Ngôi nhà của phái đẹp: Vượt khó để luôn đẹp và ấm áp

20/10/2023 - 06:26

PNO - Mặc dù gặp không ít khó khăn trước những tác động của đời sống kinh tế - xã hội, nhưng thời gian qua, Nhà văn hóa Phụ nữ TPHCM vẫn nỗ lực duy trì các hoạt động văn hóa tinh thần để xứng đáng là điểm đến tin yêu của phụ nữ thành phố.

Nữ công nhân làm ca sĩ

Chiều tan ca muộn, chị Nguyễn Thị Thủy (phường Tân Phú, TP Thủ Đức) chạy nhanh từ công ty về nhà thu dọn đồ đạc, rồi vợ chồng vội chở nhau đến Nhà văn hóa (NVH) Phụ nữ TPHCM cơ sở 2 (quận 7) để kịp giờ tham gia vòng chung kết hội thi “Tiếng hát từ ngôi nhà của phái đẹp”. Họ ghé vào quán ăn dọc đường để mua 2 hộp cơm mang theo. Sau khi khoác lên mình chiếc áo dài, mũ mấn tươm tất, chị mới mở hộp cơm ra ăn.

Chị Nguyễn Thị Thủy cùng chồng tập lại bài hát trước vòng chung kết hội thi “Tiếng hát từ ngôi nhà của phái đẹp”
Chị Nguyễn Thị Thủy cùng chồng tập lại bài hát trước vòng chung kết hội thi “Tiếng hát từ ngôi nhà của phái đẹp”

Không khí hội trường xôn xao hơn khi các thí sinh, đội thi tranh thủ “dợt” lại các tiết mục cho quen sân khấu. Trong lúc vợ ăn cơm, anh Long - chồng chị Thủy - cũng đã thay xong bộ vest trắng. Anh ngồi kế bên, sửa lại vài sợi tóc, chỉnh lại cái mấn cho chị Thủy. Đợi chị ăn xong, anh ngồi hát lại ca khúc mà họ dự thi. Chị Thủy chăm chú lắng nghe và chỉnh lại những chỗ còn “vênh” cho chồng. 

Chị Thủy là công nhân Công ty may Esprinta (Bình Dương). Năm 2017, chị rời quê nhà Hải Dương vào TPHCM lập nghiệp. Biết chị Thủy là người yêu ca hát, năm 2019, bạn chị rủ tham gia cuộc thi “Tiếng hát từ ngôi nhà của phái đẹp” do NVH Phụ nữ TPHCM tổ chức. Thế là chị theo bạn dự thi và đạt giải Khuyến khích, rồi giải Nhì vào năm tiếp theo.

Kể từ lần thi đó, chị Thủy biết nhiều hơn về những hoạt động của NVH Phụ nữ TPHCM. Chị cũng bắt đầu thấy đời sống công nhân nhiều sắc màu hơn bởi không chỉ có cơ hội hát hò, chị còn có thể học cắm hoa, học nấu ăn, học cách trang điểm, làm đẹp, học cách sống tích cực, tự tin… tại đây. “Đăng ký thi hát ở các cuộc thi khác, thường phải đóng phí, nhưng ở NVH Phụ nữ thì không, mà lại được hát đúng dòng nhạc mình thích. Mỗi đợt thi như vậy, tôi trở về, thấy mình yêu đời, tràn đầy năng lượng, làm việc cũng hiệu quả hơn”.

Thấy vợ có niềm vui lành mạnh, anh Long cũng tham gia. Với anh, cuộc thi không đơn thuần giúp vợ chồng anh giải trí mà còn mang đến sự trải nghiệm, cọ xát để mỗi người tự nâng mình lên. Mỗi người một việc khác nhau nên việc hướng đến những hoạt động chung khiến vợ chồng anh cũng ngày càng thêm gắn kết. “Hôm nào tan ca lúc 17 giờ, vợ về nhà nấu cơm, tắm rửa rồi mở micro lên tập, người này hát thì người còn lại nghe. Câu nào chưa được, vợ chồng chỉ cho nhau luyện lại. Chúng tôi thấy gắn bó hơn qua những hoạt động như vậy” - anh Long kể.

Ngôi nhà truyền cảm hứng

Bà Phạm Thị Trâm (82 tuổi, phường 4, quận Tân Bình) cũng mang tâm trạng hồ hởi đến với cuộc thi. Bà chít tấm băng đô cùng màu với bộ trang phục thổ cẩm lên đầu đã bạc trắng để trình diễn bài hát Tiếng chày trên sóc Bom Bo. Tiết mục dự thi của bà là tốp ca 12 người, tất cả đều đã trên 60 tuổi. Khi được hỏi tại sao lại tham gia cuộc thi, bà cười: “Đây là cuộc thi tiếng hát quần chúng, ai cũng có thể tham gia. Tham gia cuộc thi, tôi có thêm hoạt động để vui chơi tuổi già. Suốt ngày ở trong nhà thì làm sao vui, khỏe như thế này được. Con cháu thấy mẹ, thấy bà vui cũng ủng hộ”.

Bà Phan Thị Bích Hường (thứ ba từ trái sang) - Giám đốc Nhà văn hóa Phụ nữ TPHCM - cùng các đại biểu thực hiện nghi thức khai mạc triển lãm ảnh “Hải Âu tuổi 33”
Bà Phan Thị Bích Hường (thứ ba từ trái sang) - Giám đốc Nhà văn hóa Phụ nữ TPHCM - cùng các đại biểu thực hiện nghi thức khai mạc triển lãm ảnh “Hải Âu tuổi 33”

Không chỉ là nơi thi thố để vui, để có giải thưởng, với chị Thủy, NVH Phụ nữ TPHCM còn là nơi truyền cảm hứng để mỗi người hướng đến đời sống văn hóa, tinh thần phong phú hơn. “Với tôi, đây không chỉ là “ngôi nhà của phái đẹp” mà còn là ngôi nhà của tinh thần, ngôi nhà truyền cảm hứng sống. Thấy các cô, các chị em xem đây là điểm hẹn để giao lưu, chia sẻ những vấn đề của cuộc sống, để học kỹ năng chăm sóc gia đình, rồi từ kỹ năng đó có thể nâng cao thu nhập kinh tế gia đình, tôi rất thích. Tôi luôn ước gần nơi mình sống cũng có cơ sở như thế để chúng tôi có cơ hội tham gia nhiều hơn” - chị Thủy chia sẻ.

Tại sự kiện triển lãm “Hải Âu tuổi 33” diễn ra đầu tháng Mười, bà Đào Hoa Nữ - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nhiếp ảnh nữ Hải Âu - đã bộc bạch rằng, bao nhiêu năm qua, những thành viên câu lạc bộ ngày càng “mỏi gối chùn chân” bởi tuổi ngày càng cao, sức ngày càng giảm, thế nhưng, họ vẫn quyết tâm bằng bất cứ giá nào cũng duy trì hoạt động sáng tác bởi những ân tình đã có từ ngôi nhà này.

Bà Đào Hoa Nữ nói: “Mặc dù thời gian qua rất khó khăn, nhưng NVH Phụ nữ TPHCM vẫn nuôi dưỡng, hỗ trợ, động viên chúng tôi sáng tác, rồi đứng ra tổ chức bao cuộc triển lãm để chúng tôi có cơ hội giới thiệu thành quả lao động nghệ thuật của mình - cũng chính là vẻ đẹp của con người, thiên nhiên mọi miền đất nước - đến với đông đảo công chúng thành phố”. 

Không vì khó mà qua loa

Bà Phan Thị Bích Hường - Giám đốc NVH Phụ nữ TPHCM - cho biết, trước dịch COVID-19, đơn vị đã đối mặt không ít khó khăn khi cơ sở vật chất xuống cấp. Sự cạnh tranh từ hình thức kinh doanh nở rộ cộng với sự phát triển quá nhanh của mạng xã hội cũng là nguyên nhân khiến các lớp học tại đây bão hòa.

Dịch đến lại càng khó khăn hơn. Đến thời điểm này, kinh tế thế giới lại rơi vào khó khăn, đơn vị và mỗi người dân thành phố cũng không nằm ngoài tác động đó. Chị em phụ nữ đắn đo nhiều hơn để tiết kiệm chi tiêu khiến số lượng học viên tại NVH Phụ nữ TPHCM giảm đi 50 - 60% so với trước.

Khó khăn là vậy nhưng 2 năm qua, theo bà Bích Hường, NVH Phụ nữ TPHCM vẫn cố gắng duy trì nhiều hoạt động văn hóa tinh thần, tạo sân chơi bổ ích cho phụ nữ các giới, như tổ chức các hoạt động giao lưu, các chuyên đề, tọa đàm, hội thi, mà người tham gia hoàn toàn không tốn phí.

Chương trình đồng diễn thể dục mừng kỷ niệm ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam do Nhà văn hóa Phụ nữ TPHCM tổ chức
Chương trình đồng diễn thể dục mừng kỷ niệm ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam do Nhà văn hóa Phụ nữ TPHCM tổ chức

Bà Bích Hường khẳng định: “NVH Phụ nữ TPHCM đang làm tốt điều đó, thậm chí tốt hơn cả giai đoạn trước dịch. Minh chứng là trong bối cảnh hiện tại có nhiều khó khăn thì chương trình kỷ niệm 20/10 năm nay vẫn được duy trì phong phú, đa dạng. Chúng tôi xác định, không vì khó mà làm qua loa, đại khái. Trong lúc này, càng cần cho chị em thấy đây là nơi đáng để tới, là nơi mang lại những giá trị đích thực cho chị em. Chúng tôi làm với tất cả trái tim, sứ mệnh, nhiệm vụ mà Hội LHPN thành phố đã giao”.

Giám đốc NVH Phụ nữ cũng phấn khởi chia sẻ thêm, sắp tới, NVH Phụ nữ TPHCM có chủ trương xây dựng lại cơ sở cho khang trang hơn, để phục vụ đông đảo đối tượng, xứng đáng là điểm đến của phụ nữ thành phố. “Chúng tôi ấp ủ rất nhiều dự định khi có cơ ngơi mới.

Đối tượng hướng đến vẫn là phụ nữ các giới nhưng chúng tôi sẽ cố gắng thu hút thêm đối tượng lâu nay tham dự có phần hạn chế, đó là các nữ doanh nhân, nữ trí thức. Họ sẽ đến đây nhiều hơn, trở thành cầu nối, cùng NVH Phụ nữ TPHCM mang đến những giá trị, nấc thang mới để xứng đáng là “Ngôi nhà của phái đẹp” mà chị em phụ nữ thành phố đã ưu ái dành cho chúng tôi” - bà Bích Hường nói. 

Thu Lê

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI