Ngồi không là bố lại ốm

22/11/2023 - 16:50

PNO - Thấy ông vất vả, bận rộn cả ngày, tôi khuyên ông dành thời gian nghỉ ngơi, ông cười: “Giờ mà rảnh rỗi, ngồi không là ba phát bệnh”.

Gắn bó cả cuộc đời với làng quê, với từng bờ ruộng, thớ đất… thứ ba chồng tôi mê nhất là được tự tay làm mọi việc. Có lẽ cuộc sống của một người đàn ông gánh vác gia đình để lo cho 4 đứa con trai ăn học đã hình thành trong ông sự chịu khó, chịu khổ, không nề hà bất cứ việc gì.

Ông bận luôn tay, luôn chân, rảnh rỗi chút lại nghĩ việc ra làm. Mùng Ba tết, người người còn đi chơi, ông đã dắt trâu ra đồng vì thương nó 2 ngày liền bị bó chân trong chuồng; rồi lại cuốc đất, tưới rau. Nhiều lúc thấy ông vất vả, bận rộn cả ngày, tôi khuyên ông dành thời gian nghỉ ngơi, ông cười: “Giờ mà rảnh rỗi, ngồi không là ba phát bệnh”.

Tác giả và ba chồng - người luôn quý con dâu như con gái
Tác giả và ba chồng - người luôn quý con dâu như con gái

Cái nết chăm chỉ, ham làm, mộc mạc, chất phác của ông trở thành “gen” di truyền cho các con. Nhưng ở ông còn nhiều điều mà mỗi khi nghĩ đến đều khiến tôi rưng rưng. Khi tôi mới về làm dâu, trong bữa cơm tối đầu tiên ở nhà chồng vẫn còn biết bao điều bỡ ngỡ, lo lắng thì đã được ông giải tỏa bằng lời tâm tình: “Ba mẹ không có con gái, nên con dâu cũng là con gái trong nhà”. Ông còn căn dặn 2 cậu em chồng tôi đỡ đần việc rửa chén, quét nhà, không phải có chị dâu về thì khoán trắng cho chị.

Rồi các cháu lớn, nhỏ của ông bà lần lượt chào đời. Thương các con, ông đã bố trí bà ra phố trông cháu. Bà đi rồi, ông ở nhà một mình lo việc đồng áng, chợ búa, cơm nước, nhà cửa… Lam lũ và cực nhọc lắm, nhất là vào vụ thu hoạch, nhưng ông không một lời kêu ca, phàn nàn. Mỗi lần bà và các con có gọi điện về hỏi thăm thì ông đều bảo: “Chăm cháu mới là việc đại sự, đừng lo cho ông. Mấy cái việc cỏn con ở nhà, ông chấp hết”.

Nhưng khi về quê, chúng tôi nghe bác hàng xóm kể: ông nấu một nồi cơm ăn cả ngày rồi sấp ngửa hết ra đồng lại ra vườn, chăn bò, chăm heo, chăn gà… Có những ngày cúp điện không nấu được cơm thì úp tô mì tôm ăn cho xong bữa. Ốm đau ông cũng giấu tiệt, tự mua thuốc uống, không cho bà và các con biết để đỡ bận lòng… Tôi thấy thương ông vô kể. Tằn tiện từng đồng, đến quả trứng gà cũng không nỡ ăn.

Gà cả đàn trong chuồng, nếu không có việc cần thiết thì không thịt; thế nhưng con cháu về, ông lại chẳng tiếc gì. 5g sáng, khi chúng tôi còn đang say giấc, ông đã dậy nấu ăn. Có lúc, ông còn nhắc bà: “Bà làm gì thì làm, nhẹ tay để cho con cháu nó ngủ”.

Cả cuộc đời ông chỉ biết lo cho người khác chứ không muốn người khác bận tâm về mình. Thương ông bà đã có tuổi vẫn còn vất vả, hằng tháng anh em tôi gom góp ít tiền gửi về quê đỡ đần, vậy mà ông cứ lấn cấn: “Các con đừng gửi tiền về cho ông bà nữa, để mà lo cho con cái ăn học. Ông bà vẫn còn đang làm được, chừng nào phải nằm một chỗ thì lúc đó mới phiền đến các con”.

Tuổi đã cao, nhưng ngoài việc đồng áng, ngày ngày ông lại cần mẫn chăm bón khu vườn: mùa nào rau ấy, ông bà chẳng ăn mấy, chủ yếu là có rau sạch gửi ra thành phố cho con cháu rồi trồng thêm nhiều cây ăn quả cũng chỉ để mỗi dịp con cháu về chúng nó tha hồ ra vườn hái, leo trèo. Có khách đến chơi, ông lại hào phóng mang cây trái nhà trồng được vừa mời khách ăn vừa biếu mang về.

20 năm làm con dâu của ông, mỗi lần nhìn nụ cười phúc hậu ấy, tôi thấy trong lòng mình có cả một khung trời ấm áp. 

Thu Hoàn

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI