Ngôi làng hơn 300 năm sống nhờ “lộc” sông La

26/07/2024 - 12:39

PNO - Trải qua hàng trăm năm, ngôi làng nhỏ nép mình bên dòng sông La vẫn “giữ lửa” nghề cào hến, thứ được xem là "lộc sông" đã từng giúp họ vượt qua những năm tháng đói khổ nuôi con, nuôi cháu trưởng thành.

Clip: Người dân làng Bến Hến tất bật làm nghề cuối vụ hến

Nhọc nhằn nghề đãi hến

Mặt trời đứng bóng cũng là lúc làng Bến Hến (xã Trường Sơn, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) trở nên nhộn nhịp bởi hàng chục chiếc thuyền máy thay phiên nhau chở sản vật sông La trở về. Bến Hến nằm nép mình bên dòng sông La thơ mộng, gắn liền với nghề cào hến suốt hơn 300 năm qua. Hến được người làng xem là "lộc sông", đã giúp dân làng vượt qua những năm tháng đói khổ nuôi con, nuôi cháu trưởng thành.

Khuôn mặt đen sạm vì nắng gió, ông Nguyễn Văn Bình (55 tuổi) tất bật chuyển hến lên bờ để những người phụ nữ đang túc trực sẵn ở khu vực đãi hến làm những phần việc còn lại. Ông nói, không rõ nghề cào hến có tự bao giờ, ông cũng như bà con nơi đây biết đến nghề nhờ được cha ông truyền lại từ đời này sang đời khác. Từ rạng sáng, đàn ông trong làng sẽ theo thuyền ra sông cào hến. Đầu giờ chiều, hến sẽ được chở về bến giao cho phụ nữ đãi, nấu tách ruột bán cho khách.

Làng Bến Hến nằm bên bờ sông La thơ mộng - Ảnh: Phan Ngọc
Làng Bến Hến nằm bên bờ sông La thơ mộng

Nhanh tay đảo đều mẻ hến đang sôi sùng sục trên bếp cạnh bờ sông, bà Trần Thị Duyên (51 tuổi) cho hay, công việc cào hến thường do đàn ông trong làng phụ trách, còn việc nấu hến, chao hến, đưa đi chợ bán dành cho phụ nữ. Phần lớn phụ nữ ở làng Bến Hến đều nắm rõ quy trình làm hến ngày còn nhỏ. Công việc này cũng chẳng đòi hỏi tay nghề, song rất vất vả, đòi hỏi phải có sức khỏe.

Hến sau khi được cào lên sẽ được sàng lọc cát sạn, luộc chín, đãi lấy ruột. Sau khi đãi, ruột hến trắng tinh. Công đoạn cuối cùng là nhặt sạn thêm một lần nữa trước khi đem về chế biến, đưa đi chợ bán. “Những công đoạn này khá đơn giản, nhưng đòi hỏi phải có sức khỏe vì phải liên tục khuấy tay thật mạnh để loại bỏ sạn, tách vỏ” - bà Duyên nói.

Theo bà Duyên, công đoạn tách vỏ hến thường bắt đầu từ 13g chiều đến tận giữa đêm. Nhiều hôm hến về nhiều, họ phải làm xuyên đêm để kịp giao hàng cho khách. Công việc tuy vất vả, thức khuya dậy sớm, song ai cũng phải tranh thủ làm vì nghề chỉ kéo dài nửa năm, đặc biệt là từ tháng Năm đến tháng Bảy. “Công việc thường chỉ tất vật vào những tháng mùa hè thôi. Dịp này hến nhiều, tiêu thụ cũng mạnh hơn nên mọi người phải tranh thủ làm” - bà Duyên chia sẻ.

Khu vực nấu hến nằm ngay cạnh bờ sông La - Ảnh: Phan Ngọc
Khu vực nấu hến nằm ngay cạnh bờ sông La
Hến sau khi đánh bắt về được phụ nữ trong làng sàng lọc sạn, rác trước khi bắt đầu chế biến
Hến được sàng lọc sạn, rác trước khi bắt đầu chế biến

Bà Trần Thị Hòa (54 tuổi) cho biết, năm nay hến ruột to, được mùa. Cứ 100kg hến sống sau khi đãi sẽ còn lại 10kg ruột hến thành phẩm. Hiện hến vỏ giá khoảng 15.000 đồng/kg, hến đã qua chế biến giá từ 100.000-130.000 đồng/kg. Trung bình mỗi ngày vợ chồng bà tiêu thụ khoảng 10-15kg hến thành phẩm, thu về hơn 1 triệu đồng. “Giá hến có lúc lên lúc xuống. Làm nghề này không giàu được, nhưng chăm chỉ thì vẫn sống khỏe” - bà Hòa nói.

"Lộc sông" nuôi sống dân làng

Theo người dân địa phương, hến sông La có nhiều nhất là vào những tháng hè nóng nực, khi phù du từ thượng nguồn sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố theo con nước về dạt về sông La. Nắng lên, từ trong phù du, rong rêu bãi phù sa ấu trùng hến tua tủa như hạt cà hòa vào nước sông sinh sôi. Hến sông La có vị ngọt đậm đà, không hôi bùn, béo vàng rất khác biệt so với các nơi khác. Từ xưa, hến sông La đã được dân làng chế biến thành các món như hến xào giá, hến xào xúc bánh đa, nộm, cháo, cơm hến…

Công việc đãi hến đòi hỏi khá nhiều sức
Công việc đãi hến đòi hỏi khá nhiều sức

Theo ông Bình, trước đây dân làng Bến Hến đánh bắt thủ công. Dụng cụ cào hến được làm bằng cào tre, chiều dài tùy vào độ sâu của sông, có cào dài hơn 5m. Nay kinh tế khá giả hơn, nhiều gia đình đầu tư thuyền máy với vợt sắt và lưới dù để đi cào hến. Thuyền công suất lớn, khu vực đánh bắt hến cũng được mở rộng lên sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố, thậm chí ra cả sông Lam. Trung bình, mỗi ngày 1 thuyền thu về vài triệu đồng, có hôm may mắn cả chục triệu đồng.

Ông Phan Tuấn Anh - Phó chủ tịch UBND xã Trường Sơn - nói rằng, nhờ hến mà người dân làng Bến Hến “sống khỏe” hàng trăm năm qua. Làng có hơn 200 hộ thì hiện có tới 90 hộ đang làm nghề cào hến. Trung bình mỗi vụ hến, một gia đình thu về 100-200 triệu đồng. Nghề cào hến còn “sinh ra” hàng loạt nghề khác cho người dân trong làng như đóng tàu, đan rổ rá phục vụ đãi hến, bán than… Cứ thế người làng làm đủ các nghề, cộng sinh nhau mà sống.

“Những người lớn tuổi, không có thuyền để đi cào hến thì đến luộc hến, đãi hến thuê cho gia đình khác. Mỗi đêm cũng kiếm được 500.000 đồng. Thu nhập bình quân trên đầu người của làng hiện là 60 triệu đồng/người/năm” - ông Tuấn Anh nói và cho hay, trước đây làng này còn có nghề thu mua vỏ hến để nung vôi. Song hiện các lò vôi thủ công phải đóng cửa nên nghề này không còn.

Theo chị Duyên, phần lớn hến ở làng sau khi đánh bắt đều được luộc chín, đãi lấy ruột để bán
Luộc hến để đãi lấy ruột

Mùa cào hến ở làng Bến Hến thường bắt đầu từ khoảng tháng Hai đến tháng Tám, khi mùa mưa lũ bắt đầu. Theo ông Tuấn Anh, nếu như trước đây hến chủ yếu chỉ được tiêu thụ trong tỉnh, thì nay nhiều người dân làng Bến Hến đã liên kết với các thương lái, đưa hến “vươn” ra nhiều tỉnh thành ở phía Bắc và phía Nam tiêu thụ. Thu nhập từ nghề cào hến ở làng cũng ngày một tăng.

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI