn tại.
Cần nhìn nhận rằng, khi chuyển viện phí, học phí sang thực hiện theo cơ chế giá, quy định rằng viện phí và học phí sẽ thuộc nhóm các hoạt động dịch vụ do Nhà nước định giá, các nhà làm chính sách đã mạnh tay, các BV phải đương đầu với tình trạng nhân viên y tế chỉ thích làm ở khu vực dịch vụ vì lợi ích kinh tế cao, trong khi nhóm bệnh nhân có thẻ BHYT bị coi như ở hạng thứ cấp, phải xếp hàng, phải chấp nhận thuốc trong danh mục và nhiều thiệt thòi khác.
Vấn đề còn lại là chất lượng của chính dịch vụ BHYT. Khi đã coi BHYT là nguồn gốc ngân sách hoạt động, là cán cân điều tiết, là một trong những thước đo chất lượng và có thể là nhiều thứ khác nữa của BV, người ta có quyền đòi hỏi dịch vụ BHYT phải ở mức chất lượng cao hơn. Bước đầu, các quan chức của ngành khẳng định khi tăng viện phí theo cơ chế mới, BV cũng có điều kiện triển khai nhiều dịch vụ kỹ thuật mà trước đây không làm, nhất là kỹ thuật mới, kỹ thuật cao.
Nhưng có lẽ, phải quan tâm nhiều hơn đến các hoạt động khám chữa bệnh cơ bản, ví dụ danh mục thuốc BHYT hiện vẫn quá nghèo nàn, thậm chí nhiều mặt hàng thuốc bị chính các BS chê là chất lượng kém, làm ảnh hưởng đến phác đồ điều trị. Không phải ai, bệnh nào cũng cần kỹ thuật mới, kỹ thuật cao, điều trước tiên người bệnh cần là chữa bệnh mau lành - điều không chỉ phụ thuộc vào BS mà còn phụ thuộc vào chất lượng thuốc men.
Người ta đang trông mong những thay đổi mang tính hệ thống sẽ đến khi ngành y chuyển mình theo cơ chế mới. Có thể người ta chấp nhận giá viện phí sẽ tăng, nhưng đòi hỏi chất lượng khám chữa bệnh của cơ sở y tế cũng phải tăng. Đó mới là cơ chế tài chính mạnh mẽ cho ngành y tế phát triển.
MẠNH HẢI