Ngôi nhà chung

22/07/2014 - 06:55

PNO - PN - Bốn chị em lần lượt lập gia đình và đều có cơ ngơi vững vàng. Ba đứa sống trong nội thành, riêng vợ chồng nhỏ Út ở Bình Chánh cùng ba má. Căn nhà cũ được chúng tôi chung tay xây mới. Mỗi lần đến chơi, thấy nhà cửa thênh...

edf40wrjww2tblPage:Content

Nhưng gần trọn cuộc đời dãi nắng dầm mưa, hai ông bà già không quen sống an nhàn. Ai đời bếp gas, bếp điện có đủ lại hiếm khi đụng tới. Che cái chòi lá nhỏ sau nhà, ba má tôi nấu nướng bằng bếp củi. Tận dụng tàu lá khô của mấy chục cây dừa và rơm rạ sau vụ gặt, quanh năm suốt tháng, bếp của má không thiếu nguồn chất đốt. Tháng rồi chị Hai đưa mấy đứa cháu về nghỉ hè mới biết bình gas từ cuối năm ngoái đến giờ vẫn chưa sử dụng hết. Chị kêu trời, tiết kiệm chi dữ vậy, cứ nấu nướng thoải mái, hết thì đổi bình khác, lo gì. Má nói sẵn cây lá trong vườn, nấu bếp củi để có dịp gom dọn sạch sẽ. Ngày xưa, mùa nước nổi, ba má phải chèo xuồng, móc từng gốc tràm về để dành đun nấu, cực khổ biết bao nhiêu. Giờ có sẵn củi khô trước mắt, cớ gì lại không dùng? Ba thêm vào: “Củi nấu cơm dẻo thơm hơn nhiều so với nồi điện”.

Ngoi nha chung

Má cũng nhất định không uống nước máy. Lựa những cơn mưa lớn, má chứa nước đầy ba chục lu, phơi vài nắng cho bay khí độc rồi đậy kín, dành để uống quanh năm. Nước mưa đem nấu trên bếp củi có vị ngọt lạ. Uống ngụm đầu không quen, nghe cứ như bị ám khói. Uống ngụm thứ hai thấy dễ chịu hơn. Uống nhiều lần đâm ra ghiền. Đến đứa con gái mới hơn sáu tuổi của tôi cũng nhận ra sự khác biệt của “nước bà ngoại”.

Tuy thỉnh thoảng vẫn cằn nhằn ba má chuyện lui cui nhóm bếp, nhưng chị em tôi đều thích nồi cơm trắng dẻo thơm nấu bằng củi. Dưới đáy nồi bao giờ cũng là giề cơm cháy vàng ruộm. Muốn cơm được giề cháy ngon lành đó cũng phải có kinh nghiệm nấu. Đốt bao nhiêu củi, vun than, cời than ra sao cho vừa đủ độ nóng. Sơ sẩy chút xíu là cơm khê ngay. “Nước bà ngoại” đã ngon, “cơm cháy bà ngoại” lại càng hấp dẫn hơn. Hè năm nào về chơi, mấy đứa nhỏ cũng tranh nhau giành cơm cháy.

Hai tháng hè bận rộn với gần chục đứa cháu ngoại nhưng ba má tôi xem đó là những ngày vui nhất trong năm. Các cháu nhỏ theo ông ra đồng hái cỏ gà, thả diều, bắt dế. Mấy đứa lớn được bà sắp xếp nhặt củi, quét vườn, lặt rau, nhóm bếp nấu ăn… Ở nhà dễ gì bọn chúng lọ mọ chuyện bếp núc, vậy mà về ngoại lại sốt sắng hẳn ra, còn tranh giành công việc của nhau. Dịp nghỉ hè nơi quê nhà giống như một học kỳ thực tế của sấp nhỏ.

Càng nghĩ tôi càng thấy chị Hai nói đúng. Mấy năm trước, lúc đám em còn dùng dằng chuyện hùn tiền xây nhà, chị bảo đây không chỉ là chốn để ba má an hưởng tuổi già, mà còn là ngôi nhà chung, nơi trở về của các thế hệ con cháu.

 Việt Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI