Ngôi làng sống chung với lũ lụt

07/10/2024 - 06:15

PNO - Làng (thôn) Xuân Tùy, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế có gần 200 hộ dân nằm ở hạ du sông Bồ nên năm nào cũng bị lũ lụt. Trong điều kiện sống khắc nghiệt ấy, việc dạy kỹ năng sống chung với thiên tai được chú trọng từ trong gia đình đến nhà trường.

Ông Phạm Phước - 57 tuổi, ở làng Xuân Tùy - cho biết, mỗi khi nghe thông tin có mưa, bão, dân trong làng đều chặt bớt những cành cây cao trong vườn, dùng bao cát chằng chống mái nhà. Người dân Xuân Tùy cũng nắm rõ quy luật là sau trận bão thường có lũ lụt, ngập úng kéo dài nên chủ động tích trữ lương thực.

Điều đặc biệt là nhà dân nào ở thôn Xuân Tùy cũng tự thiết kế một nơi cao ráo để sơ tán đồ đạc. Người dân cũng ưu tiên sắm ghe trước xe máy để dễ dàng sơ tán trong mùa lũ.

Hầu như nhà dân nào ở thôn Xuân Tùy, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng sắm ghe để dễ dàng di chuyển, sơ tán khi xảy ra lũ
Hầu như nhà dân nào ở thôn Xuân Tùy, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng sắm ghe để dễ dàng di chuyển, sơ tán khi xảy ra lũ

Ông Phạm Văn Lợi - Chủ tịch UBND xã Quảng Phú - cho biết, người dân thường ví von rằng, mỗi năm, thôn Xuân Tùy có 6 tháng lội nước. Thôn nằm ở nơi trũng thấp, rất dễ bị ngập lụt nên người dân có kinh nghiệm “sống chung với lũ” từ xa xưa. Chính quyền xã cũng phối hợp với các cơ quan chức năng tuyên truyền, tập huấn kỹ năng phòng, chống lụt bão nên ý thức phòng, chống thiên tai của bà con rất cao. Ngay từ lúc xây nhà, bà con đã làm móng cao để tránh lũ.

Ông cho hay: “Năm nay, UBND xã cũng trang bị cho thôn 2 chiếc ghe để khi xảy ra lũ thì thanh niên sẽ dùng ghe sơ tán đồ đạc giúp các hộ chỉ có người lớn tuổi”.

Các trường ở xã Quảng Phú cũng chú trọng dạy cho học sinh kỹ năng sống an toàn với lũ theo chương trình do dự án “Mô hình toàn diện nhằm xây dựng cộng đồng an toàn tại Việt Nam” do Hội Chữ thập đỏ Mỹ tại Việt Nam viện trợ. Từ cấp tiểu học, học sinh đã được thầy cô dạy bơi, dạy không tránh trú mưa, lũ gần cột điện, những vật dụng cần mang theo khi sơ tán trong ngày lũ.

Thầy Trần Quang Minh - Hiệu trưởng Trường THCS Đặng Hữu Phổ, xã Quảng Phú - cho biết, trường dạy kỹ năng bơi cho tất cả học sinh và lồng ghép dạy kỹ năng ứng phó với bão, lũ cho học sinh. Nhờ vậy, học sinh chẳng những biết bơi mà còn biết nhiều kỹ năng sinh tồn quan trọng khác.

Ông nói: “Bây giờ, mỗi khi mưa lớn, nước dâng cao, học sinh không tự đi về nhà mà nhờ người liên lạc để phụ huynh đến rước. Các em cũng tự biết cách bảo quản đồ dùng học tập trong mùa mưa bão. Những hôm mưa lớn, học sinh còn hỏi giáo viên có cần kê bàn ghế lên cao không để phụ giúp. Những việc làm nhỏ như vậy dần dà sẽ thành thói quen để các em ứng phó với lụt bão”.

Ông Đặng Văn Hòa - Chánh văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế - thông tin, những năm gần đây, tỉnh này thường xuyên bị bão, lũ. Để giảm thiểu thiệt hại, công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về ứng phó với thiên tai là rất quan trọng. Công tác này được thực hiện thường xuyên, liên tục từ hộ gia đình đến trường học. Nhờ vậy, nhận thức của người dân về phòng, chống thiên tai được nâng lên rõ rệt.

Song song đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quy hoạch về thủy lợi và phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phê duyệt các chương trình, dự án, mô hình góp phần phòng, chống thiên tai để tạo sinh kế bền vững cho người dân.

Thuận Hóa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI