Ngồi ghế chủ nhân khi xử lý rắc rối

16/07/2018 - 16:00

PNO - Ca cẩm về khó khăn, thách thức chỉ làm vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn, đồng thời còn tạo ra bầu không khí nặng nề. Hãy thử một số phương pháp sau khi chạm trán với khó khăn, thử thách.

Ai trong chúng ta cũng phải đối mặt với khó khăn và thử thách. Nhưng điều làm nên khác biệt là cách chúng ta ứng phó với khó khăn, thử thách ấy. 

Ngoi ghe chu nhan khi xu ly rac roi
Ai rồi cũng phải đối mặt với những rắc rối, ưu phiền. Hình minh họa.

Khi gặp những vấn đề khó, mỗi người đều có hai lựa chọn: chấp nhận và chối bỏ. Biểu hiện của chối bỏ là vướng vào những suy nghĩ: “Tại sao điều này lại xảy ra với tôi?”, hoặc đổ thừa tại người khác nên mình mới gặp phải thử thách này. Vì vậy, chúng ta tự làm mất thời gian và năng lượng quý báu của bản thân, đồng thời còn tự làm mất đi niềm hạnh phúc và sự bình an tâm trí. 

Còn nếu tôi chấp nhận thử thách là một phần tất yếu của cuộc sống, tôi sẽ không còn thắc mắc, trách cứ nữa mà tập trung vào tìm kiếm giải pháp và đơn giản hóa vấn đề. Có rất nhiều khía cạnh của thử thách mà tôi không thể kiểm soát được. Tôi chỉ có thể kiểm soát được cách ứng phó của mình đối với tình huống. Tôi tự hỏi: “Cách ứng phó tốt nhất trong trường hợp này là gì”, rồi hành động.

Gần đầy, tôi có trò chuyện với một học viên. Cô ấy tâm sự rằng, mình đang phải làm việc với một ông sếp rất chuyên quyền. Cô luôn cảm thấy bất mãn với thái độ giận dữ của sếp. Sau khi thực tập mình không thể kiểm soát được hành vi của người khác, cô đã tập trung chú ý đến cách ứng phó trước tình huống. Cô tự nhắc mình không phàn nàn và phê phán sếp nữa, mà hãy có những suy nghĩ tốt đẹp về công việc và về điều cô có thể làm. Thế là từ vị trí một nạn nhân, bế tắc trước vấn đề của mình, cô trở thành chủ nhân, tìm ra giải pháp. 

Cô quan sát thấy từ khi mình thay đổi suy nghĩ và thái độ, sự bực bội của sếp giảm dần khả năng ảnh hưởng đến cô. Cô còn cảm thấy bình tĩnh và rõ ràng hơn khi làm việc cùng sếp. Sau vài tuần, sếp cũng bắt đầu thay đổi và đối xử với cô đúng mực hơn.

Lúc trước, cô chối bỏ tình huống bằng thái độ bất mãn và tức giận, điều này khắc ghi vào ký ức cô cảm giác bực bội về ông sếp chuyên quyền. Sau đó, ký ức này tự động chảy vào suy nghĩ và hành vi của cô mỗi khi gặp sếp. Tôi lại hỏi cô ấy có bao giờ cảm thấy ai đó không thích mình và rồi người ấy có những hành động y như cảm nhận của cô không? Cô khẳng định là có. Chính sự bất mãn từ cô đã kích hoạt sự bực bội từ sếp. 

Sếp có trách nhiệm đối với lựa chọn của sếp. Còn cô có trách nhiệm về sự lựa chọn của cô. Tôi đã yêu cầu cô ấy thử nghiệm với hai điều trong tâm trí là “xin lỗi” vì tôi đã có những suy nghĩ tiêu cực về ông và “cảm ơn” vì tôi đã rút ra được bài học từ sự việc này. Sau vài ngày thử nghiệm, cô ấy chia sẻ rằng, cô có nhiều suy nghĩ tốt đẹp dành cho sếp và đã hiểu sếp hơn. Sếp của cô cũng bắt đầu thay đổi và trân trọng cô. 

Ngoi ghe chu nhan khi xu ly rac roi
Có nhiều cách để chúng ta xử lý khó khăn trên tinh thần chủ động và tích cực. Hình minh họa.

Một số phương pháp hỗ trợ bạn khi chạm trán với những khó khăn, thử thách:

- Có tầm nhìn tích cực về tương lai: mọi thứ luôn biến đổi, đến rồi đi. Tất cả đều hoạt động theo một vòng tuần hoàn. Sau đêm đông, mùa xuân sẽ đến. Bạn hãy nhìn xuyên qua “bóng tối” của thách thức để thấy rõ “bình minh” của bài học trưởng thành. 

- Nhìn sự việc với sự thông thái: hãy luôn nhận thức rằng, mọi thứ đều có liên hệ với nhau. Tình trạng hiện tại của chúng ta có liên quan đến những lựa chọn và quyết định của chúng ta trước đó.

Cho dù tình trạng hiện tại như thế nào, chúng ta cũng có quyền lựa chọn và quyết định. Hành động của chúng ta vào ngay lúc này sẽ tạo ra ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực cho chính mình trong tương lai. Dù lúc này đang gặp trở ngại, khi chúng ta hành động tốt đẹp, chúng ta sẽ gặt hái kết quả tốt đẹp sau này.

- Nói những lời nâng đỡ: ca cẩm về khó khăn, thách thức chỉ làm vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn, đồng thời còn tạo ra bầu không khí nặng nề. Khi nói chuyện với những người khác, hãy phát triển thói quen đưa ra ý kiến tích cực, mang tính xây dựng và thảo luận những chủ đề làm nhẹ bầu không khí.

- Lắng nghe lương tâm của bạn: tất cả mọi người đều phải đối mặt với những lựa chọn đạo đức trong đời và dễ phớt lờ tiếng nói thì thầm mách bảo ta làm điều đúng. Làm theo tiếng nói lương tâm là cách để phát triển sức mạnh nội tâm.

 Trish Summerfield 
(Trung tâm Inner Space Việt Nam) 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI