Việc nhẹ lương cao
Tranh thủ giờ nghỉ trưa ở công ty, Nguyễn Thị Thùy Trang (ngụ Q.Bình Thạnh) lướt vào gian hàng bán đồ cũ trên facebook của mình, xem có bao nhiêu sản phẩm được bán ra trong buổi sáng. Vừa nhắn tin trực tuyến với khách, vừa gọi điện thông báo nhân viên làm tại nhà riêng đón hai khách đến ký gửi hàng. Trang cho hay nghề “tay trái” nhận ký gửi đồ cũ này đã làm được hai năm.
“Do công việc ở công ty cũng khá nhàn nên tôi kiếm gì để buôn bán thêm, ngặt nỗi không có nhiều vốn nên suy đi tính lại, tôi quyết định mở dịch vụ nhận ký gửi đồ cũ để bán. Kiểu kinh doanh này không phải bỏ vốn, không lo hàng ế trong khi tiền phần trăm (%) giá trị hàng bán được của mọi khách gửi lại khá lớn” - Trang nói.
Theo đó, đa dạng các mặt hàng từ quần áo, giày dép cho đến đồ gia dụng, đồ chơi trẻ em… món nào còn dùng được là khách có thể đem đến nhà riêng của Trang ký gửi. Khách tự định giá sản phẩm của mình, khi bán xong, Trang được từ 10-20% giá trị của món hàng. Hàng không bán được, sau khi hết thời hạn ký gửi, sẽ được gửi trả chủ nhân. Nhờ lượng khách đến ký gửi đồ khá nhiều, hàng phong phú và số khách đến mua cũng cao nên mỗi tháng, trừ chi phí các loại, trả lương nhân viên... Trang có thêm thu nhập hơn chục triệu đồng.
Kinh doanh kiểu ký gửi thu hút rất nhiều bạn trẻ tham gia. Tại TP.HCM, những kho hàng ký gửi đã trở thành điểm đến quen thuộc của các “tín đồ” săn đồ cũ có thể kể đến như: Give Away (Bạch Mã, Q.10), 2nd Chance (Phan Liêm, Q.1), Consignista Saigon (Lý Chính Thắng, Q.3), You & Me Exchange (Cầm Bá Thước, Q.Phú Nhuận)…
Trên mạng xã hội còn có những group như “Dọn nhà cho đỡ chật” hay “Cũ người mới ta”; hoặc một số trang hotfacebooker của các bạn sở hữu lượng người follow (theo dõi) lớn cũng trở thành “kênh” quảng bá, giới thiệu hàng ký gửi rất hiệu quả.
Hàng tự định giá
Trên thế giới đã có những hệ thống bán hàng cũ ký gửi rất thành công như Second time around hay Once upon a child… Còn ở Việt Nam, mô hình này tuy khá mới mẻ nhưng đã tỏ ra khá phù hợp trong tình hình hiện nay.
Theo đó, kho ký gửi là nơi trung gian nhận các sản phẩm từ thời trang cho đến đồ điện tử, nội thất… đã qua sử dụng nhưng còn mới. Sau đó những người có nhu cầu sở hữu chúng sẽ mua lại và người ký gửi sẽ nhận được một khoản tiền chiết khấu theo quy định. Nhiều người cho rằng không cần thiết phải ký gửi mà có thể tự rao bán để thu được 100% lợi nhuận. Thế nhưng, theo phân tích thị hiếu của khách hàng, đồ cũ cũng phải đảm bảo chất lượng và khi được rao bán từ một địa chỉ uy tín sẽ tăng giá trị rất nhiều so với những sản phẩm do cá nhân bán.
Điểm nổi bật trong mô hình này là những món đồ khách mang đến ký gửi đều được tự định giá, nhân viên cửa hàng chỉ đóng vai trò tư vấn. Với mỗi sản phẩm nếu bán được thì người ký gửi và chủ cửa hàng sẽ ăn chia phần trăm. Hàng càng bán được sớm thì người ký gửi càng nhận được nhiều tiền. Ví dụ, trong 5 ngày đầu, người ký gửi sẽ nhận được 70% giá trị của sản phẩm, kể từ ngày thứ 6 sẽ giảm xuống 60%, còn từ ngày thứ 15 sẽ giảm tiếp còn 50%...
Cần thỏa thuận rõ ràng
Cửa hàng ký gửi đóng vai trò trung gian giữa người mua và người bán nên cần đưa ra những quy định, chính sách cụ thể để thực hiện hoạt động mua bán thuận lợi, tránh xảy ra sai sót.
Đối với người ký gửi cần xác định nơi bạn dự định ký gửi có nhận tất cả các mặt hàng hay chỉ là hàng thời trang, đồ nội thất, đồ điện tử… Điều này bạn cần xác định rõ với người bán ngay từ đầu để tránh mất thời gian đôi bên. Và đặc biệt cần phải có quy định rõ ràng về những vấn đề sau: độ mới và chất lượng của sản phẩm nhận ký gửi ở mức nào; cách thức và quy trình ký gửi như thế nào; giá thu được khi bán sản phẩm ký gửi sẽ được chia theo tỷ lệ bao nhiêu, nhận tiền theo từng sản phẩm ngay sau khi bán được hay nhận theo ngày quy định của cửa hàng ký gửi; cách thức thanh toán ra sao, nếu hàng không bán được thì nhận lại như thế nào…
Đối với người kinh doanh ký gửi, cần công khai phương châm bán hàng và những lợi thế nhất định mà khách hàng có được khi mua sắm tại đây; lên chính sách mua hàng cụ thể bao gồm các ưu đãi giảm giá, khách hàng thân thiết…; cách thức thanh toán và giao hàng khi mua hàng online cụ thể như thế nào. Đặc biệt phải rõ ràng về phí ship cũng như thông tin tài khoản để thao tác thanh toán trở nên đơn giản, nhanh chóng.
Với những cửa hàng quy mô lớn, cần sử dụng các phần mềm quản lý để quản lý đơn hàng nhập, đơn hàng xuất, có thể bán hàng mọi lúc mọi nơi…
Cẩn trọng khi đem ký gửi
Đã có khá nhiều trường hợp “mất tiền oan” khi khách hàng mua mỹ phẩm, thực phẩm chức năng ở cửa hàng ký gửi, sau khi xài thì bị dị ứng. Và tất nhiên, người bị “bắt đền” không ai khác chính là chủ cửa hàng ký gửi.
|
Mô hình kinh doanh, buôn bán ký gửi hút người trẻ |
Hoặc cũng có trường hợp, hàng đã được bán nhưng chủ cửa hàng ký gửi tìm cách “cù cưa”, chiếm dụng tiền; hàng bán ra không đúng với giá đã thống nhất… Đó là chưa kể, trong thời gian ký gửi, chưa bán được, chủ hàng còn có thể đem hàng hóa của khách ra sử dụng… Nhất là đối với mặt hàng mỹ phẩm hay túi xách, rất khó để kiểm chứng hàng có bị sử dụng thêm hay không. Rất nhiều vấn đề có thể xảy ra trong suốt quá trình ký gửi có thể gây thiệt hại cho khách hàng.
Không ít chủ cửa hàng ký gửi làm đủ mọi trò để lấy thêm tiền của khách ký gửi: nhập nhằng trong giá cả, hàng hóa… Có nơi còn lợi dụng sự tin tưởng của khách, đánh tráo hàng bằng sản phẩm cùng loại nhưng cũ hơn hoặc hàng giả để bán. Vì thế, khi ký gửi hàng hóa, nhất là những món hàng có giá trị lớn, khách hàng nên tìm những cửa hàng có uy tín, để hạn chế tình trạng bị thiệt trong mua bán. Các cửa hàng lớn sẽ có hợp đồng, có hóa đơn bán hàng rõ ràng, chi tiết hơn cho khách.
Tốt nhất, khách hàng nên thường xuyên kiểm tra hàng hóa của mình xem có được bảo quản đúng yêu cầu, đúng chủng loại mẫu mã đã đưa đi ký gửi hay không… để tránh thiệt hại cho mình.
Luật sư Nguyễn Minh Tâm, Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng, đã có không ít trường hợp khách hàng khi mua sắm ở các kho hàng ký gửi “vớ” phải món hàng dỏm, hàng quá cũ, hàng lỗi… so với số tiền mình bỏ ra. Do vậy, người mua hàng cần kiểm tra kỹ chất lượng hàng hóa, nguồn gốc, tem mác sản phẩm... Đối với người ký gửi phải có ký kết hợp đồng với các điều khoản cụ thể, bên ký gửi có thể bị thiệt hại trong việc nhận trả hàng như hàng hóa bị hư hỏng hay bán với giá quá thấp. Còn bên nhận ký gửi nếu không kiểm tra kỹ về chất lượng, hạn sử dụng… sản phẩm nhận ký gửi sẽ có nguy cơ bị “đền oan”, mất uy tín đối với khách hàng.
Thiên Thiên
Bạn có thể gửi câu hỏi hoặc chia sẻ những kinh nghiệm của bản thân cho chuyên mục thông qua email: tuvantaichinh@baophunu.org.vn