Nhiều người vẫn đùa rằng bạn sinh vào thời nay nhưng lại mang nhiều nét tính cách của phụ nữ thời xưa. Sinh xong đứa con thứ hai, bạn không đi làm mà chọn ở nhà “nâng khăn sửa túi” cho chồng và có thời gian chăm sóc con cái.
Mỗi sáng, bạn dậy sớm, chuẩn bị đồ ăn cho chồng con. Trong lúc chồng bạn pha cà phê, bạn sẽ ủi chiếc áo sơ mi thật thẳng thớm, sửa soạn cho chồng đi làm. Những buổi chiều chồng về, bạn để sẵn ly sinh tố hoặc nước ép trên bàn…
Nhìn sắc mặt chồng, bạn thường biết được anh ấy vui hay buồn để chuyện trò, tâm sự cho nguôi ngoai. Hơn 5 năm hôn nhân, bạn chưa một lần gào thét hay lớn tiếng với chồng. Bạn luôn một dạ hai vâng hoặc nếu bực chồng quá, bạn cũng chỉ mở cửa ra ban công ngồi để đợi cơn giận qua đi mà chẳng hề xổ ra một tràng dài như “hội chị em” thường thấy.
|
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK |
Mọi chuyện trong nhà, bạn quán xuyến đâu ra đấy, con cái lớn lên ngoan ngoãn, khỏe mạnh, đôi bên nội ngoại đều tự hào về hạnh phúc gia đình nhỏ của bạn.
Có lần tôi hỏi: “Làm sao mà Phương chỉ sống vì người khác như thế được?”. Bạn cười đáp: “Vì tớ thuộc típ đàn bà thương chồng”.
Đàn bà thương chồng là nghĩ đến chặng đường vất vả, kẹt xe và khói bụi mà mỗi ngày hai bận chồng phải đi làm. Nên bạn muốn khi về nhà, chồng sẽ thực sự cảm thấy thoải mái. Bạn biết chồng nhiều nỗi lo, vất vả và nặng gánh về kinh tế nên thường lắng nghe những cảm xúc, mệt mỏi của anh. Với bạn, việc dậy sớm hơn chồng 30 phút hay ủi một chiếc áo, làm một ly sinh tố chẳng có gì nặng nhọc mà khiến bạn rất vui.
Vì thương chồng nên bạn không muốn chồng phải nghe những lời cáu gắt, càm ràm, chướng tai. Bạn nói, ai mà chẳng có những tức tối, bực bội, nhưng nếu bình tâm suy nghĩ lại thì rốt cuộc cũng chính từ mình mà ra thôi. Chẳng có ai hoàn hảo, cuộc sống đã quá mệt rồi, hà cớ gì phải giày vò nhau cho khổ sở thêm nữa.
Thay vì hờn ghen, hơn thua trong những chuyện vặt vãnh, bạn thà chọn người gánh chịu hết tất cả để vợ chồng con cái có những giây phút hạnh phúc bên nhau.
Nhiều người hỏi sao dại dột khi chỉ biết hy sinh, bạn xua tay: “Không phải là dại dột, cũng chẳng phải hy sinh. Đó là sự cho đi và mình thấy xứng đáng. Còn được sống và chăm sóc cho nhau là còn biết ơn”.
|
Ảnh mang tính minh họa - Lifestylememory |
Dường như khi bạn cho đi thật nhiều, bạn cũng nhận lại đủ đầy tình yêu. Chồng luôn trân trọng bạn từng chút một. Mỗi sáng, anh đều hôn vợ, chào tạm biệt trước khi ra khỏi nhà. Chiều chiều, anh sẽ cố gắng hoàn thành công việc để về thật sớm. Anh chưa từng nói một lời xem thường dù vợ anh không đi làm. Chỉ cần vợ hỏi một vấn đề gì đó không biết, anh đều trả lời cặn kẽ. Muốn đầu tư khoản nào, anh đều về bàn với vợ. Học được điều gì mới, anh cũng chia sẻ để hai vợ chồng cùng nhau cập nhật kiến thức. Vợ chồng bạn đi đâu cũng có nhau…
Bạn cũng không phải gắng sức để cho đi hay ráng thương chồng chỉ để nhận những đền đáp ấy. Bạn thương vì thấy thương. Bạn yêu vì thấy yêu. Bạn không tôn thờ một tình yêu dữ dội, kiểm soát và ghen tuông. Ngược lại, bạn cho rằng tình yêu là hai người trong đó luôn cảm thấy thoải mái, được tạo những không gian riêng để phát triển và được là mình. Ngay khi bước vào mối quan hệ hôn nhân, bạn đã muốn kiến tạo một tình yêu như thế để các con hiểu được thế nào là tình yêu.
Tôi vẫn nghĩ, không dễ gì để có một cuộc sống tràn ngập tình thương khi nhìn cách bạn nỗ lực mỗi ngày. Dù không đi làm, nhưng bạn luôn không ngừng phát triển bản thân. Bạn không muốn mình trở nên cũ kỹ, lạc hậu. Tiễn chồng đi làm, con đi học, bạn sẽ quay vào nhà để dọn dẹp, làm đẹp nhà cửa. Mỗi ngày, bạn dành ra một tiếng để ngồi thiền và thêm hai tiếng để đọc sách hoặc học thêm kiến thức mới như về thời trang, tâm lý, cách nuôi dạy con, nấu nướng.
Mỗi tuần một lần, bạn sẽ đến spa để chăm sóc da mặt hoặc hẹn hò, gặp gỡ bạn bè…
|
Ảnh mang tính minh họa - Diana.grytsku |
Bạn nói, nếu không biết cách chăm sóc bản thân, bạn sẽ rất dễ bùng nổ nếu chỉ gặp phải một khúc mắc nhỏ. Để thương được người khác, bạn cần phải thương chính mình trước. Muốn hòa mình vào dòng chảy của tự nhiên, bạn cần phải chuẩn bị một nền tảng để sẵn sàng lướt trên con sóng.
Nhìn bạn, tôi càng hiểu rằng đàn bà thương chồng cũng khiến chồng muốn thương lại mình. Một ngôi nhà có người đàn bà thương chồng luôn khiến chồng muốn trở về.
Cát Tường