Ngôi nhà có khắc số năm

04/04/2025 - 19:00

PNO - Mỗi khi ngồi trong ngôi nhà 3 gian ấm áp ấy, tình cảm mọi người dành cho nhau dường như đầy hơn. Cũng chẳng ai hiểu vì sao số năm của ngôi nhà lại trở thành thước đo thời gian để người lớn áng chừng hay lý giải cho mọi thứ, mọi sự việc trong gia đình.

Con người, sau khi sinh ra đều có tên, có tuổi. Con số ấy cứ lớn dần theo từng năm cùng với sự trưởng thành của mỗi người. Thế nhưng, cũng có những con số nằm im lìm ở góc tường trên cao, chịu nắng chịu mưa, chịu cả sự xoay vần của thời gian in hằn dấu rêu phong lên chúng. Đó là những con số được chạm khắc trên ngôi nhà.

Gia đình tác giả chụp hình bên ngôi nhà đặc biệt có khắc số năm - Ảnh do nhân vật cung cấp
Gia đình tác giả chụp hình bên ngôi nhà đặc biệt có khắc số năm - Ảnh do nhân vật cung cấp

Ngày còn thơ bé, tôi thường có dịp cùng gia đình về nhà thờ từ đường ở quê nội, thuộc xã Diên Lạc, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Vừa mới dừng xe ở đầu ngõ, tôi đã hướng ánh nhìn lên mảng tường trên cao, ngay gian chính giữa nhà. Nơi đó có con số 1932 được khắc nổi, màu trắng nền đen trông rất đẹp mắt và trang trọng.

Vốn tò mò, tôi hỏi ông nội đó là con số gì. Ông chỉ trả lời ngắn gọn: “Là “năm sinh” của ngôi nhà đó con”. Tôi ngạc nhiên hỏi lại: “Nhà cũng có năm sinh như con người hở ông?”. “Có chứ con, năm sinh là năm ngôi nhà được xây dựng cho đến khi hoàn thiện” - ông nội trả lời rõ ràng cho tôi hiểu.

Cũng từ đó, tôi thích nhìn ngắm con số chạm khắc tưởng chừng đơn điệu ấy vì chúng phản ánh “tuổi thọ” của ngôi nhà theo năm tháng. Mỗi dịp mọi người tề tựu đông đủ, các bác, các chú lại hài hước so sánh “số tuổi” của ngôi nhà với tuổi tác các thành viên trong gia đình: “Ngôi nhà này bằng tuổi ông Mười nha các con!”; “Tuổi của thằng Trí, Bôn, Bin, Bảo cộng lại mới bằng tuổi ngôi nhà”; “Hồi xây ngôi nhà này, ông nội tụi con mới 3 tuổi”...

Mỗi khi ngồi trong ngôi nhà 3 gian ấm áp ấy, tình cảm mọi người dành cho nhau dường như đầy hơn. Cũng chẳng ai hiểu vì sao số năm của ngôi nhà lại trở thành thước đo thời gian để người lớn áng chừng hay lý giải cho mọi thứ, mọi sự việc trong gia đình. Qua những câu nói hóm hỉnh, lớp con cháu chúng tôi còn nhìn thấy niềm tự hào của một dòng họ lớn trong vùng vì đã xây cất được nhà từ đường hoành tráng đến vậy.

Theo thời gian, chúng tôi - những đứa trẻ con ngày nào giờ đây đã khôn lớn, trưởng thành. Thế nhưng, ba vẫn luôn giữ thói quen đưa gia đình về nhà từ đường mỗi dịp giỗ chạp hay tết để gặp lại họ hàng. Không gian bỗng trở nên đông vui, náo nhiệt. Ai nấy cũng tranh thủ đứng trước hiên nhà, chỉnh ngắm điện thoại hay máy ảnh để chụp cho bằng được một vài tấm hình.

Tấm hình nào cũng phải có số tuổi của căn nhà. Gọi theo ngôn ngữ của giới trẻ ngày nay là ai cũng thay nhau, tranh nhau chụp để có tấm hình “check-in” trước căn nhà cao tuổi. Tiếng cười nói vui vẻ bỗng làm cho ngôi nhà vốn “già nua” chợt tràn ngập sức sống. Dù năm nào cũng chụp y một kiểu nhưng đó là cách để chúng tôi nhìn lại: năm nay gia đình có thêm người nào, vắng đi người nào. Nhìn lại để trân trọng hơn những gì đang có.

Mỗi lần trở về ngôi nhà in màu thời gian ấy, mọi lo toan, mệt nhọc đều như tan biến. Bất giác, khi nhìn vào con số chạm khắc trên cao, trái tim tôi như hẫng đi một nhịp, mũi cay cay khi nhớ về ông, nhớ về kỷ niệm được ông dắt về quê, nhớ cả cách ông giảng giải cho các cháu hiểu ý nghĩa của con số đặc biệt trên ngôi nhà.

Mọi thứ đều còn nhưng bây giờ ông nội đã đi xa…

Đức Bảo

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI