'Ngôi nhà không có đàn ông': Một ngôi nhà xa lạ!

06/08/2017 - 16:29

PNO - Trong bộ ba kịch bản 'Ngôi nhà' của cố tác giả Ngọc Linh, 'Ngôi nhà không có đàn ông' có lẽ là tác phẩm được yêu thích nhất và có nhiều bản dựng nhất.

Từ sau bản dựng đầu tiên với các diễn viên thuộc thế hệ vàng của sân khấu kịch: Hồng Vân, Hồng Đào, Thành Lộc, Quốc Thảo… tại 5B hồi thập niên 1990; Ngôi nhà không có đàn ông đã nhiều lần được dựng lại cả trên sân khấu lẫn truyền hình. Phiên bản mới nhất của đạo diễn Vũ Minh vừa ra mắt khán giả tại Idecaf với một diện mạo nhiều khác biệt: những chi tiết hài quanh tính cách dì Ba và quan hệ giữa các nhân vật được khai thác nhiều hơn.

'Ngoi nha khong co dan ong': Mot ngoi nha xa la!

NSƯT Thành Lộc phải giả gái chỉ để Ngôi nhà không có đàn ông có thêm tiếng cười? - ảnh: H.N.

Tuy nhiên, điều khiến nhiều người thất vọng là “ý tưởng” để NSƯT Thành Lộc đảm nhận vai dì Ba. Xuyên suốt vở diễn, dì Ba - Thành Lộc chủ yếu tung những mảng miếng hài không quá khó mà bất kỳ một diễn viên nào có chút bản lĩnh và kinh nghiệm diễn xuất đều có thể  đảm nhận mà không cần NSƯT Thành Lộc phải cất công giả gái. Màn giả gái của Thành Lộc khiến không ít người hoang mang. Idecaf không đủ diễn viên nữ để diễn một vai hài đơn giản như vậy hay cố tình sắp xếp Thành Lộc vào vai này để lôi kéo khán giả?

Sân khấu là nơi hóa thân, là nơi sáng tạo của nghệ sĩ không bị giới hạn. Chẳng có luật nào cấm nghệ sĩ giả gái. Nhưng với đẳng cấp và tài năng của NSƯT Thành Lộc - nếu phải giả gái, công chúng chờ đợi một vai diễn mà nếu không phải anh thì không ai đảm đương nổi; hoặc ít nhất cũng phải là nhân vật tạo nên sự đột phá, tạo điểm nhấn bất ngờ cho vở diễn đã được dựng rất nhiều trước đó. Nếu chỉ giả gái để có thêm tiếng cười thì thiết tưởng Ngôi nhà không có đàn ông không cần điều đó. Khán giả xem kịch nghiêm túc cũng không mấy hứng thú với việc phải xem giả gái chỉ để được cười.

'Ngoi nha khong co dan ong': Mot ngoi nha xa la!
 

Chợt chạnh lòng khi nhớ đến vai diễn ông Thiện của chính NSƯT Thành Lộc, cũng trong vở Ngôi nhà không có đàn ông, bản dựng cách đây hơn 20 năm. Nỗi đau của người đàn ông đánh rơi hạnh phúc tưởng đã có trong tầm tay; sự lúng túng, cố  trì hoãn cuộc chia tay, tưởng như chỉ cần một câu nói giữ mình lại, ông sẽ bỏ tất cả để được sống bên cạnh người mình yêu; nụ cười gượng gạo cố che giấu nỗi đau vỡ òa ngay khi bước ra khỏi cánh cửa…

Tất cả đã được NSƯT Thành Lộc diễn tinh tế và đầy cảm xúc trong từng nét biểu cảm trên khuôn mặt, từng cách nhấn câu, nhả chữ. Chỉ một câu nói với người mình yêu thương trước khi chia tay - “Tôi có tất cả những thứ Hạ không cần, nhưng có một thứ Hạ cần tôi lại không có” - cũng đủ khiến người xem buốt lòng và rưng rưng cùng nhân vật.

Ông Thiện ngày xưa và dì Ba hôm nay của NSƯT Thành Lộc khác nhau xa quá! Từng ánh mắt, nụ cười hay chỉ một cái cúi đầu của ông Thiện ngày xưa đã gieo vào lòng khán giả những ấn tượng khó mờ. Đó là những nỗi day dứt dai dẳng cho số phận nhân vật bằng sự hóa thân mà ở thời điểm đó, ngay cả những đồng nghiệp thuộc thế hệ vàng như anh, không phải ai cũng có thể đạt được. Còn dì Ba bây giờ chỉ khác vì được Thành Lộc giả nữ để thể hiện; chưa kể đôi lúc tung tẩy với vai diễn, dì Ba - một cô giáo dạy văn - đã hồn nhiên gọi cháu là... ngựa!

'Ngoi nha khong co dan ong': Mot ngoi nha xa la!
 

Hiện tượng giả gái để mua tiếng cười của một bộ phận diễn viên trẻ và thí sinh các gameshow hài vẫn đang bị khán giả và cả người làm nghề phản ứng mạnh. Vậy mà ở đây, một tài danh như NSƯT Thành Lộc lại phải uốn éo trở thành dì Ba, khiến khán giả yêu thương anh lẫn yêu thích Ngôi nhà không có đàn ông phải phiền lòng. 

Phương Minh

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI