Ngồi đếm kỷ niệm

18/12/2023 - 06:20

PNO - Nghĩ về kỷ niệm để thấy thương yêu và tha thứ là 2 điều quan trọng nhất cần phải có trên cuộc đời này. Đừng nghĩ tha thứ là cao cả mà hãy nghĩ tha thứ để lòng mình an.

Mùa cuối năm, chút hơi lạnh se se buổi sáng thường khiến ta nằm nán lại một chút và ngẫm ngợi. 1 năm trôi qua, mọi thứ đã thành kỷ niệm, thành ký ức, thành những điều gợi nhớ. 

Tôi nhớ trên một trang mạng, có người cho rằng: “Kỷ niệm đơn giản chỉ là những điều mang đến cho mình nụ cười và nước mắt. Có khổ đau, có hạnh phúc, có sự cô đơn, có niềm nuối tiếc… Đã là kỷ niệm thì sẽ không bao giờ quên và sẽ không bao giờ phải hối hận về nó”.

Kỷ niệm là ngày hôm qua. Kỷ niệm đôi khi nhỏ như viên kẹo. Kỷ niệm với một chú cún, bé mèo, con gà, cái trứng; kỷ niệm đòn roi, những lần “phá làng, phá xóm”. Con người lớn lên, già đi, kỷ niệm chồng chất, cuốn sách đời dày thêm. Kỷ niệm một chiều mưa, một tối mùa đông, một ngày nắng bỏng da…

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Mỗi thời khắc trôi đi là trở thành kỷ niệm. Nếu mỗi người trên thế gian này góp kỷ niệm của mình vào một cái kho, có lẽ đó là kho chứa lớn nhất hành tinh. Nhớ về kỷ niệm đôi lúc gây ngộp thở vì nhiều quá.

Bạn bè gặp nhau ôn lại kỷ niệm, có khi ôm bụng cười mà nước mắt rơi. Cái ngày đói khổ, xất bất xang bang, nếu không có một bàn tay chìa ra chia sẻ những đồng bạc cuối cùng thì có khi nghĩ đến tự tử chứ chẳng chơi. Kỷ niệm không chỉ đẹp mà gồm cả những ký ức đau thương. Đôi khi chính những nỗi nhớ đau đớn ấy khiến con người lớn lên, mạnh mẽ, biết sống, biết yêu thương. 

Có lẽ gia đình là nơi nhiều kỷ niệm nhất mà ở thì hiện tại các thành viên thường không chú ý hay xem thường, bỏ qua. Đi chơi với bạn, mang đôi dép xỏ ngón, đứa này đạp chân đứa kia, dép đứt quai. Con về nhà loay hoay mãi không biết cách gắn quai vào. Mẹ từ dưới bếp đi lên, đưa chiếc đũa, bảo con luồn quai dép.

Thấy con lóng ngóng, vụng về không xỏ được vì chưa bao giờ làm, mẹ làm cho. Bàn tay mẹ nhỏ vậy, lực yếu vậy mà sao mẹ luồn cái quai dép nhẹ nhàng, êm ru; là bởi mẹ từng có quá nhiều kỷ niệm thời bé bị đứt quai dép. Hồi ấy, có những đôi dép mòn vẹt mà cái quai vẫn chắc hay có những đôi dép cứ tuột quai hoài… Kỷ niệm của mẹ thành kỷ niệm của con khi mẹ kể cho con nghe chuyện ngày xưa. 

Kỷ niệm vui hay buồn đôi lúc nhớ lại đều khiến ta rưng rưng. Đó là kỷ niệm về những người đã khuất hay một thời đã xa với nhiều khốn khó và đã vượt qua được. Con nhớ lại những lần làm mẹ buồn. Có đứa con nào không từng làm mẹ phải buồn? Vào thời điểm trong quá khứ ấy, con nào hay biết những giọt nước mắt khóc thầm của mẹ.

Thời gian trôi, mẹ không còn nữa, con mới nhận ra. Cuộc sống trôi hoài cho đến khi đứa con của con lớn lên, gây ra nỗi buồn cho cha mẹ, một lần nữa cứa thêm vào nỗi đau, ừ thì đã có một vài lần mình từng làm cho mẹ phải khóc.

Ảnh mang tính minh họa - Jcomp
Ảnh mang tính minh họa - Jcomp

Nghĩ về kỷ niệm để thấy thương yêu và tha thứ là 2 điều quan trọng nhất cần phải có trên cuộc đời này. Đừng nghĩ tha thứ là cao cả mà hãy nghĩ tha thứ để lòng mình an. Bỏ qua để sống tiếp. Tha thứ là cho mình, vì mình chứ không phải cho người khác. Yêu thương để cuốn sách kỷ niệm đời có thêm nhiều giai điệu dịu êm mỗi khi nhớ về. 

Nếu hỏi, làm sao để có giấc ngủ nhanh, câu trả lời đơn giản nhất có lẽ là hãy nhắm mắt lại và nghĩ về những điều vui vui. Có người bảo, cuộc sống không vui lấy đâu ra điều vui mà nghĩ. Đời không ai giống ai, nếu có những cuộc đời toàn màu hồng thì cũng có những cuộc đời xám đen từ khi bắt đầu cho đến lúc kết thúc. Quan trọng là, làm sao trong cái màu xám đen ấy nhặt ra được vài mảng màu tươi sáng để mà nghĩ về nó. Kỷ niệm vuông tròn, đủ hình hài là vì thế. 

Vậy nên, yêu thương luôn là cách cho đi và nhận về những kỷ niệm đẹp, dù lắm lúc không dễ dàng. 

Kim Duy

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI